Thú chơi công phu ở đất Thiên Trường
Hiểu sâu sắc thú chơi chim từ thuở cha ông trên đất Thiên Trường xưa, tới Nam Định ngày nay nên không lạ khi nghệ nhân Trần Văn Sình có thể ngồi tại tư gia, kể cho chúng tôi nghe về thú chơi cũng như chuyện ông làm ra những chiếc lồng chim, với rất nhiều trải nghiệm công phu, độc đáo.
Ông Trần Văn Sình 54 tuổi. Làng Hưng Long (xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) - nơi gia đình ông Sình ở cách Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp chỉ vài km. Ông kể xưa đất làng ông là khu Đệ Nhị, một trong các khu Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ… nằm quanh Hành cung Thiên Trường (nay là khu di tích đền Trần-Chùa Tháp), được vua Trần ban cho các bậc công thần của triều đại.
Cũng như nhiều gia đình ven đô thành Nam, ngôi nhà cao tầng của gia đình ông Sình nằm trong khu vườn có nhiều cây xanh, chiếc ô tô đỗ ở sân, phía trước có con kênh nhỏ. Khác biệt là trong nhà có nhiều vật dụng được làm bằng những gốc tre, đơn giản nhưng rất đẹp mắt, từ bộ bàn ghế ngồi uống nước đến cái khay đặt ấm chén, cái gạt tàn...
Và, có rất nhiều lồng chim, to nhỏ khác nhau nhưng cùng chung đặc điểm được làm thủ công, rất cầu kỳ, tinh xảo. Thật thú vị khi biết những cái bàn, cái ghế, cái lồng chim ấy đều do một tay chủ nhà làm ra. Càng thú vị hơn khi được nghe ông Sình kể về cái sự mình làm ra những sản phẩm ấy bằng một lối kể chuyện chậm rãi. Cái cách ấy được ông “ứng vào” khi ông ngồi tỉ mẩn lựa chọn, cắt gọt, lắp ghép những mẩu tre, gọi là những mẩu củi khô, thành những món đồ có thể gọi là những tác phẩm nghệ thuật.
Trước khi kể về việc làm ra những chiếc lồng chim, ông kể về thú chơi chim, cụ thể là thú chơi chim cu gáy của người dân Thiên Trường xưa Nam Định nay, với tư cách là người từng có thời gian làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ chim cu gáy Thiên Trường - Nam Định.
“Một trong những thú vui của các vua Trần xưa là chơi chim cu gáy”, ông cho biết: “Chim cu gáy là loài chim tượng trưng cho người quân tử. Nó không bao giờ thúc đầu xuống lồng, chỉ thúc lên hoặc thúc ngang. Đói sắp chết mà thóc rơi ở sàn cũng không bao giờ mổ. Ở nhà ông có thể nó gáy rất hay nhưng đổi sang nhà khác thì chưa chắc. Dù trong lồng được cung phụng đến đâu thì khi đã sổ lồng cũng không bao giờ quay lại, bay thẳng!”.
Theo ông Sình, từ thú vui riêng của các vua triều Trần trong hành cung, thú chơi chim cu gáy dần trở thành bình dân, lan ra trong đời sống dân gian quanh hành cung Thiên Trường nên có thể nói Thiên Trường xưa - Nam Định nay là “cái nôi” của thú chơi này. Đây cũng là vùng ngoài đồng rất sẵn thóc lúa, lạc vừng, đậu, đỗ, đến mùa chim thường tìm về rất nhiều. “Tôi thừa hưởng, tiếp nối thú chơi chim cu gáy từ ông nội, rồi đến ông cụ thân sinh”, ông Sình chia sẻ.
Một con chim cu gáy xuất sắc hội tụ những yếu tố gì? Theo ông Sình, tiếng gáy của con chim cu quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy tiếng “cúc cù cu” nhưng trong đó nó chứa đựng rất nhiều sự quyến rũ về âm thanh, về giai điệu, về tiết tấu, chỉ cần “thẩm âm” giới mộ điệu đã có thể phán vanh vách đâu là tiếng “lèo” tiếng “vặt”, tiếng “chu”, đâu là “vấp”, đâu là “líu, là “ngọng”, là “nhịu”. “Chim hay, chim xuất sắc là phải có “lối riêng” của mình, nghĩa là cũng “cúc cù cu” đấy nhưng phải có tính “đổi đảo”. Câu trước nó gáy một tiếng, câu sau nó gáy ba tiếng. Còn cứ dặt ra chu một lèo hoặc dặt ra vấp một lèo thì cũng chưa phải là hay”, ông Sình chia sẻ.
Nhớ lại thời chơi chim cu thuở trước, ông Sình chậm rãi: “Thời các cụ không nhiều người chơi chim cu như bây giờ nhưng đã chơi là chơi rất kỹ, rất có đạo. Mang chim đi mấy làng, mấy xã mới gặp một người có cùng thú vui. Trước khi ngồi phải nhìn mặt nhau xem thấy có tâm chơi hay không mới ngồi đàm đạo. Rồi cùng pha trà, uống nước, cùng nghe chim gáy, cùng thẩm âm, nghe được tiếng gáy hay thì cùng gật gù. Muốn mua lại thì cũng phải nói bóng nói gió chứ không xô bồ, suồng sã như bây giờ, kiểu hất hàm “bán không?”, “bao nhiêu tiền?”.
Đại ý là phải từ tốn, kiểu như thôi thì bác, thôi thì cụ có điều kiện kiếm được nó thì cho tôi xin lại để đưa về chăm sóc. Xin gửi lại cụ, gửi lại bác ít tiền thóc. Nói là gửi ít tiền nhưng tay nhẹ nhàng rút ra trong túi chiếc khăn mùi xoa, trong đó có một, hai chỉ vàng. Thời ấy các cụ mua chim không trả bằng tiền mà bằng vàng, lấy vàng định giá, mua chim. Một con chim hay, một con chim xuất sắc được mua bằng một, hai chỉ vàng. Rất trân trọng!”
Hiểu sâu sắc thú chơi chim của cha ông nên không lạ khi mấy chục năm sau ông Sình có thể ngồi tại tư gia, kể cho chúng tôi nghe về thú chơi chim và chuyện ông làm ra những chiếc lồng chim, với rất nhiều trải nghiệm. “Năm 1979, khi mới 11 tuổi tôi đã tự làm được một chiếc lồng chim, bán lại được 5 đồng”.
Lớn lên, như nhiều thanh niên, ông Trần Văn Sình vào bộ đội, rồi xuất ngũ, rồi về quê lấy vợ, sinh con, rồi lao vào cuộc mưu sinh, bằng đủ thứ nghề, từ vào Nam làm rẫy cà phê, trở về quê làm thầu xây dựng, làm nghề trang trí sân vườn, làm ông phó mộc, đủ cả. Năm 2005, ở tuổi 37, sau những mệt mỏi của cuộc sống, ông Trần Văn Sình trở về quê, và trở lại với nghề chế tác lồng chim và nhiều đồ dùng khác từ tre, nứa bằng tất cả sự say mê.
Bước vào dãy nhà tạm ông Sình xây ngoài vườn, trước nhà chính mới hay đây chính là xưởng “chế tác”, nơi 17 năm qua ông ngày ngày ngẫm ngợi, cắt gọt, tỉa tót, lắp ghép những gốc tre, thân tre, rễ tre hay một mẩu gỗ được chất đống, ngổn ngang như một đống củi để từ đó cho “ra lò” những chiếc lồng chim hay nhiều vật dụng khác đầy tính nghệ thuật, nhiều cái sau đó đã được bán với giá mấy chục hoặc cả trăm triệu đồng. Ở đó, ngoài gian đầu dùng để chứa “củi” cũng là nơi ông Sình ngồi sáng tác.
Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trên bộ bàn ghế được chế tác hoàn toàn bằng gốc và thân tre đực già, nhìn mộc mạc, đẹp mắt, uốn lượn tự nhiên nhưng rất chắc chắn, ông Sình cho hay đã mất tổng cộng 18 năm mới làm xong “tác phẩm” này.
Trong đó nhiều năm mới tìm được những thân tre, gốc tre đực có hình thù, kích cỡ, độ uốn lượn phù hợp để làm thành hay chân bàn, ghế vì không thể dùng thân tre thẳng mà uốn cong được. Theo đó, có cái chân ông kiếm được mãi trong tỉnh Hà Tĩnh, có cái thành gặp duyên sang tỉnh Thái Bình ông mới lượm được. Rồi lại phải mất một thời gian dài ngâm tẩm để chống mối mọt, từ đó mới tỷ mẩn cắt, gọt, đấu nối…
Bù lại, ông khoe mình vừa bán được bộ bàn ghế này cho một người yêu nghệ thuật thủ công ở tỉnh Hà Nam với giá 400 triệu đồng, chỉ chờ hết “tháng ngâu” khách sẽ về lấy. Riêng những chiếc lồng chim, ông Sình cho biết cũng phải mất một, hai năm ông mới có thể làm xong. “Thường ngẫm ngợi, có ý tưởng lên khuôn rồi thì phải lang thang đi tìm kiếm vật liệu phù hợp hoặc ngược lại. Mỗi cái lồng tôi đều gửi gắm vào đó một cái tích, cái thì lấy từ sự tích bánh chưng bánh dày, cái thì từ tích mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Không cái nào giống cái nào, hoàn toàn độc bản”.
Thú vị nhất là ông Sình kể, cũng vì cái sự hữu xạ tự nhiên hương mà 2 năm trước ông bất ngờ nhận được lời đề nghị qua email của một doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên kinh doanh các sản phẩm handmade (làm bằng tay), với lời mời ông cung cấp sản phẩm cho họ nhưng phải giao lại bản quyền, đổi lại ông nhận được khoản tiền 3 tỷ đồng. “3 tỷ quý quá nhưng tôi đã từ chối, bởi làm thế khác gì tôi từ bỏ những đứa con của mình”, ông Sình cười mủm mỉm nói.