Ý ăn ý ở
“Ý ăn ý ở” là một cụm từ rất đặc biệt của tiếng Việt mà khi dịch sang ngoại ngữ khác rất khó tìm một từ hoặc một cụm từ nào tương đương. Cụm từ này quá rộng, quá phong phú để diễn tả, để suy nghĩ, để ẩn dụ, để trình bày.
Theo Từ điển tiếng Việt: “Ý là: 1/ Điều suy nghĩ, ý nghĩ (nói khái quát). Thí dụ: Nói chưa hết ý. Bạn tâm tình rất hiểu ý nhau. 2/ Nội dung những gì đã được nói ra bằng lời. Thí dụ: Ghi đủ ý thầy giảng. Bài chia làm 3 ý lớn. 3/ Ý kiến về việc gì (nói khái quát).
Thí dụ: Theo ý tôi. Ý kiến của chị thế nào? “Hai bên ý hợp tâm đầu” - Nguyễn Du. 4/ Ý muốn hoặc ý định thường không nói ra. Thí dụ: Làm trái ý anh ta. Nó không có ý làm hại anh. Biết ý chị ấy nên nó không nói gì. Có ý không vui. Anh ta im lặng có ý không bằng lòng. 5/Kết hợp hạn chế, chỉ ý tứ (nói tắt). Thí dụ: Đến chỗ lạ, nói năng nên giữ ý”.
Sau khi từ điển giúp ta hiểu rõ được chữ “Ý”, được lặp lại hai lần trong cụm từ “Ý ăn ý ở” thì ta thấy rõ ý đầu tiên và bao phủ của cụm từ này chính là cách đối nhân xử thế của mỗi con người.
Đối nhân xử thế là nói tổng quát. Ý ăn là một ý cụ thể. Ý ở là một ý cụ thể. Tất cả đều nằm trong các sinh hoạt, lao động, học tập, giải trí của từng cá nhân trong một cộng đồng dân cư.
Triết gia người Đức, Karl Marx đã nói rất đúng: “Muốn mọi người đối xử với mình thế nào thì hãy đối xử với mọi người như thế”. Đây có thể coi như kim chỉ nam, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho kỹ năng “ý ăn ý ở” của một người khôn ngoan, muốn tiến bộ, muốn hạnh phúc được lâu bền.
Ở cơ quan X, có kỹ sư Kh được Bộ cử về làm Chánh Văn phòng. Anh Kh rất biết cách lấy lòng cấp trên và coi thường anh em kỹ sư cùng trang lứa. Cuối năm có đợt thanh tra của cấp trên, bỏ phiếu kín để lấy ý kiến tín nhiệm. Anh Kh rất buồn, anh bị giảm biên chế. Anh em trong cơ quan thì thào với nhau: “Rõ ràng anh Kh thất bại vì kém “ý ăn ý ở”.
Cũng trong kỹ năng “ý ăn ý ở”, tác giả N. Caramdin đã dạy: “Ai không tự tôn bản thân mình thì cũng sẽ không được người khác tôn trọng”. Phân tích lời dạy của Caramdin có tác giả đã nhận xét: “Người mắc khuyết điểm đa số là do tu dưỡng kém, không tránh được tham sân si, tức là biết sai mà vẫn cứ làm, không còn giữ uy tín cho chính mình, không giữ được bàn tay mình trong sạch thì rõ ràng chẳng ai tôn trọng, chẳng ai muốn giữ hộ mình sự trong sạch nữa”.
Ngạn ngữ phương Đông cũng đã dạy: “Tự mình phải biết giữ lấy cái thể diện cho chính mình” (Linh tại ngã, bất linh tại ngã) chứ làm sao lại mong đợi người khác phải giữ uy tín, thể diện cho mình được. Sự nông nổi và yếu kém về tư duy này có khi cũng xảy ra với người có học hàm, học vị cao, người có địa vị xã hội cao. Thế mới biết việc “giữ cho cái áo từ khi còn mới, giữ được danh dự từ khi còn trẻ” quả thật rất khó khăn để phấn đấu.
Một trong những kỹ năng về “ý ăn ý ở” phải được tập luyện, rèn rũa từ khi mới biết nhận thức cho đến hết cuộc đời. Đó chính là lời ăn tiếng nói, chính là ngôn ngữ giao tiếp với những người đang sống quanh ta. Tác giả L. Phayvangue người Hà Lan đã từng tổng kết: “Con người cần hai năm để học nói, nhưng phải cần đến sáu mươi năm để học được cách giữ gìn lời ăn tiếng nói”.
Thật quá đúng, quá sâu sắc. Cha ông ta cũng đã từng dạy: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ấy thế mà nhiều người, ngay cả những người có địa vị xã hội quan trọng, có nhiều bằng cấp cao cũng chưa chắc biết giữ gìn lời ăn tiếng nói, chưa chắc biết “lựa lời mà nói”. Vì vậy, có được lời ăn tiếng nói đúng mực thật chẳng phải dễ dàng.
Có cô con dâu nhận xét: “Mẹ chồng cháu bụng dạ cũng chẳng có gì nhưng chỉ phải cái tội hay nói những lời cay độc nên mới dẫn đến sự đổ vỡ hôn nhân của chúng cháu hôm nay”. Thật đau xót và thật đáng tiếc cho cái gia đình bất hạnh đó.
Đi sâu vào kỹ năng giữ gìn lời ăn tiếng nói, tác giả A.Lunarsarki bổ sung thêm tầm quan trọng của tiếng cười trong các việc giao tiếp hàng ngày, ông viết: “Tiếng cười không những là dấu hiệu của sức mạnh mà bản thân nó cũng là một sức mạnh”.
Tiếng cười có được trên mỗi khuôn mặt con người chính là lúc trong lòng người đó thấy vui vẻ, thoải mái, tin cậy, chia sẻ với người khác. Khi đang cáu giận, tranh cãi không ai cười cả. Khi muốn nịnh hót, ai cười nịnh, cười lấy lòng thì cũng bị phát hiện ra ngay một cách dễ dàng vì nó trái với bản chất của tính lương thiện, tính tích cực, tính dương tính của tiếng cười.
Vì thế một tiếng cười trung hậu, một nụ cười hiền lành, độ lượng của người ông, người bà là một đảm bảo cho hạnh phúc gia đình bền vững. Một nụ cười thông cảm, chia sẻ của người bác sĩ cùng những lời an ủi nhẹ nhàng, cái nắm tay thông cảm thực sự là những liều thuốc an thần vô giá đối với người bệnh. Như thế, nụ cười được coi là vũ khí để chinh phục lòng người, là chìa khóa để mở ra cánh cửa thân tình, hữu nghị, giao lưu, gắn kết.
Triết gia Gréville đã phải xác định rất mạnh mẽ về tác dụng của tiếng cười khi ông viết: “Con người là loài duy nhất mà Thượng đế đã ban cho cái quyền lực của tiếng cười”. Còn Đại thi hào Jean de la Bruyère thì khẳng định: “Người nào biết làm cho người khác cười để rồi họ ủng hộ cho mình thì người đó quả là không tầm thường”.
Trên thực tế, những người có lòng nhân hậu, thương người, biết vì người khác, không ích kỷ, không vụ lợi thường được mô tả “có gương mặt phúc hậu, có nụ cười nhân hậu, có giọng nói nhân từ, khoan thai”. Đó chính là quy luật: “Tâm sinh tướng”, nghĩa là trong lòng mình, ý nghĩ của mình luôn hướng thiện thì cũng tạo ra được một khuôn mặt nhân từ, bác ái.
Có thể tạm sơ kết: Ý ăn ý ở = Giữ gìn lời ăn tiếng nói + Nụ cười nhân hậu.
Khi bàn về các kỹ năng cần có trong việc trau dồi “ý ăn ý ở” trên đời, người ta thấy cần đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm hơn kỹ năng cứng. Nghĩa là không thể có công thức hoặc hướng dẫn cụ thể được, mà phải dựa vào thực tế cuộc sống để thay đổi cho phù hợp, đó là: Tùy theo thời cuộc, tùy vào vị thế, tùy vào cảnh ngộ cụ thể mà có “ý ăn ý ở” cho phù hợp với từng lúc, từng nơi, từng giai đoạn, từng tình hình cụ thể.
Đại văn hào Nga, ông Léon Tolstoi đã dạy: “Hãy ngừng nói ngay khi mình nhận thấy bản thân mình hoặc người nói chuyện với mình đang nổi nóng. Lúc này, lời không nói ra mới là lời vàng lời bạc”.
Lời dạy này của Tolstoi rất quan trọng, nó cảnh báo cho con người không nói khi nóng giận, không tranh luận tiếp với một đối tác bắt đầu nổi nóng. Lúc này, thua tức là thắng. Biết cách rút lui không tranh luận nữa mới là khôn ngoan. Đó là nghệ thuật biết im lặng đúng lúc. Im lặng cũng là một kỹ năng mềm của “ý ăn ý ở”. Triết gia P. Saron đã nói: “Ai không biết cách im lặng thì cũng ít khi biết sử dụng lời nói hay”. Thật là thấm thía, thật là sâu sắc.
Trong việc rèn luyện kỹ năng mềm cho “ý ăn ý ở” trong đời cũng nên đặc biệt chú trọng lời dạy sau đây của Đại thi hào V. Thackerey: “Thế giới là một tấm gương soi mà trong đó mọi người đều soi thấy vẻ mặt của mình. Nếu bạn nhăn nhó, tấm gương sẽ cho bạn thấy một bộ mặt sầu não. Bạn hãy cười với nó đi và bạn sẽ gặp ở đó một con người vui vẻ”.
Thật quá đúng. Ta hình dung một ngày làm việc như sau: Buổi sáng trước khi ra khỏi nhà cần ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng vì ta sắp phải gặp con người đầu tiên trong ngày. Người đầu tiên ta gặp đó lại chính là ta. Nếu ta không ăn mặc chỉnh tề, tôn trọng chính ta thì ai sẽ tôn trọng ta.
Cứ thế, cứ thế ta bước tiếp đến cơ quan, lúc nào cũng hình dung có tấm gương soi trước mặt để thận trọng giữ gìn từ ngôn ngữ đến cử chỉ, tác phong. Nếu ai nghĩ được như thế thì sẽ tránh được rất nhiều va chạm, những tiếp xúc âm tính trong cuộc sống hàng ngày.
Như vậy, để làm tốt vấn đề “ý ăn ý ở” ta thấy ngay hai từ: Rất khó! Vì đây là tập hợp nhiều kỹ năng mềm, không có công thức, không có phần cứng cố định. Chỉ có một cách là phải rèn luyện, thực hành, nhắc đi nhắc lại hàng ngày, rút kinh nghiệm hàng ngày để ngày càng trưởng thành, ngày càng cứng cáp, ngày càng hoàn thiện “ý ăn ý ở” của mỗi người.
Léonard de Vinci đã dạy con người rất đơn giản: “Sắt không dùng đến sẽ gỉ, nước không chảy sẽ thối hoặc đóng băng.
Còn trí tuệ con người nếu không được dùng đến sẽ thui chột đi”. Muốn làm được theo đúng lời dạy của Léonard de Vinci chỉ có một cách: Phải hàng ngày rèn luyện trí tuệ nhận thức (IQ) và trí tuệ cảm xúc (EQ) để xây dựng cho bản thân mình nhiều kỹ năng mềm trong “ý ăn ý ở”. Với lòng mong muốn tha thiết sao cho mỗi con người chúng ta ngày một tiến bộ, ngày một trưởng thành trong biển đời mênh mông của “ý ăn ý ở”.
Luận bàn về “ý ăn ý ở” còn nhiều chi tiết, tình tiết phong phú và đa dạng, một bài viết không thể đề cập hết được, nhưng những ý tứ chủ yếu thì luôn cần nhớ đến.
Đại văn hào Shakespeare đã nêu ra một tư duy đơn giản nhưng rất dễ nhớ trong việc đối nhân xử thế nói chung: “Bạn hãy yêu mọi người, tin vài người và đừng xúc phạm đến ai”. Lời dặn dò này rất quan trọng, ai nhớ kỹ, ai thuộc lòng, ai thực hành tốt lời dạy này sẽ thêm bạn, bớt thù mà dành thời gian tập trung vào công việc chính của mình. Ai làm sai lời dạy này thì suốt đời phải chạy theo phiền phức không đâu, trong khi việc chính lại không làm được. Thế là mất đứt vài tháng, vài năm mà ân hận mãi.
Kết thúc bài viết, nên nhớ kỹ lời dạy của triết gia Isabelle de Castille: “Những ai có cử chỉ lễ phép và mặn mà là có sẵn trong tay lá thư giới thiệu và sự gửi gắm để bước vào đời”. Mong sao tất cả chúng ta, ai cũng có lá thư giới thiệu quý báu đó!