Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Thanh Hoá phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nhất là khi Thanh Hóa là một địa phương hội tụ đủ các lợi thế như một Việt Nam thu nhỏ, theo đó phải có giải pháp nào đưa kinh tế của Thanh Hóa tăng lên, phát triển công nghiệp thay vì nền nông nghiệp truyền thống, đưa Thanh Hóa thực sự trở thành cực tăng trưởng kinh tế mới trong thời gian không xa.
Sáng 29/8, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và 7 tháng năm 2022; kết quả thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tham dự buổi làm việc còn có ông Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đọc báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và 7 tháng năm 2022; kết quả thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó được biết, năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85%, đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có mức tăng cao của cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 40.781 tỷ đồng, vượt 53% dự toán, tăng 29% so với năm 2020. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 137.630 tỷ đồng, bằng 98,3% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với cùng kỳ… 7 tháng năm 2022, các hoạt động kinh tế tiếp (có 4 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 10.733 tỷ đồng và 41 triệu USD…
Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế được tổ chức linh hoạt, thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống nhân dân ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.
Công tác cải cách tư pháp đạt kết quả tích cực; trong đó tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp; việc hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp; việc bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp…
Báo cáo với Chủ tịch nước về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Đỗ Minh Tuấn nêu rõ, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; trên cơ sở đánh giá đầy đủ các cơ hội, điều kiện thuận lợi và khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2022, trong đó phấn đấu hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu chủ yếu như sau: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng cuối năm đạt 11% trở lên, cả năm 2022 đạt 12,2% trở lên, vượt kế hoạch (kế hoạch là 11,5%); thu ngân sách phấn đấu đạt 8.817 tỷ đồng trở lên, cả năm đạt 40.000 tỷ đồng trở lên, vượt dự toán (dự toán là 28.143 tỷ đồng trở lên); thành lập mới 1.315 doanh nghiệp, cả năm thành lập mới 3.500 doanh nghiệp, vượt kế hoạch (kế hoạch là 3.000 doanh nghiệp). Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện…
Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất, kiến nghị với Chủ tịch nước và các bộ, ngành ở Trung ương quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, giới thiệu, vận động các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa theo định hướng Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII đề ra.
Để phát huy hiệu quả và đảm bảo an toàn cho hoạt động của Cảng hàng không Thọ Xuân cả về hàng không quân sự và hàng không dân dụng, đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Chính phủ đồng ý chủ trương để tỉnh vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn và Nhà ga hành khách T2 theo Quy hoạch Cảng hàng không Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo phương thức PPP và giao UBND tỉnh Thanh Hóa là cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Chính phủ cho chủ trương đầu tư đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh tại xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc với Quốc lộ 6 tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chiều dài khoảng 89 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi; tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Chính phủ cho phép tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh có đặc điểm tương đồng được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc sở ngoài tổng số lượng phó giám đốc sở theo quy định tại Nghị định số 107/NĐ-CP, ngày 14-9-2020 của Chính phủ, như thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phân tích làm rõ những tiềm năng, thế mạnh, kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển của tỉnh. Trong đó, tập trung phân tích những hạn chế về phát triển nông nghiệp, nhất là việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các cây, con truyền thống nhưng chưa xây dựng được thương hiệu; công tác quy hoạch phát triển đô thị; việc chênh lệch phát triển vùng từ Tây sang Đông; công tác phát triển các ngành nghề dịch vụ, thương mại; phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng…
Để Thanh Hóa có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đại diện các bộ, ngành Trung ương đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng các đề án, chiến lược phát triển dựa trên những tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời quan tâm đến công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch khu công nghiệp; có giải pháp đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh vận động, kêu gọi đầu tư vào tỉnh, nhất là thu hút các dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu vực phía Tây của tỉnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các hoạt động văn hóa - xã hội, dịch vụ du lịch; thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống cho nhân dân; nâng cao chất lượng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ở nhóm có mức tăng cao của cả nước; thu ngân sách Nhà nước đạt mức cao; việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư đạt kết quả tích cực…
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, tỉnh Thanh Hóa phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tranh thủ tốt thời cơ, vận hội mới, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế; chủ động ứng phó và vượt qua khó khăn, thách thức; khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém; huy động tối đa các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đã cho ý kiến vào những đề xuất kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa về việc hỗ trợ, giới thiệu, vận động các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa; chủ trương đầu tư đường giao thông; chủ trương đầu tư các hạng mục theo quy hoạch tại Cảng hàng không Thọ Xuân.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự phấn khởi và chúc mừng thành tựu mà Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những yếu kém, tồn tại của Thanh Hóa như: Kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự vững chắc, không đồng đều giữa các vùng, miền, đặc biệt là khu vực phía Tây của tỉnh. Khả năng tự chủ ngân sách còn thấp, môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều bất cập, tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm và nhìn chung thu nhập của người dân còn thấp so với mặt bằng chung cả nước...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, danh xưng Thanh Hóa có từ năm 1029, thời vua Lý Thái Tông, như vậy chỉ còn 7 năm nữa là tròn 1.000 năm danh xưng Thanh Hóa ra đời – một vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử gắn với sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng, sự phát triển của Thanh Hóa hiện nay chưa tương xứng với lịch sử phát triển cũng như lợi thế của tỉnh. Bởi quy mô kinh tế của tỉnh mới chỉ chiếm 2,5% cả nước, trong khi đó lại là địa phương đông dân nhất cả nước. Do đó Chủ tịch nước đặt vấn đề, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nhất là khi Thanh Hóa là một địa phương hội tụ đủ các lợi thế như một Việt Nam thu nhỏ, theo đó phải có giải pháp nào đưa quy kinh tế của Thanh Hóa tăng lên, phát triển công nghiệp thay vì nền nông nghiệp truyền thống, đưa Thanh Hóa thực sự trở thành cực tăng trưởng kinh tế mới trong thời gian không xa.
Về những đề xuất, kiến nghị của chính quyền địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn thống nhất, đồng thời giao cho địa phương phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình phủ trong thời gian sớm nhất.