Hỗ trợ, động viên cán bộ y tế để tránh 'chảy máu chất xám'

Tuệ Phương 29/08/2022 06:51

Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị ban hành Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP Hà Nội. Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị phản biện về dự thảo này.

Ngành Y tế Thủ đô đang vượt qua nhiều khó khăn để đảm bảo sức khỏe nhân dân.

Chi hơn 250 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ y tế

Theo Dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Phòng Y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội. Cụ thể: Đối với các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm. Người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm) với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người. Người không trực tiếp làm chuyên môn y tế (quản lý, hành chính), mức hỗ trợ 7 triệu đồng/người.

Đối với Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm pháp y, Trung tâm Tư vấn dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm như: Người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm) được hỗ trợ 7 triệu đồng/người. Người không trực tiếp làm chuyên môn y tế (quản lý, hành chính) được hỗ trợ 5 triệu đồng/người.

Đối với cơ quan Văn phòng Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ Y tế, Kế hoạch -Tài chính, Văn phòng Sở Y tế được nhận mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người. Phòng Nghiệp vụ Dược, Tổ chức cán bộ, Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Thanh tra Sở được hỗ trợ 7 triệu đồng/người. Phòng y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã nhận mức hỗ trợ 7 triệu đồng/người.

Đối với viên chức, lao động, hợp đồng có chuyên môn y tế, hiện đang làm công tác y tế tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng Người có công số II, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được hỗ trợ 5 triệu đồng/người. Dự kiến tổng mức hỗ trợ 250 tỷ 308 triệu đồng, từ Ngân sách cấp thành phố.

Tiếp tục có điều chỉnh hợp lý dù hơi muộn

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ Trí thức TP Hà Nội cho rằng, trong mấy năm qua, nhất là giai đoạn từ đầu năm 2020 đến hết quý I/2022, ngành y tế Thủ đô có đóng góp rất quyết định trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Xã hội đánh giá và ghi nhận công lao của các y bác sỹ cũng như nhân viên y tế toàn ngành. Bên cạnh sự tôn vinh về tinh thần thì nên có sự động viên về vật chất một cách kịp thời. Do đó, Nghị quyết này rất cấp thiết, dù hơi muộn.

Bà An kiến nghị, cần nâng mức hỗ trợ và không nên tính theo mức lương. Điều quan trọng nhất, là phải công khai, minh bạch việc hỗ trợ cũng như lộ trình thực hiện, không được phép để chậm hơn nữa thì mới có ý nghĩa động viên. Ngoài ra, cần công khai để dân biết và có sự giám sát của MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố.

Ở góc độ khác, ông Vũ Quang Hào - Hội đồng tư vấn Tổng hợp và phân tích Dư luận xã hội, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho rằng, Nghị quyết đã đề cập được thực trạng khó khăn để giữ chân cán bộ y tế làm việc trong các cơ quan, đơn vị công lập sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chưa có bảng so sánh thu nhập giữa cơ quan, đơn vị công lập so với cơ sở y tế tư nhân nên chưa thể đề xuất giải pháp để ngăn chặn dòng chảy chất xám.

Hiện nay, lực lượng công chức, viên chức và những người hoạt động trong lĩnh vực y tế đã và đang nỗ lực làm việc, bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô. Họ đã có nhiều đóng góp trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, được nhân dân tin tưởng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Thảo - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, thu nhập và cuộc sống của cán bộ công chức, người lao động trong lĩnh vực y tế của Thủ đô hiện vẫn còn khó khăn, nhiều cán bộ đã bỏ việc, chuyển nghề. Nhà nước đang nghiên cứu cải tiến tiền lương thì việc HĐND và chính quyền TP Hà Nội quyết định hỗ trợ một lần như Nghị quyết là việc làm rất cần thiết và kịp thời. Việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ chắc chắn sẽ phần nào động viên những người hoạt động trong lĩnh vực y tế ở TP Hà Nội thêm phấn khởi làm việc để phục vụ nhân dân và xã hội. Chủ trương này chắc chắn sẽ nhận được sự đón nhận của mọi người, sự đồng thuận của nhân dân.

Băn khoăn trước thực trạng “chảy máu chất xám” của ngành y tế thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị, ngành y tế cần rà soát kỹ, để sự hỗ trợ, động viên kịp thời, đúng đối tượng với những người có nhiều cống hiến, đóng góp cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Ngay từ khi nhận kế hoạch và nội dung chuẩn bị cho kỳ họp HĐND thành phố sắp tới, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã rất quan tâm đến một số nội dung, một số dự thảo Nghị quyết được thông qua lần này.

“Từ tình cảm, mong muốn của nhân dân đối với lực lượng y tế nói chung thì chính sách này là đặc thù, không phải chỉ áp dụng đối với cán bộ phòng, chống dịch mà dành cho tất cả cán bộ ngành y tế toàn thành phố nói chung. Vì vậy, trong quá trình thực hiện Nghị quyết cần hết sức quan tâm đến công tác tuyên truyền, công tác truyền thông; xác định rõ đối tượng được hưởng, đối tượng được giải quyết. Bên cạnh đó, việc triển khai cần được phủ kín tới các cơ quan, ban ngành, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng” - bà Hương nhấn mạnh.

Tuệ Phương