Từ mùa thu cách mạng đến Lễ Độc lập đầu tiên

Nam Việt 02/09/2022 10:30

Dịp này, cả nước tưng bừng kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2022) và Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2022). Cách đây 77 năm, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân vùng lên đập tan xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến, dựng lên nước Việt Nam mới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Khối cờ Tổ quốc, cờ Đảng tại lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành trên Quảng trường Ba Đình, sáng 2/9/2015.

1. Với ý chí không gì lay chuyển là đánh đổ thực dân phong kiến, giành độc lập cho đất nước, tự do cho giống nòi, ngay từ khi thành lập Đảng (3/2/1930), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng những người cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị lực lượng để khi thời cơ đến sẽ lãnh đạo nhân dân vùng lên giành chính quyền.

Đặc biệt, tháng 5/1941, Đảng ta đã thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm liên hiệp sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tháng 10/1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt... Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”.

Ngày 15/4/1945, hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Tháng 6/1945, quyết định thành lập Khu giải phóng Việt Bắc.

Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1 chỉ rõ: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà… Chúng ta phải hành động nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!… Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”.

Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào trong hai ngày 16 và 17/8/1945 đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa (18/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Sáng ngày 19/8/1945, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận kéo về Quảng trường Nhà hát Lớn và sau đó chiếm Phủ khâm sứ Bắc kỳ, Trại lính Bảo an của Nhật và các cơ sở của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Tại Huế, ngày 23/8/1945, chính quyền đã về tay nhân dân. Ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại giải tán nội các Trần Trọng Kim và chấp nhận thoái vị vào ngày 30/8/1945. Trước đó, ngày 17/8/1945, Khâm sai triều đình Huế, ông Phan Kế Toại ở Bắc kỳ cũng đã ủng hộ Việt Minh. Ông đã dặn quan, lính của mình tuyệt đối không được nổ súng và phải mở cửa ngay khi quân cách mạng tiến vào. Tại Sài Gòn, ngày 25/8/1945, Việt Minh giành được chính quyền.

Về ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”. Người khẳng định: “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”.

Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 vĩ đại đã lật nhào sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân phong kiến. Một trang mới huy hoàng trong lịch sử dân tộc đã mở ra. Khí thế quật cường với “sức dân như nước” của cuộc Tổng khởi nghĩa đã tạo nên sức mạnh vô song để người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng bước tiếp vào những cuộc chiến đấu trường kỳ, đầy hy sinh gian khổ, cho đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975, nước non liền một dải, non sông thu về một mối.

2. Chỉ ít ngày sau khi Tổng khởi nghĩa thành công, ngày 2/9/1945, từ Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào, trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là văn bản pháp lý cực kỳ quan trọng đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Bản Tuyên ngôn cũng là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.

77 năm đã trôi qua, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, để toàn thể nhân dân Việt Nam thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ Độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sáng 2/9 của 77 năm về trước, gió mùa thu dào dạt. Người Việt Nam kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Cả nước hướng về Thủ đô Hà Nội.

Trên tờ Cứu Quốc (ra ngày 5/9/1945) và tờ Trung Bắc Tân văn (ra ngày 9/9/1945), không khí ngày Lễ Độc lập đầu tiên được tường thuật rất chi tiết. Các gia đình lau chùi nhà cửa sạch sẽ, thắp đèn nến sáng trưng, đốt hương trầm nghi ngút. Trên phố, các cửa hàng đón tiếp khách niềm nở, mua hàng hay không cũng mời nước và thuốc lá. Các hiệu cao lâu không những xuống giá còn nhất định bán được bao nhiêu cũng trích ra 50% giúp giải phóng quân. Nhưng cảm động hơn có lẽ là những người buôn bán ít vốn. Một bà mắt cặp kèm bán bát bún riêu đầy mà chỉ lấy một hào, trong khi ngày thường bà bán 3 hào. Khi được hỏi: “Sao cụ tính rẻ quá thế?”, bà đáp: “Hôm nay là ngày Độc lập”.

Trong Tổng tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nxb Quân đội Nhân dân 2011), ông nhớ lại: Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa. Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ. Đồng bào Thủ đô già trẻ, gái trai đều xuống đường. Hàng chục vạn nông dân từ ngoại thành kéo vào. Những chiến sĩ dân quân mang theo côn, kiếm, mã tấu. Có những người vác theo cả những quả chùy đồng, những thanh long đao rút ra từ những giá vũ khí bày để trang trí các điện thờ. Trong hàng ngũ của các chị em phụ nữ nông thôn với những bộ quần áo ngày hội, có những người vấn khăn vàng, mặc áo tứ thân, thắt lưng hoa lý. Cũng chưa bao giờ người nông dân ở những làng xóm nghèo quanh Hà Nội đi vào thành phố với một niềm tự hào như ngày hôm ấy.

“Rộn ràng là các em thiếu nhi. Dù sự giàu nghèo của mỗi gia đình chưa đổi khác, nhưng từ ngày hôm nay, tất cả các em đều trở thành những người chủ nhỏ của đất nước độc lập. Theo nhịp còi của các anh, các chị phụ trách, các em khua rền trống ếch, giậm chân bước đều, hát vang những bài ca cách mạng.

Nắng mùa thu rất đẹp trên Quảng trường Ba Đình, từ giờ phút này đã đi vào lịch sử”.

Về bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đây là bản Tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa giành được độc lập bằng cuộc chiến đấu suốt tám mươi năm của dân tộc. Đây còn là những lời lẽ tâm huyết, đầy cảm kích của đội tiên phong giác ngộ nhất của giai cấp cách mạng nhất, có những người con tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của dân tộc, trước máy chém, trước miệng súng của quân thù, đã từng giật tấm băng đen bịt mắt, hô lớn: “Việt Nam độc lập muôn năm!”.

Cũng trong ngày 2/9 thiêng liêng 77 năm về trước, tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), người dân đổ ra đường với cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”... Tại buổi Lễ Độc lập, ông Trần Văn Giàu (Bí thư Xứ ủy Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ) dõng dạc tuyên bố: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập... Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng”. Bài diễn văn kết thúc bằng lời kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu! Đứng lên! Ngày Độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.

Cả biển người đưa nắm tay lên, nhất loạt hô to: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!” như tiếng sấm vang rền...

77 năm, một chặng đường vinh quang của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, bồi hồi như được sống trong không khí cách mạng của mùa thu Tháng Tám năm ấy, càng tự hào được là con dân của một nước Việt Nam đang trên con đường “bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu”, như lòng mong mỏi thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Nam Việt