Thuốc gia truyền: Tìm hiểu kỹ hãy sử dụng
Hiện nay có không ít bệnh nhân do tin giới thiệu của bạn bè, người thân nên đã tự ý điều trị bằng các loại thuốc đông y gia truyền (thuốc nam, thuốc bắc). Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng là rất lớn khi người kê đơn, bốc thuốc không đúng bệnh, không đúng liều lượng; thậm chí thuốc được thu mua không rõ nguồn gốc.
Cảnh báo những sản phẩm giả mạo
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo về việc một sản phẩm thuốc nam được quảng cáo “chữa dứt điểm khối u” giả mạo giấy xác nhận của Bộ Y tế; đồng thời cho biết, “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm” của Hoàng kim giáp biệt dược (ngày 5/10/2018) là giả mạo. Cục An toàn thực phẩm khẳng định không cấp giấy trên cho sản phẩm Hoàng kim giáp biệt dược của HTX Thuốc Nam gia truyền dân tộc Dao (địa chỉ: Thôn Hợp Sơn, xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội).
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Tìm hiểu tại trang web, sản phẩm này được quảng cáo là “bào chế bởi nhiều thảo dược quý như: Xạ hôi, bột tam thất, cao xạ đen, trinh nữ hoàng cung, cao huyền sâm... điều trị dứt điểm u tuyến giáp, bướu cổ” và “phương pháp chữa u tuyến giáp bằng thảo dược không cần mổ, không bị tác dụng phụ”. Không chỉ vậy, sản phẩm còn được quảng cáo có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuyển GMP - WHO, được Bộ Y tế cấp phép và lưu hành sử dụng.
Trước đó, ngày 26/8, qua công tác hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm cũng đã phát hiện Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4288/2020/ĐKSP ngày 15/5/2022 cho sản phẩm thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm là giả mạo.
Trên giấy tiếp nhận đăng ký giả mạo này có ghi Cục An toàn thực phẩm xác nhận đã nhận bản công bố sản phẩm của hộ kinh doanh nhà thuốc gia truyền Phạm Anh Đào (địa chỉ tại Phòng 202, số nhà 10, ngõ 72 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho sản phẩm thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm, Công ty cổ phần BIGFA (Khu công nghiệp Lương Sơn, km36-QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sản xuất.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định, Cục không cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm.
Bệnh nặng do dùng thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc
Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng nặng do sử dụng thuốc nam chữa bệnh. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc không nên sử dụng các loại lá cây, thuốc nam không rõ nguồn gốc để đắp lên vết thương hoặc chữa bỏng, nhưng tại đơn vị bỏng, Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi trung ương vẫn liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bỏng da, nhiễm trùng nặng vì nguyên nhân trên.
Theo BSCKII Phùng Công Sáng - phụ trách Đơn vị bỏng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình - Bệnh viện Nhi trung ương, dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây theo kinh nghiệm mà chưa được khoa học kiểm chứng để xử lý vết thương, vết bỏng, tuy nhiên vẫn nhiều gia đình tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Bác sĩ Sáng phân tích, đắp lá cây, các loại thuốc điều trị theo kinh nghiệm mà chưa được kiểm chứng và không đảm bảo sạch vào vết thương, vết bỏng là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không nhiễm trùng thành nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra các biến chứng như: Viêm mủ màng tim, màng não, viêm mủ màng phổi, áp-xe phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám, kê toa sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc, được kiểm định chất lượng, liều kê rõ ràng.