Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trong tình hình mới
Ngày 31/8, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát đã kiểm tra kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 26-KH/MTTW-ĐĐ ngày 10/10/2018 về tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay” (Kế hoạch số 26) và Hướng dẫn số 02 của Đảng đoàn MTTQVN về phát huy vai trò người tiêu biểu trong các tôn giáo (Hướng dẫn số 02).
Theo báo cáo tổng hợp, sau 4 năm cụ thể hóa Kế hoạch 26 gắn với các quan điểm chỉ đạo của Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp đã có sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác vận động phụ nữ theo tôn giáo và đạt được nhiều kết quả tích cực trong nhiệm kỳ 2017 – 2022. Chất lượng công tác tuyên truyền vận động phụ nữ các tôn giáo, nữ chức sắc, chức việc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức phù hợp với yêu cầu thực tiễn và được triển khai có hiệu quả gắn với nhiệm vụ tại các cấp Hội. Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ theo tôn giáo phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp chú trọng thực hiện.
Tiêu biểu, từ năm 2018 đến nay, Trung ương Hội đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” nhằm vận động hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ theo tôn giáo tại 210 xã vùng biên giới phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Hàng trăm mô hình, sinh kế, mái ấm, công trình dân sinh, học bổng đã được trao đến hội viên phụ nữ nghèo và nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Về phía Hội Nông dân Việt Nam, công tác vận động, đoàn kết chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo vào tổ chức Hội được các cấp Hội chú trọng, phát triển hội viên là nông dân có tôn giáo, nâng cao chất lượng hội viên về nhận thức chính trị, trình độ sản xuất, quản lý, kinh doanh, nêu cao tính gương mẫu trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong 3 năm trở lại, Hội Nông dân Việt Nam đã kết nạp được hơn 846 nghìn hội viên mới, trong đó 200 nghìn là hội viên tôn giáo. Công tác quản lý hội viên cũng được các cấp Hội chú trọng, thực hiện chặt chẽ, khoa học hơn, nhờ đó chất lượng hội viên được nâng lên, hội viên ngày càng gắn bó với Hội.
Với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phong trào “Thanh niên tình nguyện”, các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với các tổ chức tôn giáo triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thu hút sự quan tâm, ủng hộ của xã hội và thanh thiếu niên có tôn giáo tham gia.
Đặc biệt, các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức tôn giáo tập trung triển khai trong các đợt hoạt động cao điểm như “Tình nguyện Mùa đông và Xuân tình nguyện”, “Tháng Ba Biên giới”, “Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè”, các hoạt động tình nguyện tại chỗ, tình nguyện thường xuyên, triển khai xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê”, “Trường đẹp cho em”, “Nhà Nhân ái”,... được đông đảo bà con nhân dân hưởng ứng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong triển khai Kế hoạch 26 và Hướng dẫn 02 của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, các tổ chức chính trị - xã hội phải thực sự coi trọng công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, hội viên, đặc biệt là phụ nữ, nông dân và thanh niên là tín đồ các tôn giáo, tập hợp đoàn kết tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn chú trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải tập trung bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, đoàn viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nâng cao mức sống cho người nông dân là tín đồ các tôn giáo. Đồng thời thường xuyên sâu sát ở cơ sở, nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, đoàn viên là tín đồ, các chức sắc tôn giáo; phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm phát sinh trong sinh hoạt và hoạt động của tôn giáo để phản ánh và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đề nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ công tác tôn giáo, am hiểu tập quán sinh hoạt tổ chức tôn giáo để có phương pháp vận động đúng đắn, hiệu quả; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ làm công tác tôn giáo, tham gia xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt tiêu biểu.