Nguồn lực kiều bào với quê hương
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho biết, mỗi năm kiều bào gửi về Việt Nam hơn 10 tỷ USD. Đó là những đóng góp không hề nhỏ. Ngay cả trong thời gian dịch bệnh vừa rồi, đóng góp của kiều bào cũng rất lớn.
Nhận định về lượng kiều hối, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, nguồn kiều hối về Việt Nam năm 2021 đạt kỷ lục, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh, kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức kỷ lục 18,1 tỷ USD. Riêng tại TPHCM, kiều hối đạt khoảng 6,6 tỷ USD (tăng 9% so với cùng kỳ).
Thống kê cho thấy, trong cơ cấu kiều hối năm 2021, 72% đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, giáo dục; 22% đầu tư vào bất động sản; 6% để tiêu dùng. Đây là cơ cấu khá hợp lý khi tỷ lệ đầu tư luôn ở mức cao, đồng thời cho thấy Kiều bào đang sử dụng hiệu quả lượng kiều hối. Giải thích về nguồn kiều hối vẫn tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, hầu hết ý kiến nhận định, Việt Nam đang có môi trường đầu tư tốt, nhiều chính sách hấp dẫn dành cho kiều bào.
Ông Phùng Công Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho hay, trong tổng số 5,3 triệu người Việt ở nước ngoài có hơn 2 triệu người liên hệ với TPHCM. Tại TPHCM, có gần 3.000 công ty có vốn của kiều báo được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng. Thành phố đã và đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư của kiều bào như: Viện Khoa học tính toán, Viện Nghiên cứu sinh học, Khu Công nghệ cao... Đặc biệt, TPHCM đang xây dựng thung lũng Sài Gòn Silicon với diện tích trên 52ha, giá trị khoảng 38,5 triệu USD. Trung tâm này sẽ hướng tới việc thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và hỗ trợ các công nghiệp, sáng tạo, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM còn giới thiệu với các hội doanh nhân người Việt ở nhiều nước về những lĩnh vực mà TPHCM ưu tiên đầu tư, có nhiều cơ hội như: công nghệ số, nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Dũng cũng cho rằng, để thu hút lượng lớn kiều hối cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư của kiều bào cho nền kinh tế, chúng ta cần chú ý xây dựng thể chế, quan tâm đến các vấn đề pháp lý liên quan đến kiều bào; như vấn đề đầu tư, quốc tịch. Cần có các chính sách tạo điều kiện hỗ trợ cho kiều bào tham gia các hoạt động thương mại trong nước. Ví dụ như góp vốn, cổ phần với các doanh nghiệp trong nước; có chính sách ưu đãi thuế cho kiều bào; tạo điều kiện hơn nữa cho kiều bào đầu tư vào bất động sản, mua đất đai.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, 6 tháng đầu năm 2022 tổng lượng kiều hối chuyển về thành phố thông qua tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế đạt 3,16 tỷ USD. Mặc dù, lượng kiều hối có giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trị kiều hối trong nửa đầu năm 2022 bằng 44,5% so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, nguyên nhân khiến lượng kiều hối nửa đầu năm 2022 giảm là do kinh tế một số quốc gia, khu vực trên thế giới khó khăn; lạm phát tăng cao dưới sự tác động của giá xăng dầu, giá lương thực... ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người Việt Nam ở nước ngoài.
Còn tại Đà Nẵng, UBND thành phố này cũng đang tiếp tục mời gọi người Việt đang sống ở nước ngoài về đầu tư. Mới đây, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM và Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tọa đàm “Giới thiệu môi trường đầu tư Đà Nẵng hướng đến người Việt Nam ở nước ngoài”. Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết, đầu tư của kiều bào về Đà Nẵng có chiều hướng tăng, quy mô dự án ngày càng mở rộng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đà Nẵng đã tổ chức đón tiếp các đoàn doanh nhân kiều bào đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kết nối doanh nhân thành phố với doanh nhân kiều bào. TP Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp. Về định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng xác định mục tiêu trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống.
Nhìn chung, dù lượng kiều hối về Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 có giảm, song nhiều ý kiến cho rằng, sắp tới đây dòng kiều hối nhiều khả năng tăng lên. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kinh tế của người Việt ở nước ngoài đã dần dần hồi phục trở lại, dù không bằng như lúc trước nhưng cũng phục hồi khoảng 80%. “Theo tôi, từ ngày đến cuối năm lượng kiều hối sẽ tăng nhiều hơn so với nửa đầu năm” - ông Hiếu chia sẻ.
Mỗi năm Việt Nam đưa được khoảng 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nguồn kiều hối gửi về hơn 3 tỷ USD. Trong giai đoạn 2013-2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống lao động và gia đình. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thị trường xuất khẩu lao động đã và đang tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt.