Cấp bách ngăn chặn bạo lực gia đình
Vấn nạn bạo lực gia đình ngày càng có xu hướng trầm trọng và phức tạp hơn. Để xây dựng văn hóa phòng chống bạo lực gia đình, đầu tiên cần mỗi người dân, mỗi cá nhân phải chủ động điều chỉnh các hoạt động, hành vi của mình theo các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa. Đó là nhận định của Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.
PV: Thưa luật sư, những năm qua, nước ta đã rất quan tâm đến việc ngăn chặn và phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn diễn ra và có phần trầm trọng hơn, gây nhức nhối trong toàn xã hội?
Luật sư Hoàng Tùng: Báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện chỉ ra rằng: Gần 63% phụ nữ từng kết hôn hoặc có chồng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình vào một thời điểm nào đó trong đời. Trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình cũng chiếm tỷ lệ cao, tăng 5,3% so với năm 2020.
Như vậy, tình trạng bạo lực gia đình vẫn có chiều hướng gia tăng qua các năm. Chúng ta thấy rất rõ, bạo lực gia đình không chỉ có tác động xấu tới trật tự an toàn an ninh xã hội, làm mất đi giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn có ảnh hưởng, tác động xấu tới GDP - chỉ số quan trọng trong việc đánh giá tổng quan nền kinh tế ở một thời điểm nhất định. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 đã nhấn mạnh về chủ thể có vai trò thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ trong phòng, chống bạo lực gia đình là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.
Vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan tổ chức và đoàn thể xã hội.
Như vậy, mặc dù pháp luật đã có quy định rõ trong việc xử lý, ngăn chặn nhưng tại sao tình trạng này vẫn diễn ra, thưa luật sư? Phải chăng do chế tài chưa đủ sức răn đe?
-Vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan tổ chức và đoàn thể xã hội. Xuất phát từ vấn đề bình đẳng giới, dù cho Nhà nước đã có những quy định chặt chẽ để phòng chống bạo lực gia đình nhưng nhận thức của người dân về vấn đề này còn kém thì không bao giờ có thể loại bỏ được tỷ lệ bạo lực gia đình trong xã hội. Biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình tốt nhất vẫn là nâng cao ý thức pháp luật, nhận thức của mỗi cá nhân về bình đẳng giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 ra đời đã có những tác động tích cực tới nhận thức của người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.
Đã ra đời được gần 15 năm cho nên các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do Luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến cho bạo lực gia đình không được ngăn chặn kịp thời cũng xuất phát từ việc các cá nhân có liên quan trực tiếp tới bạo lực gia đình đã không dám lên tiếng – đây là một cách ứng xử lệch lạc, vô hình chung khiến cho tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng.
Có ý kiến cho rằng, bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội, thể hiện lối sống thiếu trách nhiệm, việc ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình, phản ánh sự suy thoái về đạo đức của một vài cá nhân, thành viên trong gia đình. Để xây dựng văn hóa phòng, chống bạo lực gia đình, chúng ta cần làm gì thưa ông?
-Để xây dựng văn hóa phòng, chống bạo lực gia đình, đầu tiên cần chú trọng tới xây dựng tính tự giác của mỗi người dân, mỗi cá nhân phải chủ động điều chỉnh các hoạt động, hành vi của mình theo các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa. Các cấp, ngành, địa phương bên cạnh các biện pháp theo quy định pháp luật cần xây dựng hiệu quả môi trường văn hóa trong cộng đồng khu dân cư; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tính cấp bách và thách thức về bạo lực gia đình để đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các hành vi bạo lực.
Các chủ thể có vai trò trong phòng, chống bạo lực gia đình cần xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, rèn luyện thể chất, vui chơi giải trí lành mạnh cho nhân dân; phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, đa dạng về hình thức, phong phú và lành mạnh về nội dung; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa trở thành cơ sở vững chắc trong việc xây dựng con người văn hóa, là pháo đài kiên cố trong phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình.
Trân trọng cảm ơn luật sư!