Hà Nội - Làng trong Phố

Việt Quỳnh (thực hiện) 08/09/2022 06:16

Với họa sĩ Nguyễn Minh, còn có biệt danh là Minh Phố, Phố là người, Làng là người. Phố - Làng là hồn cốt của Hà Nội, là văn hóa của Hà Nội, là kí ức, là hiện tại, là một phần của mỗi chúng ta, để khi “chạm” đến, sẽ thấy có mình trong đó.

Họa sĩ Nguyễn Minh.

Hà Nội có nhiều kỷ niệm gắn liền với họa sĩ Nguyễn Minh. Nhất là thời sinh viên, những năm tháng vừa học vừa làm.

Hồi ấy, anh được bố mẹ mua lại của người quen cho chiếc xe đạp cũ, phương tiện “bất ly thân” của cậu sinh viên nghèo. Ngoài thời gian học ở trên lớp, Nguyễn Minh trải nghiệm các công việc khác nhau: làm thêm ở quán cơm, làm gia sư, lúc lại dành thời gian đi vẽ tranh ở công viên,…

Có những thời gian dài, anh mải miết đi kí họa khắp các làng ven ngoại thành như làng Cự Đà, làng Vạn Phúc,… Rồi lang thang khắp các con phố nội thành của Hà Nội để biết Hà Nội còn lưu giữ lại được nhiều dấu tích của “làng” đến thế. Từ cổng làng Đại Từ, làng Phú Mỹ, làng Phú Đô, làng Yên Phụ, làng Vòng, làng Yên Thái, các cổng làng ở Thụy Khuê… Tất cả đều thấm đượm bề dày văn hóa của từng làng.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Đoài - Hà Tây cũ, một vùng đất mang đậm nét văn hóa riêng biệt, tuổi thơ của Nguyễn Minh đi qua dưới những mái nhà cấp bốn. Anh có những tháng ngày đủ dài để cảm nhận về văn hóa của các làng nghề cùng sự phong phú của các di tích, các địa danh trên quê hương mình. “Tôi yêu làng, yêu nơi mình sinh ra”, Nguyễn Minh chia sẻ. “Tình yêu ấy như được bồi đắp khi tôi tìm thấy sự đồng cảm trong những lúc đi vẽ về các con phố ở Hà Nội. Hình ảnh “Phố - Làng” cứ thế mà thong dong hiện hữu trong tranh của tôi. Đó là sự nối tiếp giữa kí ức tuổi thơ và hiện tại”.

“Hà Nội có quá nhiều điều để vẽ, để viết. Nếu như bạn “tham lam” bạn sẽ bị chơi vơi trong kho tàng văn hóa đồ sộ ấy”, Minh tâm sự. “Tôi cố gắng chắt lọc, đôi khi phải lùi mình lại để tìm thứ gần với mình nhất, là mình nhất. Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Tôi tìm thấy trong đó có sự đối lập của quá khứ - hiện tại, của cũ và mới, của kí ức và tương lai, của truyền thống và đương đại, của nếp xưa và đô thị hóa…”.

Vì thế, Nguyễn Minh muốn diễn tả những điều đó trong tranh theo cách riêng của anh, vừa mang đậm giá trị truyền thống của Việt Nam, vừa mang hơi thở đương đại. Minh muốn khái quát bằng cách nhìn của thế hệ trẻ, bằng sự tươi mới sẽ thể hiện trên đề tài cũ, để các tác phẩm vừa có dấu ấn của văn hóa quê hương Việt, vừa có hơi thở hiện tại nhưng lại mang đậm chất trữ tình và lãng mạn.

Tranh về Phố - Làng Hà Nội của họa sĩ Nguyễn Minh.

“Mỗi một người sẽ có những “quãng” khác nhau, bởi mỗi chúng ta đã là sự khác nhau, mỗi chúng ta đã là một vân tay riêng biệt. Và chúng ta đều có những “miền kí ức” riêng cho mình, miền kí ức ấy sẽ là chìa khóa để mở ra cánh cửa cảm xúc của mỗi người. Để khi ta thấy có bóng mình trong tác phẩm, ta thấy trong tác phẩm có câu chuyện của mình, câu chuyện của kí ức có cùng tần số, ta sẽ có những đồng cảm nhất định. Và khi có chung một tần số kí ức, thì giữa nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật và người thưởng lãm sẽ hòa chung cùng nhịp”, Nguyễn Minh giãi bày.

Phố - Làng là đề tài mà Nguyễn Minh tìm hiểu, nghiên cứu từ thời sinh viên. May mắn khi được các nghệ sĩ, các nhà sưu tập và bạn bè gọi mình với tên “Minh Phố”, với Minh, đó vừa là niềm tự hào và cũng là một áp lực, là một trọng trách để anh phải nỗ lực trong việc làm mới mình, luôn vận động để thay đổi, phát triển.

Nguyễn Minh có thói quen nghe nhạc khi vẽ. Những lúc vẽ, anh thích một mình để được tĩnh, được lắng lại, trở về với con người bên trong. Cảm xúc dẫn dắt Minh trong miên man mà vẽ cùng tiếng nhạc và màu sắc hiện hữu trong tâm tưởng. Có những tác phẩm anh vẽ trong những quãng thời gian rất ngắn, khi đủ phiêu, đủ chất và đủ ý thì dừng. Cũng có tác phẩm chưa ưng, anh dập, xóa, chỉnh sửa cho đến khi bản thân thấy hài lòng mới ngừng.

Nguyễn Minh gọi quá trình dập-xóa, chỉnh sửa ấy là quãng dài. Với Minh, quãng dài hay ngắn đều mang lại điều hay, thú vị riêng, và hiệu quả cuối cùng của tác phẩm mà bản thân anh thấy ưng ý là điều quan trọng.

“Thật khó để nói cụ thể đó là điều gì, tôi cho rằng những giá trị văn hóa lâu đời, những miền kí ức của các thế hệ, được thổi vào thêm bằng hơi thở đương đại, được chuyển tải bằng ngôn ngữ qua lăng kính của thế hệ trẻ, sẽ tạo nên một Hà Nội rất linh thiêng và hào hoa”, Nguyễn Minh tâm sự. “Đó sẽ là sợi dây vô hình kết nối giữa mọi thế hệ, mọi tầng lớp.

Khi nghiên cứu về phố Hà Nội, tôi thường chia ra các giai đoạn, mỗi giai đoạn từ 2 đến 3 năm. Tôi tìm hết các ngã rẽ, dùng hết những năng lượng để thể hiện. Có giai đoạn được tôi kết hợp giữa gợi tả và tượng trưng, có giai đoạn lại dùng những tương phản ấn tượng của màu sắc, và có giai đoạn lại giản lược đến tối đa. Giai đoạn tiếp theo trong thời gian tới sẽ là trừu tượng và bán trừu tượng. Hy vọng sẽ trình làng một hình hài mới về phố”.

Năm 2012, Nguyễn Minh được họa sĩ Trần Huy Oánh hướng dẫn sáng tác các tác phẩm trong khóa tốt nghiệp lớp cao học. Minh và họa sĩ Trần Huy Oánh đã có khoảng thời gian dài cùng chia sẻ về đề tài phố. Đó là dấu mốc quan trọng tại thời điểm đó khi anh giới thiệu đề tài phố đến công chúng. Đến nay đã tròn 10 năm từ lần giới thiệu ấy, Nguyễn Minh sẽ trưng bày triển lãm cá nhân tiếp theo để kỉ niệm 10 năm “Hành trình Phố” dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Nguyễn Minh chia sẻ: “Trong triển lãm sắp tới ngoài một số bức tranh của thời kì đầu, công chúng sẽ thấy sự tươi mới khi "Phố" sẽ được thể hiện ở nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, cùng với hai lĩnh vực khác là điêu khắc và sắp đặt. Tôi luôn nghĩ, đã là nghệ sĩ, bạn cứ cháy hết mình, cứ cống hiến hết mình và luôn là mình. Chính điều đó sẽ tạo ra chất riêng, cá tính riêng cho bạn và lan tỏa đến người khác”.

Việt Quỳnh (thực hiện)