Kéo giảm hủy, chậm chuyến bay

Diệu Ngọc 30/08/2022 08:11

Văn phòng Bộ Giao thông vận tải vừa có thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về việc chậm chuyến, hủy chuyến bay của các hãng hàng không trong nước; ùn ứ hành khách khu vực soi chiếu an ninh; chậm giải tỏa hành khách, hàng hóa sau khi tàu bay hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay. Thông báo này có vào lúc cao điểm khi kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đã tới, càng làm cho vấn đề nóng hơn.

Trong thông báo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập đoàn công tác kiểm tra khu vực soi chiếu tại các sân bay, đặc biệt là tại các cảng hàng không trọng yếu hiện nay. Đảm bảo việc điều phối, quản lý slot bay, kế hoạch bay (phân bổ thời gian bay đêm) tại cảng hàng không phù hợp với khả năng thông qua của cảng hàng không (hành khách, hàng hóa).

Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất rà soát, bổ sung, điều chỉnh nhân lực, quy trình phục vụ, phương án điều hành để xây dựng kế hoạch phục vụ phù hợp với hoạt động khai thác, đặc biệt là trong thời gian cao điểm dịp Quốc khánh 2/9; giải quyết ngay tình trạng hành lý chậm bốc dỡ, giải tỏa sau khi tàu bay hạ cánh. Một Thứ trưởng Bộ GTVT đã được phân công xử lý việc này. Đó là ông Lê Anh Tuấn.

Trước đó, ngày 1/7, Bộ GTVT cũng đã có trong công văn gửi các đơn vị liên quan về việc giải quyết việc chậm chuyến, hủy chuyến bay trong dịp cao điểm hè năm 2022.

Nhưng, tiếc thay, cho dù đã có những chỉ đạo “quyết liệt” từ Bộ GTVT, nhưng việc chậm chuyến, hủy chuyến bay tới nay đã như một chuyện... bình thường. Hẳn nhiều người còn nhớ, vào lúc 1h25 ngày 1/7, sân bay Tân Sơn Nhất phải triển khai lực lượng an ninh cơ động để phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ an ninh cho Hãng hàng không VietJet khi hành khách bức xúc do chuyến bay VJ649 từ TPHCM đi Đà Nẵng dự kiến khởi hành lúc 21h45 ngày 30/6 nhưng bị trễ nhiều lần. Khoảng 30 người tràn xuống gây áp lực, không chịu lên tàu bay.

Về việc chậm chuyến, hủy chuyến, trước hết cũng cần nhìn một cách khách quan. Lấy ví dụ tháng 6, cả nước có gần 2.300 chuyến bay cất, hạ cánh thì trong đó có gần 2.000 chuyến bay nội địa. Trung bình mỗi ngày Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 110.000 hành khách, Nội Bài phục vụ hơn 90.000 hành khách. Số chuyến bay chậm giờ chiếm 18,2% tổng số chuyến bay trong tháng 6 với 5.602 chuyến, tăng 9,4% so với tháng trước đó.

Tại một buổi họp bàn giải pháp kéo giảm chậm, hủy chuyến bay, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, lượng khách nội địa trong 6 tháng đã tăng tới 38% so với cùng kỳ 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19 (năm 2019). Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là phải tìm cho đúng nguyên nhân và phải có giải pháp hữu hiệu.

Về nguyên nhân chậm chuyến, hủy chuyến, phía Cục Hàng không Việt Nam cho là do thời tiết xấu, bất cập liên quan đến sắp xếp vị trí đỗ máy bay, thời gian chiếm dụng đường băng của phi công khi cho máy bay cất hạ cánh năng lực điều hành không lưu hạn chế… Từ đó, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết nếu hãng nào có nhiều chuyến bay chậm, hủy thì sẽ cắt giảm số chuyến bay.

Tuyên bố này khiến các hãng hàng không nội địa lo lắng. Nói như ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines thì không hãng nào muốn chuyến bay của mình bị chậm, hủy; không bao giờ muốn giảm slot (lượt cất, hạ cánh). Còn ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho hay, nếu bị chậm chuyến thì hãng hàng không sẽ bị thiệt hại lớn nhất nên hãng nào cũng muốn kéo giảm tỷ lệ chậm chuyến. Vậy, nếu nguyên nhân không từ các hãng bay thì từ đâu khi việc chậm, hủy chuyến đã gây nhiều bức xúc?

Giới chuyên gia cho rằng việc các chuyến bay bị hoãn, chậm chuyến phần lớn đến từ việc điều hành bay, cơ sở hạ tầng hàng không hạn chế và cách thức quản lý, vận hành ở các cảng hàng không. Từ đó cần sớm đẩy nhanh việc xã hội hóa hạ tầng hàng không, nhất các cảng hàng không trọng điểm, có vai trò lớn đối với sự phát triển kinh tế của vùng, khu vực, có lưu lượng hành khách lớn.

Rất quan trọng để giải quyết việc chậm, hủy chuyến thì không nên quy lỗi cho các hãng bay, mà trước hết cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này phải nhận trách nhiệm về mình, từ đó mới có giải pháp khắc phục. Ngành hàng không Việt Nam đang cho thấy sự trở lại mạnh mẽ sau đại dịch, lượng khách và số chuyến bay tăng mạnh là dấu hiệu rất đáng mừng. Trong điều kiện hạ tầng còn hạn chế thì cần áp dụng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý điều hành… chứ không phải là cắt chuyến, giảm chuyến chặn dòng chảy của sự phát triển, tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của cả nền kinh tế. Và nếu thế, nạn ùn ứ hành khách tại các nhà ga sân bay sẽ vẫn tiếp diễn.

Diệu Ngọc