Khi doanh nghiệp lấn sân - Bài 1: Gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

HẠNH NGUYÊN (Còn nữa) 30/08/2022 09:45

Công ty CP xây dựng Tiến Đạt (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) là doanh nghiệp (DN) chuyên mảng xây dựng cơ bản, nhưng được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận thực hiện Đề án phát triển nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao. Đáng nói là DN này ứng tiền hỗ trợ nhưng chỉ nuôi tôm, không những gây ô nhiễm môi trường mà còn làm thủ tục chuyển nhượng ngay sau khi được quyết toán tiền hỗ trợ.

Người dân phát hiện đường ống nước thải dẫn từ dự án của Công ty CP xây dựng Tiến Đạt.

Công ty xây dựng được chọn nuôi thủy sản

Công ty CP xây dựng Tiến Đạt thành lập năm 2002, chuyên mảng xây dựng. Nhưng, giai đoạn 2015-2016, DN này “nhảy” vào nuôi trồng thủy sản.

Thời điểm này, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định 139 về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao giai đoạn 2015-2020. Sau đó, ban hành Quyết định 140/QĐ-UBND, quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ các tổ chức, đơn vị thí điểm triển khai thực hiện mô hình phát triển nuôi các mú, các bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao và hỗ trợ sản xuất giống thủy sản các loại năm 2015.

Ban đầu chỉ có 3 DN được chọn thực hiện thí điểm Đề án còn Công ty CP xây dựng Tiến Đạt và một công ty khác “lấn sân” vào thực hiện Đề án sau, đồng thời được hưởng chính sách theo Quyết định 140/QĐ-UBND ngày 12/1/2015 của UBND tỉnh.

Ngày 14/5/2015, bằng Quyết định số 1793, Công ty CP xây dựng Tiến Đạt được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép bổ sung quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nuôi cá bơn, cá mú và tôm công nghệ cao tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Khu vực thực hiện dự án có diện tích 10,05ha tại vùng Troong Chiêu, thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc.

Mục tiêu dự án là khai thác tiềm năng lợi thế, phát huy hiệu quả vùng đất cát bạc màu ven biển để nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá bơn, cá mú, tôm…) với công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu cho DN và đóng góp cho ngân sách Nhà nước; góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành.

Quy mô dự án (dự kiến) 75.000 con cá bơn thương phẩm/năm; 60.000 con cá mú thương phẩm/năm và 120 tấn tôm thương phẩm/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 49 tỷ đồng. Thời hạn 50 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành toàn bộ dự án và thả giống trong quý III/2015.

Công ty CP xây dựng Tiến Đạt được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho tạm ứng kinh phí 4,3 tỷ đồng để thực hiện Đề án. Song, do Đề án thiếu khả quan nên đầu năm 2016, tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương dừng triển khai nuôi cá mú, cá bơn tại Công ty CP xây dựng Tiến Đạt. Sau đó, nguồn ngân sách tạm ứng hỗ trợ nằm trong quỹ của Công ty CP xây dựng Tiến Đạt nhiều năm.

Đầu 2016, Công ty CP xây dựng Tiến Đạt tiến hành nuôi tôm với 31 ao nuôi, trong đó cải tạo từ 15 ao nuôi cá mú. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, công ty báo cáo, mỗi năm thả nuôi 2 vụ, sản lượng 100 tấn/năm, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Hà cho hay, thực chất, Công ty CP xây dựng Tiến Đạt chỉ nuôi tôm từ năm 2016-2018, riêng 2016 chỉ nuôi được 1 vụ còn 2017 và 2018, mỗi năm 2 vụ. Nhưng vấn đề đáng bàn đối với doanh nghiệp này, đó là không đạt được mục tiêu như quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, “ôm” tiền hỗ trợ nuôi cá mú, cá bơn để... nuôi tôm và còn gây ô nhiễm môi trường.

Thời điểm Công ty CP xây dựng Tiến Đạt xả thải gây ô nhiễm môi trường, bị phạt 435 triệu đồng.

Liên tục gây ô nhiễm môi trường

Ngay sau khi thả nuôi, năm 2016, tại các hồ nuôi tôm của Công ty CP xây dựng Tiến Đạt xả thải bẩn trực tiếp ra ngoài gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt công ty còn lắp đặt đường ống đấu nối rồi xả trực tiếp ồ ạt nước thải bẩn có màu đen hôi thối thẳng ra tận ngoài biển càng khiến môi trường khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều năm nay người dân ở thôn Hồng Thịnh kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng vẫn không được xử lý triệt để. Năm 2017, công ty này bị cơ quan chức năng Hà Tĩnh xử phạt hành chính hơn 65 triệu đồng vì vi phạm công tác bảo vệ môi trường, xả chất thải bẩn trực tiếp ra môi trường.

Tiếp đó, năm 2018 công ty này tái phạm hành vi gây ô nhiễm môi trường. Quá bức xúc, người dân kiến nghị, yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh kết luận DN này xả nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và ra quyết định xử phạt.

Cụ thể, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định số 2222 QĐ-UBND xử phạt Công ty CP xây dựng Tiến Đạt 290 triệu đồng về hành vi xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường BOD5 vượt 28,8 lần, vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo QCVN 2/9/2014/BNNPTNT trên 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 80m3/ngày (24 giờ) đến 100m3/ngày (24 giờ) quy định tại Điểm g Khoản 6 Điều 13 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.

UBND tỉnh Hà Tĩnh còn áp dụng mức phạt tăng thêm 50% của mức phạt tiền đối với hành vi nêu trên với thông số COD vượt quy chuẩn kỹ thuật 15,67 lần quy định tại Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Tổng mức xử phạt là 435 triệu đồng.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đình chỉ hoạt động 3 tháng và yêu cầu Công ty CP xây dựng Tiến Đạt phải cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý toàn bộ nước thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi thải ra môi trường.

HẠNH NGUYÊN (Còn nữa)