Kích cầu du lịch văn hóa
Để sự hợp tác giữa văn hóa và du lịch hiệu quả, đặc biệt là thu hút khách du lịch quốc tế đang cần sự chung tay, chung sức từ nhiều phía. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Quang Thắng - Trưởng ban Sản phẩm du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam).
Ông Phùng Quang Thắng cho biết, Việt Nam hiện đang sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng trong việc gắn kết với phát triển du lịch, đặc biệt là thu hút du khách quốc tế. Từ cảnh sắc thiên nhiên cho đến cuộc sống của 54 dân tộc ở các địa phương khác nhau đã tạo ra một nền văn hóa bản sắc và cả những độc đáo được kết tinh qua tiến trình lịch sử lâu dài. Đơn cử như văn hóa ẩm thực có ý nghĩa vô cùng to lớn trong xây dựng hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam phong phú, đặc sắc, ngon và dễ thưởng thức phản ánh đời sống văn hóa của một đất nước có nền nông nghiệp cung cấp sản lượng lớn nông sản ra thế giới. Thời gian vừa qua, chúng ta đã thành công trong phát triển du lịch văn hóa tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Sapa, Ninh Bình, Huế, Hội An, TP Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long… đã thu hút hàng triệu khách du lịch từ các thị trường trọng điểm như châu Âu, Úc, Đông Bắc Á. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của du khách đặc biệt là khách quốc tế sản phẩm du lịch cần có tính sáng tạo cao.
PV: Theo ông, du lịch văn hóa tại Việt Nam cần những “cú hích” gì để hướng tới sự phát triển bền vững?
Ông Phùng Quang Thắng: Phát triển kinh tế du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng chúng ta cần một hệ thống sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, sáng tạo để kích thích nhu cầu nhằm đạt được hiệu quả kinh tế đúng với vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và xuất khẩu tại chỗ. Trong hệ thống sản phẩm du lịch tại mỗi giai đoạn phát triển nhất định cần đánh giá và xác định sản phẩm chủ đạo để tạo ra cú huých phát triển du lịch, tạo ra lợi thế cạnh tranh, thương hiệu du lịch, hiệu quả kinh tế và thúc đẩy các loại hình sản phẩm du lịch khác phát triển. Chúng ta không thể phát triển nhiều loại hình mà không đồng bộ, không mang tính chuyên nghiệp, “bức tranh du lịch” không sắc nét… Với những thế mạnh về tài nguyên và các nguồn lực khác, sản phẩm du lịch văn hóa là một trong những sản phẩm chủ đạo cho sự phát triển của du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.
Với du lịch văn hóa, chúng ta xem xét một góc nhỏ về biểu diễn văn hóa nghệ thuật dành cho khách du lịch trong bộ sản phẩm du lịch văn hóa mà nhiều nước đã thành công thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài. Biểu diễn văn hóa nghệ thuật là loại hình có từ bao đời nay với nhiều thể loại khác nhau, tuy nhiên, sản phẩm du lịch gắn với biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam chưa nhiều. Có thể kể đến như Rối nước Thăng Long, Ký ức Hội An, múa cung đình Huế…, còn lại đa số nhiều nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật thường ở qui mô nhỏ. Một trong những lý do là chúng ta chưa thực sự đầu tư cho các sản phẩm, chủ trương đã có tuy nhiên phương pháp chưa đồng bộ, chưa có sự kết hợp chặt chẽ từ hai phía đơn vị văn hóa nghệ thuật và du lịch.
Chúng ta cần phải có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
- Để phát triển du lịch văn hóa, mỗi địa phương cần phải có một vài sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, độc đáo và khác biệt sẽ hình thành nên hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng và bao trùm, giúp cho du khách quốc tế dễ dàng lựa chọn và kéo dài thời gian lưu trú khi đến địa phương. Điều quan trọng hơn cả là đáp ứng kỳ vọng của đa số du khách quốc tế đến để biết về những nét văn hóa đích thực mà nơi cư ngụ của du khách không có. Với xu thế phát triển du lịch dựa trên nhu cầu về văn hóa ngày càng tăng trên thế giới, dựa vào hạ tầng du lịch đã được đầu tư tốt và khả năng tiếp tục đầu tư trong tương lai, dựa vào tiềm năng về tài nguyên du lịch phong phú, tin tưởng rằng tập trung phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo kết hợp với sản phẩm chuyên biệt khác theo hướng sản phẩm du lịch bền vững sẽ giúp cho du lịch Việt Nam phát triển tốt trong giai đoạn hậu Covid-19.
Trân trọng cảm ơn ông!