‘Ươm mầm’ tiếng Việt nơi xa xứ

TUỆ PHƯƠNG 03/09/2022 05:56

Giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài luôn là hành trình đầy gian khó, từ kinh phí, đến giáo viên. Đôi khi, giáo viên phải vận động các em đến trường. Nhưng tiếng Việt còn, cũng có nghĩa văn hóa quê nhà còn. Thấu hiểu điều đó, những năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao đã tổ chức nhiều khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN. Hàng trăm giáo viên đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng, để tiếp tục hành trình “ươm mầm” tiếng Việt nơi xa xứ.

Lớp học tiếng Việt cho các em nhỏ tại Ba Lan.

Những ngày tháng 8/2022, hơn 80 cô giáo dạy tiếng Việt từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới “tề tựu” về Hà Nội để làm “học viên” của khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày một lớn mạnh.

Nếu như trước đây, người Việt chủ yếu tập trung ở Đông Âu, một số nước Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia… thì gần đây, “độ bao phủ” của cộng đồng người Việt ngày càng lớn. Như tại Nhật Bản, Hàn Quốc hiện có hàng trăm nghìn người. Trong đó, một số lượng khá lớn định cư lâu dài, hoặc lập gia đình với người bản xứ. Những thế hệ mới của người Việt được sinh ra, lớn lên ở đó ngày càng đông.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam đang sống, làm việc, học tập ở nước ngoài. Nhu cầu gìn giữ tiếng Việt vì thế cũng ngày càng tăng lên bởi tiếng Việt chính là văn hóa. Nhưng gìn giữ tiếng Việt nơi xa xứ là hành trình đầy thách thức.

Ở nhiều nơi, dù không mong muốn nhưng cuộc sống cơm áo gạo tiền cứ cuốn đi, nhất là với những gia đình sống bằng buôn bán nhỏ khiến các bậc phụ huynh không có thời gian dạy dỗ con cái. Trong khi đó, bọn trẻ buộc phải học tiếng bản địa để có thể đến trường. Những lớp học của cộng đồng người Việt được mở ra. Nhưng phần đông là những cô giáo đứng trên bục giảng bằng cái tâm, họ chưa từng một ngày được học kỹ năng sư phạm. Chưa kể, còn đó những khó khăn về kinh phí cũng khó giải quyết được trong ngày một, ngày hai.

Bà giáo Nguyễn Thị Sương (tỉnh Pre Sihanouk, Campuchia) là một người như thế. Bản thân bà đâu có được đào tạo để dạy tiếng Việt, gia cảnh khó khăn. Nhưng thương tụi nhỏ, bà Sương nhận lời đề nghị của Hội người Việt Nam PreSihanouk để lên lớp. Tình thương và trách nhiệm đã khiến bà tự mày mò phương pháp để dạy học cho tốt hơn.

Thế rồi một ngày kia, bà nhận được lời mời của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, về Việt Nam tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN. Hè năm đó, năm 2015, bà giáo Nguyễn Thị Sương vui mừng khi được về nước để tập huấn dạy tiếng Việt. Mấy tuần được “bổ túc” trong nước, kiến thức đó bà mang theo hành trang ấy đến tận bây giờ, tiếp tục gieo con chữ cho người Việt trên đất nước Chùa Tháp.

Tính từ năm 2013, năm đầu tiên chương trình tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt xa Tổ quốc, đã có khoảng 600 giáo viên, đến từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ được tham gia các lớp tập huấn. Năm 2022 này, sau hai năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, khoá tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN được nối lại.

Các cô giáo phấn khởi khi được cung cấp những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong giảng dạy tiếng Việt, như là một thứ “ngoại ngữ” với trẻ gốc Việt. Cô Phạm Phi Hải Yến - giáo viên dạy tiếng Việt ở Nhật Bản (Trường Cao đẳng Tổng hợp về trẻ em thành phố Kobe, tỉnh Hyogo) chia sẻ: “Số lượng trẻ em Việt Nam ở Nhật Bản khá lớn, nhưng các em đang sử dụng ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Nhật, hạn chế về khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ.

Trước thực trạng này, tôi đã tổ chức một lớp học tiếng Việt trực tuyến cho người Việt Nam. Qua chuyến về nước tập huấn này, tôi hy vọng mình có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để thực hiện tốt hơn công việc”.

Khóa tập huấn năm nay diễn ra đúng vào thời điểm Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”.

Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đáng chú ý là hàng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt vào ngày 8/9 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt; tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam...

Dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt xa xứ đã bước sang một trang mới. Cùng với đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng xuất bản, phát hành một số bộ sách dạy tiếng Việt “chuyên biệt” cho kiều bào ta như “Tiếng Việt vui”, “Quê Việt”… Mới đây nhất là bộ sách “Chào tiếng Việt”.

Giáo sư Nguyễn Như Ý cho rằng, dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài là vấn đề rất phức tạp và lâu nay, chúng ta chưa có phương pháp và việc giảng dạy chưa có hệ thống. Từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ hướng đến việc dạy tiếng Việt để trẻ có thể giao tiếp được với ông, bà, người thân và giữ gìn được nền văn hóa Việt Nam.

Song, theo ông còn phải hướng tới giúp trẻ sử dụng tiếng Việt là phương tiện để phát triển bản thân. Có như vậy, việc sử dụng tiếng Việt với trẻ em ở nước ngoài mới đạt được mục đích lâu dài.

Bộ sách “Chào tiếng Việt” do tác giả Nguyễn Thụy Anh biên soạn theo Chương trình Tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến đối tượng trẻ em từ 6 đến 15 tuổi đang đem đến một làn gió mới, là một bước đột phá khi ứng dụng những phương pháp giáo dục hiện đại kết hợp với truyền thống.

Bộ sách sử dụng phương pháp tiếp cận trẻ thông qua trò chơi, hoạt động cụ thể, từ đó khơi dậy trong các em sự thích thú trong sử dụng tiếng Việt để giao lưu, tương tác với người thân và cộng đồng người Việt.

Ngoài ra, bộ sách còn cung cấp các kiến thức về văn hoá, lịch sử, địa lí Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, tác giả bộ sách “Chào tiếng Việt” cho biết: “Điều quan trọng nhất khi dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài là cần khơi gợi sự hứng thú, tò mò và nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Việt của các em thông qua các hoạt động tương tác như trò chơi, lễ hội… Từ đó, các em sẽ tự muốn tìm hiểu, học và sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp”.

Bộ sách “Chào tiếng Việt” cũng hướng tới đối tượng sử dụng là các thầy cô giáo, các phụ huynh hướng dẫn trẻ em học tiếng Việt ở các nhóm lớp hoặc trong các gia đình người Việt ở nước ngoài. Bộ tài liệu này cũng hữu ích cho quá trình dạy và học tiếng Việt trong các trường quốc tế ở Việt Nam. Ngoài ra, với sự phát triển của khoa học, công nghệ trong thời gian gần đây, giáo viên, học sinh gốc Việt có điều kiện ứng dụng công nghệ vào việc giảng dạy ngôn ngữ như việc lựa chọn sự dụng phần mềm, kho học liệu trên nền tảng internet... để việc sử dụng các công cụ hỗ trợ này đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, tính pháp lý và tính thực tiễn.

Để tạo xung lực mới cho dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung vào ba nhóm hoạt động cụ thể. Cụ thể, tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt vào ngày 8/9 hằng năm, gồm các hoạt động: Hội nghị kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt; định kỳ tổ chức cuộc thi tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài” thông qua các hoạt động liên quan đến tiếng Việt như thi kể chuyện, làm thơ, hùng biện…và kèm theo đó là các chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tiếng Việt thân thương”; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với chính quyền và các đại sứ quán ở nước sở tại tổ chức hoạt động quảng bá ngôn ngữ các nước, lồng ghép Chương trình Ngày Tôn vinh tiếng Việt với các hoạt động đối ngoại tại địa bàn”.

Ngày 8/9/1945 Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam phát động phong trào “Bình dân học vụ”, đồng thời là ngày thành lập Nha Bình dân học vụ thuộc Bộ Giáo dục Quốc gia. Tiếp đó, ngày 8/9/1962, trong “Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”. Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đáng chú ý là hàng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt vào ngày 8/9 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt; tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam...

TUỆ PHƯƠNG