Ăn mặn - thói quen nguy hiểm
Ăn mặn là thói quen khó bỏ của nhiều người, hầu hết các gia đình luôn luôn đặt một bát gia vị mặn như nước mắm, xì dầu, bột canh,... trên mâm cơm. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, chính thói quen ăn mặn này đã góp phần làm tăng tỷ lệ mắc cao huyết áp và các bệnh về tim mạch.
Theo kết quả của một khảo sát gần đây do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện, người Việt Nam chúng ta đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ từ 18-22g mỗi ngày, trong khi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, mỗi người trưởng thành mỗi ngày nên sử dụng ít hơn 6g muối (một thìa cà phê), nếu ăn nhiều hơn thì được gọi là ăn mặn. Như vậy, lượng muối ăn đã nhiều gấp 3-4 lần so với khuyến cáo.
Việc sử dụng quá nhiều muối dẫn đến một số bất lợi khác đối với sức khỏe như giữ nước trong các bệnh suy tim, thận nhiễm mỡ; gây phù chu kỳ, phù trước kỳ kinh, phù vô căn; tăng co thắt, kích thích cơn suyễn; liên quan đến ung thư dạ dày; tăng thải Ca++ qua thận, tăng nguy cơ loãng xương...
Theo các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều muối (natri clorua) thì tần suất mắc bệnh tăng huyết áp tăng cao rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhiều so với những người ở đồng bằng và miền núi. Thực tế, nhiều bệnh nhân tăng huyết áp ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể điều trị được bệnh. Tuy nhiên, để giảm hơn 50% lượng muối ăn hàng ngày là một thói quen rất khó đối với người dân vùng biển hoặc những người đang quen ăn mặn.
Lý giải về nguyên nhân, TS. BS Đỗ Thị Phương Hà - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, khi ăn mặn, cơ thể chúng ta sẽ “nạp vào” một lượng natri lớn. Khi đó hàm lượng natri trong máu sẽ gia tăng và thận phải làm việc hết công suất mới lọc máu được. Khi lượng natri trong máu cao, thận không thể phát huy tối đa khả năng làm việc sẽ gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Hậu quả là nước sẽ di chuyển bên trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu gây tăng thể tích máu. Vì thế, ăn mặn là nguyên nhân gây bệnh tim mạch và làm huyết áp tăng cao.
Tăng huyết áp thường được biết đến như là một “kẻ giết người thầm lặng”. Bởi tăng huyết áp có thể ủ bệnh tới 15 đến 20 năm mà không hề có bất kỳ một dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Hấp thụ một lượng muối nhiều hơn mức cần thiết trong mỗi bữa ăn cũng làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này. Nguyên nhân là do natri sẽ hút nước từ thành của động mạch vào trong mạch máu, làm cho động mạch bị thu hẹp trong khi lượng nước và áp suất lại tăng lên. Tăng huyết áp dễ dẫn đến một số bệnh nguy hiểm khác như bệnh thận, đau tim, đột quỵ, xuất huyết não...
Còn với người bị suy tim, bên cạnh các triệu chứng ho, khó thở, nhịp nhanh, mệt mỏi thì phù cũng là một triệu chứng phổ biến. Phù thường gặp ở mu bàn chân và cẳng chân, trường hợp nặng có thể phù toàn thân, đó là do tình trạng ứ trệ tuần hoàn, giữ muối và nước trong cơ thể gây ra. Do đó việc thực hiện chế độ ăn nhạt, uống ít nước là rất quan trọng giúp giảm các triệu chứng phù và làm giảm gánh nặng cho tim.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, người dân hãy bắt đầu thực hiện việc giảm muối trong chế độ ăn ngay từ khi lên kế hoạch đi chợ và nấu ăn. Trước tiên hãy ưu tiên lựa chọn các thực phẩm tươi thay vì các thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, thịt muối, cá hộp, thịt hộp, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, các đồ ăn vặt như bim bim, hạt điều, lạc rang muối… các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để có thể bảo quản được lâu. Hãy chọn chế biến các món luộc, hấp thay cho các món cần cho nhiều gia vị mặn vào trong quá trình chế biến như các món kho, rim, rang…
Cũng theo bác sĩ Tiến, vì chúng ta đang ăn vào gần gấp đôi lượng muối theo khuyến cáo, nên người dân cần giảm một nửa lượng muối và gia vị chứa nhiều cho vào khi chế biến món ăn. Việc giảm ăn muối nên thực hiện từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác của bạn có thể làm quen và thích nghi dần với việc giảm vị mặn trong khi nấu, nếu bạn muốn gia giảm gia vị mặn, hãy nhớ nếm thức ăn trước khi cho thêm gia vị để đảm bảo bạn chỉ cho một lượng vừa đủ, không cho quá nhiều. Nên dùng dụng cụ đong gia vị, như thìa, để đong gia vị trước khi cho vào món ăn, tránh cầm cả hộp bột canh hay chai nước mắm để rót vào vì sẽ dễ bị đổ quá tay. Cũng không nên cho muối hay gia vi có nhiều muối vào nước luộc rau.
Ngoài ra, mì chính là gia vị cho vị ngọt nhưng trong thành phần có chứa natri nên không nên lạm dụng quá nhiều mì chính, nhất là khi muốn dùng mì chính để làm tăng vị ngọt của nước dùng hay món ăn thay vì lấy vị ngọt đó từ chính thực phẩm tươi. Điều này thường hay thấy ở các hàng quán khi thay vì phải ninh nấu xương mất nhiều thời gian và giá thành cao mà người bán hàng thường cho rất nhiều mì chính để tạo vị ngon ngọt cho món ăn của mình.
Có thể giảm lượng gia vị mặn chứa nhiều muối cho vào trong món ăn bằng cách chế biến món ăn với các loại gia vị khác như tỏi, chanh, tiêu, ớt… để làm tăng cảm giác vị giác bù cho giảm vị mặn do bạn hạn chế muối trong các gia vị mặn. Hãy tự nấu ăn ở nhà để có thể chủ động kiểm soát lượng muối ăn vào của mình một cách tốt nhất” - bác sĩ Tiến khuyến cáo.