Dang dở chống kẹt xe bằng cầu vượt thép
Chi phí thấp, thi công nhanh và từng được kỳ vọng sẽ giúp giảm ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng ở TPHCM, hàng loạt cây cầu vượt bằng thép đã được xây dựng. Tuy nhiên, sau 10 năm, nhiều nút giao lân cận của cầu vượt thép vẫn chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc.
Trước đây, để giải quyết cấp bách tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở TP HCM, ngành giao thông thành phố quyết tâm thực hiện các công trình cầu vượt thép. Với thời gian thi công từ 4-6 tháng/nhánh, các dự án cầu vượt thép có thời gian thi công rất ngắn so với các công trình bê-tông đúc kiên cố khác. Và việc thi công cũng không ảnh hưởng nhiều tới giao thông chung của khu vực. Vì vậy, từ năm 2012 nhiều dự án cầu vượt thép đã được phê duyệt, triển khai và hoàn thành chỉ sau ít tháng.
Thời gian đầu, hầu hết các công trình cầu vượt thép đều phát huy hiệu quả, giúp giảm ùn tắc kẹt xe tại nút giao đó. Như công trình cầu vượt thép ở ngã tư Hàng Xanh (TP Thủ Đức), ngã tư Hoàng Hoa Thám-Cộng Hòa (quận Tân Bình), cầu vượt ngã tư Cây Gõ (quận 6), ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp)...
Ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết, các cầu vượt thép trên địa bàn TP HCM sau khi thông xe đã giải quyết rất lớn tình trạng ùn tắc ở các nút giao. Trong đó, một số khu vực như ngã sáu Gò Vấp, bùng binh Cây Gõ... giảm kẹt xe 70-80% so với trước.
Cũng theo ông Bằng, hiện thành phố có cầu vượt thép tại 9 nút giao, về cơ bản, cầu vẫn đáp ứng lưu lượng xe. Từ nay đến năm 2030 thành phố vẫn tiếp tục mở rộng khai thác các công trình cầu vượt thép.
Cùng quan điểm với lãnh đạo sở Giao thông thành phố, Tiến sĩ Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường (Đại học Bách khoa TP HCM) cho rằng cầu vượt thép là giải pháp tình thế trước tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở thành phố, trong lúc chưa đủ vốn làm hoàn chỉnh các nút giao. Các cây cầu này giá thành thấp do không phải cầu vĩnh cửu, thi công nhanh, ít chi phí bảo dưỡng. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng khi lưu lượng phương tiện xe tải, container ngày càng nhiều thành phố cần sớm đầu tư hoàn chỉnh các nút giao hoặc kết hợp cầu vượt thép với hầm chui để giải quyết ùn tắc.
Trước đó, phương án xây cầu vượt thép từng vấp nhiều ý kiến trái chiều, khi một số chuyên gia cho rằng cầu thép thiếu thẩm mỹ, tuổi thọ không bằng hầm vượt, độ dốc lớn... Tuy nhiên, trước tình thế cấp bách giải quyết kẹt xe cho nút giao, giải pháp này vẫn được thành phố lựa chọn. Bởi cầu thép thời gian thi công nhanh, chi phí thấp, ít ảnh hưởng môi trường, khi cần công trình có thể tháo dỡ, dời qua vị trí khác...
Mặc dù có khá nhiều ưu điểm như vậy, tuy nhiên, ghi nhận thực tế trong thời gian 10 năm, một số khu vực có các cây cầu vượt thép ở thành phố vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông gia tăng của người dân. Ví dụ như cầu vượt thép Hoàng Hòa Thám-Cộng Hòa, một trong những điểm đen giao thông ở TP HCM nhiều năm qua. Kể từ khi đưa vào hoạt động cầu vượt thép này, nút giao Hoàng Hoa Thám-Cộng Hòa vẫn thường xuyên kẹt xe, ùn tắc.
Rõ hơn về tình trạng này là 2 cụm cầu vượt thép quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Dù được hoàn thành nhiều năm trước những cụm cầu vượt thép đường Trường Sơn-Hồng Hà và ngã sau Gò Vấp với 6 nhánh cầu nhưng thực tế tình trạng chung ở khu vực quanh sân bay vẫn ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng. Nguyên nhân là các nút giao có cầu đã giảm nhưng khu vực lân cận lại trở nên phức tạp hơn. Các công trình không đồng bộ, khiến bức tranh giao thông chung của khu vực vẫn phức tạp, hỗn loạn.