Phân cấp, phân quyền xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại
Ngày 30/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế- xã hội trên địa bàn TP Hà Nội. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương dự và chủ trì hội nghị.
Theo Dự thảo Nghị quyết, sẽ phân cấp quản lý Nhà nước đối với một số lĩnh vực về KT-XH trên địa bàn TP, cụ thể: quản lý đường bộ; quản lý chiếu sáng công cộng; quản lý công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ; quản lý thoát nước đô thị và xử lý nước thải; quản lý vệ sinh môi trường; quản lý bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm đón, trả khách, vận tải khách tuyến cố định và vận tải hành khách công cộng; quản lý cấp nước sạch; quản lý thủy lợi; quản lý đê điều; quản lý rừng; quản lý thông tin truyền thông; quản lý giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; quản lý văn hóa- thể thao, du lịch; quản lý y tế; quản lý các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; quản lý chợ. Các nội dung phân cấp quản lý Nhà nước về các lĩnh vực khác thì thực hiện theo các văn bản pháp luật hiện hành.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, hiện nay thành phố đang thực hiện phân cấp đối với 16 ngành, lĩnh vực đạt nhiều kết quả được quan tâm nên cần tiếp tục kế thừa và bổ sung. Dự thảo đã có nghiên cứu và thể hiện đầy đủ, song còn một số vấn đề đề nghị xem xét thêm như: Dự thảo nêu cụ thể một số hoạt động, song đây không chỉ là của một lĩnh vực mà còn là của ngành nên cần thể hiện đúng, đủ. Về đối tượng áp dụng, cần xác định không chỉ là cá nhân, tổ chức liên quan đến quản lý mà còn cá nhân, tổ chức liên quan thực hiện.
Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị sau hội nghị, UBND thành phố sẽ tiếp thu, chọn lọc những nội dung phù hợp, khả thi để hoàn thiện, mở rộng, làm sâu sắc hơn, rõ hơn những nội dung phân cấp, ủy quyền khi đưa vào Nghị quyết. Thành phố cũng cần quan tâm hơn tới việc lựa chọn, bổ sung thêm những nội dung, lĩnh vực cụ thể góp phần thực thi pháp luật trong công tác phân cấp, ủy quyền; tranh thủ tối đa các mối quan hệ với bộ ngành Trung ương với các cấp, ngành của thành phố, các văn bản mà các cấp quy định để “phủ kín” các lĩnh vực cần phân cấp, phân quyền; đồng thời giải quyết những vướng mắc đang đặt ra giữa các cấp.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tới sự tham gia của người dân, Mặt trận và các đoàn thể trong việc thực hiện Nghị quyết, các nội dung phân cấp, ủy quyền khi Nghị quyết được thông qua. Bên cạnh đó, thường xuyên đánh giá, cập nhật tình hình không chỉ khi triển khai thực hiện Nghị quyết, kịp thời điều chỉnh hợp lý trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá rút kinh nghiệm khoa học một cách khách quan; nâng tầm về phân cấp, phân quyền để xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại. Để đạt được điều đó, thành phố cần quan tâm, có cơ chế để giải quyết mối quan hệ phân cấp, ủy quyền một cách hợp lý.