'Áo mới' cho không gian công cộng
Không gian công cộng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nên nhưng biểu tượng, bản sắc cho mỗi thành phố, đặc biệt là đời sống cộng đồng. Tuy nhiên với Hà Nội, đây vẫn còn là vấn đề.
Vẫn theo lối mòn
Với quá trình đô thị hóa, “đất chật, người đông” việc tạo ra các không gian công cộng được xem là cách để tạo giữ lại những hồn cốt văn hóa và phát triển du lịch. Thế nhưng có một thực tế hiện nay sau một quá trình hình thành và phát triển các không gian công cộng đang cho thấy sự thiếu đa dạng về hình thái không gian và đơn điệu trong chức năng.
Tại Hà Nội, các không gian công cộng trọng điểm như Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục, Quảng trường 1-5… đều gặp phải hạn chế này. Sự đơn điệu trong chức năng quảng trường thể hiện qua việc thiếu sự tham gia của các công trình xung quanh có chức năng khác liên kết với quảng trường. Nguyên nhân là các công trình xung quanh không gian công cộng này vẫn còn có hiện tượng quay lưng vào quảng trường, tiếp xúc bằng tường rào, không có mối quan hệ giữa chức năng công trình và không gian.
Ví dụ như công trình Bộ Giao thông vận tải, Bệnh viện Tim Hà Nội cạnh quảng trường 1/5; Tổng công ty Điện lực Hà Nội bên cạnh không gian Tượng đài Quyết tử hồ Hoàn Kiếm… Chưa kể, nhiều không gian công cộng rơi vào sự nhếch nhác như công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, hay bị xuống cấp như hệ thống công viên. Cùng với đó, sự phát triển của nghệ thuật công cộng đang tạo nên “trào lưu tranh tường”, do thiếu quản lý đã dẫn đến tình trạng “trăm hoa cùng nở", tranh tường mọc lên một cách tùy ý, tùy hứng, na ná nhau.
Theo PGS Phạm Hùng Cường - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, việc coi quảng trường chỉ như một sân trống hoặc nếu có quan tâm thiết kế cũng chỉ có thêm tượng đài, vườn hoa... là một thiếu sót về ý đồ tạo sự đa dạng các chức năng cho không gian công cộng. Chỉ khi không gian quảng trường được kết nối với các công trình công cộng xung quanh mới tạo nên được chuỗi các hoạt động phong phú cho sức sống hàng ngày của quảng trường.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng với khu vực nội đô Hà Nội, do các công trình xung quanh đã định hình, rất khó có thể mở rộng hoặc điều chỉnh, thiết kế hình thái không gian mới hoặc công trình kiến trúc xung quanh. Các không gian dành cho đi bộ không thể mở rộng, trừ khi thay đổi hoàn toàn thành tuyến phố đi bộ, quảng trường đi bộ. Đây là yếu tố hạn chế của các đô thị lịch sử.
Đồng quan điểm, TS mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho rằng với Hà Nội hiện nay, các thiết kế cho không gian công cộng như đường phố, công viên, vườn hoa... có vẻ như đang rơi vào tình trạng “đồng phục” trong khi đáng lẽ các thiết kế liên quan tới khu phố cổ, khu trung tâm chính trị... cần có nét riêng mang tính đặc thù. Tiếp đến là thiết kế đô thị. “Nếu như chúng ta đọc lại tư liệu thấy rõ rằng, các thiết kế tại khu phố cổ rất có “màu sắc”, có phong cách riêng. Còn bây giờ, thử nhìn biển hiệu cửa hàng tại khu phố cổ với một cửa hàng ở ngoại thành Hà Nội sẽ thấy cơ bản là khá giống nhau” - ông Thế nhận xét và cho rằng, việc thiết kế không gian công cộng hiện còn gặp một khó khăn nữa, liên quan tới vấn đề đào tạo. Những chuyên ngành về thiết kế không gian công cộng chưa trở thành một chuyên ngành đào tạo đúng nghĩa. Ví dụ như Trường Mỹ thuật công nghiệp tới đây mới thành lập một khoa có liên quan đến thiết kế công cộng, còn trước đây chỉ phân khoa chung chung.
Tìm lại bản sắc
Nhằm trả lại bản sắc cho không gian công cộng, mới đây Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc phối hợp cùng Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT), UBND quận Hoàn Kiếm và các Trường đại học trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, nội thất, mỹ thuật, văn hóa… đã tổ chức cuộc thi “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022”. Đây là một sân chơi dành riêng cho giới sáng tạo trẻ trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo nhằm huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của giới trẻ để đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo nổi bật trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Bên cạnh những tiêu chí chung, BTC cuộc thi đã gợi ý một số địa điểm tạo dựng các không gian công cộng như phố Tràng Tiền, phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí, phố ẩm thực Tống Duy Tân, phố Cầu Đông (khu vực phía sau chợ Đồng Xuân gồm có phố Thanh Hà, Nguyễn Thiện Thuật, Cầu Đông, Hàng Khoai, không gian đình Nam Hương - 75 Hàng Trống… Ngoài ra, thí sinh có thể chủ động tìm kiếm lựa chọn địa điểm trong khu vực khu phố cổ để nghiên cứu, đề xuất ý tưởng của mình như: Thiết kế hệ thống chiếu sáng, cây xanh trang trí, biển hiệu, trang thiết bị đô thị (ghế ngồi, nhà vệ sinh công cộng, các vườn hoa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm…
Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, cuộc thi là một trong những hoạt động triển khai thực hiện các nội dung cam kết với UNESCO nhằm nuôi dưỡng các tài năng trẻ của Hà Nội, phát triển mạng lưới nhà thiết kế trẻ khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đồng thời, cuộc thi cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận không gian công cộng xanh, an toàn, là cầu nối đưa các ý tưởng và thực hành sáng tạo đến gần hơn với công chúng. Hoạt động này cũng thúc đẩy hợp tác đa bên để tạo ra một môi trường lấy giới trẻ làm trung tâm trong ngành công nghiệp sáng tạo, tìm kiếm các nhà đầu tư nhằm hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo và hình thành các không gian sáng tạo không chỉ cho Hà Nội nói riêng mà còn cho cả nước nói chung.