Mưa lũ tàn phá Pakistan
Ngày 29/8, nhật báo Dawn của Pakistan đưa tin, hơn một nửa diện tích đất nước này chìm trong biển nước và hàng triệu người bị mất nhà cửa. Đây là đợt mưa lớn thứ 8 kể từ giữa tháng 7 mà không có dấu hiệu suy giảm.
Trả lời phỏng vấn của tờ Dawn, Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto-Zardari cho biết, những đợt mưa lũ liên miên đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, khoảng 1.500 người bị thương, phá hủy hơn 682.000 ngôi nhà và làm ảnh hưởng cuộc sống của hơn 33 triệu người.
“Chúng tôi cần sự hỗ trợ tài chính để đối phó với tình trạng lũ lụt kinh hoàng hiện nay” - Ngoại trưởng Bilawal nói.
Tối 28/8, theo chỉ đạo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một cầu hàng không đã được thiết lập để gửi hàng viện trợ cho Pakistan, bao gồm lều bạt, thức ăn, thiết bị vệ sinh, viện trợ nhân đạo… Tại Vương quốc Anh, phát biểu trên đài truyền hình, Quốc vụ khanh phụ trách khu vực Trung và Nam Á Lord Tariq Ahmad nói: “Chúng ta đang chứng kiến thảm họa mà biến đổi khí hậu có thể gây ra và tác động của nó đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Vương quốc Anh sát cánh với người dân Pakistan trong thời điểm cần thiết này”.
Trả lời The Nikkei, chuyên gia Homero Paltan Lopez chuyên về môi trường địa lý thuộc Đại học Oxford (Anh), cảnh báo: “Hầu như mọi mô hình dự báo đều đưa ra chung một kết quả là biến đổi khí hậu ở châu Á sẽ dẫn đến tình trạng lũ lụt nhiều hơn và những mùa mưa cực đoan hơn”. Biến đổi khí hậu là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến lưu lượng gió mùa trong khu vực, khiến mùa mưa và mùa khô đều kéo dài thêm, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế nghiêm trọng hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Đáng chú ý, các vùng mưa tại châu Á có thể thay đổi ngẫu nhiên khó lường, làm cho công tác phòng bị cực kỳ khó khăn. “Từ nay tới năm 2050, 75% lượng vốn toàn cầu bị lũ lụt đe dọa nằm ở châu Á” - theo tiến sĩ Ruslan Fakhrutdinov (Công ty tư vấn rủi ro McKinsey Mỹ).
Ngày 29/8, Cơ quan Ứng phó với thiên tai của Pakistan chính thức thông báo số người chết vì mưa lũ đã lên tới 1.033 người. Trong đó, riêng ngày 28/8 đã có tới 119 người thiệt mạng.
Nơi bị lụt trầm trọng nhất là tỉnh Sindh (miền nam Pakistan). Liên tiếp những trận mưa lớn trút xuống; các đợt lũ liên tục xuất hiện khi nước các dòng sông tiếp tục dâng cao.
Ông Aziz Soomro - Giám sát công trình Sukkur Barrage điều tiết dòng chảy của sông Indus cho biết, tất cả các khu vực hai bên sông trong vòng 10km đều ngập trắng nước. “Mưa quá lớn và kéo dài đã dồn nước vào dòng sông, khiến tất cả các hệ thống kiểm soát đều trở nên vô dụng. Mọi thứ đã bị nước lũ cuốn trôi, kể cả khách sạn 150 phòng”.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã phải hủy chuyến công du nước Anh để trực tiếp giám sát công tác cứu hộ, cứu nạn. Chính phủ Pakistan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, huy động quân đội ứng phó. Đợt mưa lũ này đã vượt đợt lũ năm 2010 từng được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến hơn 2.000 người Pakistan thiệt mạng và nhấn chìm gần 1/5 diện tích đất nước.
Kiểm tra tình hình tại tỉnh Sindh, Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Sherry Rehman cho biết, lũ lụt đã gây ra "thảm họa nhân đạo” làm cho rất nhiều người không có thức ăn và chỗ ở. 15% dân số cả nước đã bị ảnh hưởng với những mức độ khác nhau.
Trong khi đó, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), hàng trăm nghìn người Pakistan đã mất chỗ ở, phải sống trong những căn lều, cách xa những ngôi làng và thị trấn bị ngập lụt của họ, sau khi được các binh sĩ, nhân viên cứu hộ thảm họa địa phương và tình nguyện viên giải cứu.
Tuy nhiên, không chỉ tỉnh Sindh bị mưa lũ tấn công mà tỉnh Balochistan (tây nam Pakistan) cũng liên tục phải hứng chịu những trận mưa cực lớn, với lượng mưa tăng đến 496% so với mức trung bình trong 30 năm.
Thật đáng lo ngại khi biết rằng, trước khi những trận mưa dữ dội từ giữa tháng 7 trút xuống, thì đất nước Pakistan đã phải chịu đựng những tháng nắng nóng khủng khiếp, bắt đầu từ tháng 3 cho tới cuối tháng 5, có ngày nhiệt độ lên tới 51 độ C ở thành phố Jacobabad. Nói như giáo sư Blair Felmate (Trung tâm Thích ứng khí hậu Đại học Waterloo, Canada) thì nhiệt độ này đã vượt quá mức chịu đựng của con người và “chúng ta đang kiểm chứng khả năng sinh tồn của con người tại đất nước Pakistan”.
Vào thời điểm đó, các nhà khí tượng dự báo nắng nóng tại Pakistan sẽ kéo dài cho tới tháng 8. Nhưng các dự báo đã sai, vì chỉ đến đầu tháng 7 những trận mưa đã trút xuống. Nhà sinh thái học Nasir Ali Panhwar cho rằng, cả hai hình thái nắng nóng và mưa dữ dội diễn ra tại Pakistan và một số nước Nam Á cho thấy biến đổi khí hậu đang tăng tốc.
Cùng với Pakistan, tính đến cuối tháng 8, ít nhất 17 trong số 64 tỉnh, phần lớn vùng Sylhet ở phía bắc và đông bắc của Bangladesh đã từng ngập trong nước lũ, khiến ít nhất 36 người thiệt mạng và khoảng 4,5 triệu người mắc kẹt. Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina, cho biết Chính phủ đã phải dành mọi ưu tiên để giải cứu và hỗ trợ những người bị mắc kẹt do lũ lụt, kể cả huy động hải quân và không quân.
Còn tại Ấn Độ, nước láng giềng với Bangladesh, khi những đợt nắng nóng như thiêu như đốt chấm dứt thì mưa lũ cũng ập đến. Tại bang Assam, những trận mưa lớn kéo dài tới 2 tuần khiến 44 người thiệt mạng. Khoảng 5,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa sơ tán do lũ lụt, trong đó có khoảng 3,7 triệu người phải tạm lánh tại các cơ sở tạm trú của chính quyền, đặt tại các khu vực cao.