Hà Nội 'giải cơn khát' công viên, vườn hoa
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 218 khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành đô thị. Trong đó có việc cải tạo, hiện đại hóa và xây dựng mới công viên, vườn hoa.
Kế hoạch 218 của UBND TP Hà Nội bao gồm nhiều nội dung. Cụ thể là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn để phát điện; Hoàn thành các dự án phát triển tài nguyên tập trung và các dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch; phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố; Khôi phục, phát triển và xây dựng mới các công viên, vườn hoa (giai đoạn 2021-2025).
Cùng đó, Kế hoạch 218 cũng nêu rõ phải làm tốt công tác đảm bảo hệ thống giao thông, an toàn; Khuyến khích đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, bãi đỗ xe ngầm để giảm tình trạng đỗ xe trái phép; Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp để xe lấn chiếm lòng, lề đường, dừng đỗ trái phép; Kiên quyết không để phát sinh các trường hợp nhà ở siêu mỏng, có độ méo cao ở hai bên đường, nhất là đối với các tuyến phố mới, các dự án mở đường; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xả rác bừa bãi trên đường phố…
Theo đó, UBND TP yêu cầu tăng cường vai trò của người đứng đầu cơ quan chủ quản. Công khai ngay, xem xét, xử lý trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ.
Trở lại với việc cải tạo, hiện đại hóa và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố từ năm 2021 đến năm 2025, theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay thành phố có 63 công viên, vườn hoa tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội thành.
Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, nhiều công viên, vườn hoa, đã xuống cấp, nhiều hạng mục đã hư hỏng, không còn đảm bảo an toàn cho du khách đến vui chơi. Tại một số khu vực, hệ thống cửa sắt, tường rào bị bong tróc. Một số đoạn đường đi bộ bị lõm, nứt. Có công viên trong khu vui chơi dành cho trẻ em với thảm cỏ nhân tạo thì cũng rách nát, bong tróc, lồi lõm...
Được biết, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã từng lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng của các chủ đầu tư và của chính quyền địa phương đối với các dự án công viên; xác định nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất phương án giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công viên. Tuy nhiên, kết quả thu lại không nhiều.
Trước đó, Hà Nội cũng từng có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa, sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa. Trong đó, 3 công viên (Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất) sẽ ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan.
Bên cạnh đó, sẽ hoàn thành 6 công viên mới là Công viên Chu Văn An, Công viên CV1, Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên Văn hóa Kim Quy, Công viên hồ Phùng Khoang, Công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.
Đó là quyết tâm của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, như đã nói, hiện tại hệ thống công viên - vườn hoa của Hà Nội lại là sự phiền lòng của người dân. Kể cả công viên lớn nhất là Công viên Thống Nhất thì cũng đã mất sự hấp dẫn, người vào đây phần nhiều là cư dân sống xung quanh để đi bộ, thể dục. Còn Công viên Thủ Lệ, những chuồng nuôi chim thú lại mang tới cảm giác “cô độc”, đặc biệt là khi chứng kiến cảnh một hai con voi lững thững.
Đó là những công viên “tuổi đời” khá cao, còn “non trẻ” như Công viên Bắc Linh Đàm cũng không khá hơn, khi mà hầu hết các hạng mục, vật dụng đều xuống cấp. Cổng bị gỉ sét, hư hỏng; ghế đá thì gãy chân hoặc nứt, vỡ. Ông Đông, ở tòa CT1 chung cư này chia sẻ: “Công viên xuống cấp từ lâu và gần như bị bỏ hoang nên chúng tôi không dám vào tập thể dục vì ô nhiễm và thiếu an toàn. Người dân cũng không dám cho các cháu nhỏ vào đi dạo hay vui chơi như trước nữa”.
Người Hà Nội cũng rất buồn phiền với Vườn hoa Diên Hồng (còn gọi là Vườn hoa Con Cóc) ngay tại quận trung tâm Hoàn Kiếm, khi mà chân đài phun nước bị rò rỉ, ngấm chảy nước lênh láng ra khu vực xung quanh; thân tượng đài từng phải chằng buộc bởi các thanh sắt; gạch lát tại đường dạo nhiều nơi bị vỡ, bong tróc...
Hà Nội từng tự hào là thành phố của cây xanh, trong đó có các công viên, vườn hoa. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra quá gấp gáp khiến hệ thống phúc lợi chung là công viên, vườn hoa đã không được đầu tư đúng mức, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Hay nói cách khác là đã “mất thương hiệu”.
Nay, với Kế hoạch 218 của UBND, hy vọng những công trình phúc lợi này cùng được đi trên chuyến tàu phát triển của thành phố. Để Hà Nội đẹp lên, để các thế hệ công dân không chỉ là người Hà Nội được thụ hưởng những khoảng không gian nhiều ý nghĩa.
Kế hoạch số 332 ngày 31/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương triển khai cải tạo, nâng cấp 3 công viên do thành phố quản lý gồm: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo. Cùng đó, 10 vườn hoa: Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cố Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19/8, Cửa Nam, Phùng Hưng cũng sẽ sớm được cải tạo, nâng cấp ở mức độ 1. Theo đó, ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan, tăng cường bổ sung hệ thống chiếu sáng, ghế ngồi, nhà vệ sinh, cây cảnh...
Đối với khu vực Vành đai 4 chuẩn bị triển khai, Hà Nội cũng đã có kế hoạch với Công viên công nghệ cao sinh học; Công viên vui chơi giải trí; Công viên quảng trường trung tâm và công viên văn hóa lễ hội (trục hồ Tây - Ba Vì); Công viên vui chơi giải trí kết hợp đô thị sinh thái; Công viên thể thao kết hợp vui chơi giải trí; Công viên du lịch sinh thái.