Công bố Pháp lệnh xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Sáng 29/8, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 thông qua.
Thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.
Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm 4 chương, 48 điều quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022.
Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền.
Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan Nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng, tạo điều kiện giải quyết các vụ việc, nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.
Có 3 nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Cụ thể, nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, gồm: Hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật; hành vi tiết lộ bí mật điều tra; hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ; hành vi ngăn cản việc cấp, giao nhận, thông báo hoặc không thực hiện trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Nhóm thứ hai là nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, gồm: Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của tòa án; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền; hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án; hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc; hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án và hành vi đưa tin sai sự thật.
Nhóm thứ ba là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, gồm: Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp và hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.
Để bảo đảm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý đúng với tính chất, mức độ vi phạm theo pháp luật hành chính và pháp luật hình sự, Pháp lệnh quy định: Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm quy định tại Pháp lệnh này có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.