Nét riêng Tết Trung thu Việt Nam
Việt Nam có nhiều cái tết. Tết quan trọng nhất trong năm là Tết Nguyên đán. Sau Tết Nguyên đán là Tết Trung thu. Trước khi thành người lớn, ai cũng từng là trẻ con và hưởng nhiều Tết Trung thu...
Tết Trung thu là của con trẻ
Trung Quốc cổ đại là cái nôi văn minh của phương Đông nên Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Cho đến ngày nay, 4 quốc gia này vẫn còn những nét tương đồng. Tuy nhiên, cũng như mặt trời, các quốc gia trên trái đất đều thấy mặt trăng và tùy theo vị trí địa lý, có quốc gia nhìn thấy quanh năm, lại có quốc gia nhìn được trăng theo mùa. Mỗi dân tộc đều có truyền thuyết về mặt trăng và tục cúng trăng.
Trung Quốc là quốc gia rộng lớn, không chỉ trồng lúa nước mà còn trồng cả cao lương, văn hóa phong phú, đa dạng. Trung Quốc có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc, phong tục đón Tết Trung thu, trong đó có truyền thuyết liên quan đến nàng Dương Quý Phi thời nhà Đường (một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc cổ đại).
Truyền rằng sau khi vua Đường Huyền Tông bị buộc phải ban cho vị phi tử của mình dải lụa trắng để nàng tự sát nhằm làm yên lòng quân thì vua quên ăn, quên ngủ và tiếc thương nàng vô hạn. Đến mức các tiên nữ phải động lòng thương xót, cho phép vua được lên trời gặp lại Dương Quý Phi vào đêm mà trăng sáng nhất của mùa thu, tức là ngày rằm tháng Tám âm lịch. Từ đó, vua đặt ra Tết Trung thu để tưởng nhớ đến vị sủng phi mất sớm của mình.
Trong tết này, dân chúng làm cỗ cúng tổ tiên, tổ chức lễ nghi tế trăng, trong đó có cúng bánh dẻo và bánh nướng (tượng trưng cho trời tròn, đất vuông). Dân chúng cũng vui chơi với trò thả đèn hoa đăng, thưởng rượu, giải câu đố, rước đèn, xem múa lân,… Theo phong tục truyền thống của người Hoa thì Tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên, bởi vì đây là dịp lễ hiếm hoi trong năm mà mọi thành viên trong gia đình trở về, tụ họp với nhau.
Ở Nhật Bản, vào ngày 15/8 âm lịch diễn ra lễ hội ngắm trăng (Otsukimi). Ban đầu, Otsukimi chỉ dành cho hoàng gia và tầng lớp quý tộc, nhưng đến đầu thế kỷ 17, nó được phổ biến rộng rãi trở thành một lễ hội dân gian. Lễ Otsukimi được người dân tổ chức sau khi đã thu hoạch hoa màu mùa hạ và chuẩn bị bước vào mùa gặt lúa nước, với mục đích cầu xin thần linh mang đến những vụ mùa tươi tốt cho con người. Với ý nghĩa đó, Otsukimi đã đi sâu vào đời sống tinh thần của con người Nhật Bản.
Với Hàn Quốc, Tết Trung thu gọi là Chuseok, được tổ chức hàng năm vào ngày 15 và 16 âm lịch. Theo truyền thuyết, đây là ngày vua Yuri tổ chức cuộc thi dệt vải dành cho thiếu nữ ở kinh thành. Cuộc thi diễn ra từ 16/7 âm lịch đến 14/8 âm lịch, người dệt được nhiều sẽ được vua khao. Dần dần, Chuseok trở thành ngày lễ vui chơi của người dân, sau dần biến đổi thành ngày Tết Trung thu – ngày lễ lớn của đất nước.
Trước năm 1988, Chuseok kéo dài trong vòng 2 ngày, sau năm 1989, Chuseok kéo dài trong 3 ngày: 14, 15 và 16 tháng 8 âm lịch. Ba ngày này là ngày đặc biệt bởi đây là thời gian thu hoạch vụ mùa và mọi người tổ chức ăn uống linh đình để mừng một mùa bội thu. Người dân làm lễ tạ ơn tổ tiên và các vị thần cho họ no đủ.
Với người Việt, trong sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính viết: “Các gia đình làm cỗ cúng tổ tiên, tối ăn bánh trung thu ngắm trăng, có các trò chơi có múa sử tử, múa rồng, rước đèn,…”
Tuy nhiên, Tết Trung thu Việt Nam khác biệt với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vì nó là tết của trẻ em. Từ đồ chơi và các trò chơi đều dành cho trẻ con. Mọi hoạt động trước và trong ngày rằm ở các gia đình, trong cộng đồng cũng hướng đến trẻ con. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đồ chơi trung thu cho trẻ con bằng sắt tây xuất hiện, đây là sự khác biệt với đồ chơi dân gian của Trung Quốc. Cho đến ngày hôm nay, Tết Trung thu ở Việt Nam vẫn là tết của trẻ con.
Tết Trung thu ở Việt Nam có từ bao giờ?
Trên mạng xã hội tràn lan thông tin cho rằng, trên trống đồng Ngọc Lũ có múa hát là biểu trưng cho Tết Trung thu. Trống đồng Ngọc Lũ xuất hiện cách ngày nay khoảng 2.000 – 2.500 năm, nghĩa là Tết Trung thu ra đời sớm hơn.
Trống đồng giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong sinh hoạt đa dạng của cư dân xã hội Đông Sơn. Về cơ bản, trống là một nhạc khí dùng trong những lễ tiết lớn của cả cộng đồng. Trống đồng còn được dùng trong lễ mai táng chôn theo người chết, trong lễ hội cầu mùa và là biểu tượng quyền lực của tầng lớp thống trị thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Tuy nhiên chỉ dựa vào đó chưa thể khẳng định trên trống đồng Ngọc Lũ thể hiện Tết Trung thu.
Lại có thông tin nhầm lẫn khi cho rằng lễ hội đèn Quảng Chiếu đời nhà Lý ở kinh thành Thăng Long diễn ra vào Tết Trung thu. Sách “Đại Việt sử lược” chép, lễ hội này tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng.
Chuyện ít biết về đồ chơi Trung thu
Đồ chơi trung thu cũng là đồ chơi dân gian truyền thống, nó có xuất xứ từ tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa. Theo thời gian, nhận thức về tự nhiên, xã hội thay đổi nên nhiều yếu tố lạc hậu thượng tồn có từ thời nguyên thủy như: ma thuật hay pháp thuật thời kỳ cổ đại bị loại bỏ.
Cái trống khẩu trẻ con thường gõ tung tung ngày Tết Trung thu xuất xứ từ trống đánh trong hội làng và đánh trong nghi thức rước nước, vốn là lễ hội cổ xưa của nền văn minh lúa nước. Pháo đốt trong đêm trung thu, đám tang, đám cưới, Tết Nguyên đán, tế lễ thành hoàng, xa xưa dùng để khu tà, trục quỷ. Đèn con cá theo văn hóa Trung Quốc là dùng trong ma thuật để xua đuổi con cá yêu tinh. Đèn ông sao xuất phát từ thuyết ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, mọi sự vật trên trái đất đều có các hành tố này, chúng có quan hệ với nhau.
Đồ chơi trung thu có yếu tố nội sinh và ngoại sinh (bắt chước nước ngoài). Một số món đồ chơi nội sinh mô phỏng tự nhiên, ví dụ chỉ từ lạt giang nhưng người ta có thể biến nó thành con châu chấu, con xén tóc rất đẹp.
Ban đầu các món đồ chơi do các gia đình tự làm, nhưng xã hội phát triển, nó được thương mại hóa và các làng nghề làm đồ chơi dân gian ra đời. Đồ chơi dân gian truyền thống có thứ thuần túy mang tính giải trí, thỏa mãn thị giác và khoe sự khéo tay sáng tạo của nghệ nhân. Song cũng không ít thứ là cửa ngõ khám phá tôn giáo, tín ngưỡng lịch sử vì nó chịu ảnh hưởng của tư tưởng trong xã hội, văn hóa lúa nước.
Thời phong kiến, xã hội Việt Nam chỉ có 4 nghề: “Sỹ, Nông, Công, Thương” và Sỹ đứng đầu trong 4 nghề thì đồ chơi dân gian cũng xuất hiện các vị Tam khôi bằng giấy bồi, không chỉ thờ mà còn được bày trong mâm cỗ trung thu với mong muốn con cháu học hành thi cử đỗ: Tiến sĩ, Bảng nhãn, Thám hoa. Trong đồ chơi bằng sắt tây, những người thợ thủ công phố Hàng Thiếc (Hà Nội) còn tạo hình anh hùng trong truyền thuyết là Thánh Gióng, anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm là Hai Bà Trưng cưỡi voi.
Cuối thế kỷ 19, một số món đồ chơi như: đèn ông sao, đèn cù, đèn con thỏ, đèn cá chép, con bướm,... được trang trí bên ngoài bằng giấy bóng kính nhập từ Trung Quốc và sau đó là Nhật Bản (vì giấy của Nhật Bản chịu được nhiệt độ cao hơn). Trước đó, các đồ chơi này được trang trí bằng giấy dó nhuộm màu.
Cho đến ngày nay, một số người vẫn nghĩ rằng thời kỳ đó, những đèn này được đốt bằng nến. Thực ra không phải vì nến rất đắt và ngọn lửa không đều, khi đèn bị nghiêng, giấy sẽ cháy. Khi đó người ta đốt bằng dầu ve (ép từ cây thầu dầu tía). Dầu ve được đổ vào lọ sứ nhỏ, cho sợi bấc dẫn dầu, ngọn lủa cháy nhỏ vì thế khó làm cháy giấy. Và để lọ dầu không đổ, người thợ lấy dây thép buộc vào cán. Sau này dầu ve không còn, trẻ con đốt bằng nến nên thỉnh thoảng trong đám rước, đèn ông sao hay đèn con cá bùng cháy.
Từ thập niên 90 cho đến nay, đồ chơi hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều, mẫu mã đa dạng, phong phú và bắt mắt thu hút trẻ em. Rất tiếc là cho đến nay chưa có làng nghề nào đưa công nghệ vào đồ chơi truyền thống. Vì thế đồ chơi dân gian truyền thống bị lép vế và mai một dần.