Triển khai chương trình giáo dục mới thế nào khi còn thiếu giáo viên?

Nguyễn Hoài 02/09/2022 08:29

Thiếu giáo viên trước thềm năm học mới, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Giải pháp tạm thời

Chỉ còn 3 ngày nữa, năm học 2022 - 2023 sẽ chính thức bắt đầu. Công tác chuẩn bị cho năm học mới cơ bản đã được các địa phương hoàn tất để sẵn sàng chào đón các em học sinh trở lại trường.

Năm học này cũng là năm đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở cả ba cấp: Tiểu học ở lớp 1, 2, 3, THCS ở lớp 6, 7 và THPT ở lớp 10.

Tuy đã có nhiều nỗ lực chuẩn bị đội ngũ giáo viên, nhưng nhiều địa phương đến thời điểm này vẫn còn giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ngay trước thềm năm học mới.

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Tại tỉnh Bình Dương, năm học 2022 - 2023, tỉnh đưa vào sử dụng thêm 11 trường, trong đó một trường THCS và 10 trường mầm non ngoài công lập. Số học sinh dự kiến tăng 29.000, tập trung tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Dương thông tin, để theo kịp mức tăng của sĩ số học sinh, Bình Dương cần tuyển bổ sung hơn 3.000 giáo viên, trong đó tiểu học cần 1.200 giáo viên, THCS cần 1.300 giáo viên, THPT cần 118 giáo viên và mầm non là 465 giáo viên.

Ngoài việc tham mưu cho tỉnh về tuyển dụng giáo viên trong năm học mới, bà Hằng cho biết, giải pháp tình thế vẫn phải hợp đồng ngắn hạn, rà soát những viên chức gốc sư phạm đang làm ở các vị trí khác để chuyển sang giảng dạy.

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cho hay, để triển khai chương trình mới, căn cứ vào tình hình đội ngũ, cơ sở vật chất, trường đã tổ chức cho học sinh chọn các tổ hợp môn tự chọn. Từ đó, phân phối học sinh theo lớp, nhóm lớp theo đúng yêu cầu, nguyện vọng của học sinh.

Theo ông Xuân, số học sinh lựa chọn môn Âm nhạc, Mỹ thuật rất ít. Trong khi đó, mặc dù số giáo viên hiện có của trường đủ theo biên chế nhưng lại không có giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật. Vì vậy nhà trường không bố trí dạy 2 môn học này.

“Thay vào đó, trường tính toán, sắp xếp cho số học sinh lựa chọn môn Âm nhạc, Mỹ thuật học tập trung tại một điểm cùng học sinh của các trường khác trên địa bàn cũng lựa chọn 2 môn học này”, ông Xuân cho hay.

Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Thiếu giáo viên trước thềm năm học mới, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, khó có thể đảm bảo chất lượng dạy và học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.

Trong đó, Chỉ thị yêu cầu, Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Đồng thời, có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thiếu giáo viên trước thềm năm học mới, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm của địa phương.

Chỉ thị cũng yêu cầu Bộ Nội vụ trên cơ sở đề xuất của Bộ GDĐT về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, từng cấp học, môn học, rà soát cơ chế, chính sách phân bổ biên chế giáo viên phù hợp hiệu quả; tuyển dụng theo lộ trình sát thực tiễn, trong đó ưu tiên những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

"Các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với Bộ GDĐT và các địa phương để xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn trong giáo dục; ưu tiên các nguồn lực dành cho phát triển giáo dục và đào tạo thực hiện đúng quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu", Chỉ thị nêu rõ.

Nguyễn Hoài