Dấu ấn của tinh thần đổi mới
Với tinh thần đổi mới, trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt. Những cán bộ làm công tác Mặt trận đã góp phần tích cực cùng đất nước tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức.
1. Điểm nhấn quan trọng đầu tiên trong hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp phải kể đến việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Thông qua nhiều mô hình hay, cách làm phù hợp trong thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hệ thống Mặt trận các cấp đã khơi dậy sự đồng thuận, ủng hộ của người dân vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước đã có 5 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương. Toàn quốc đã có 5.775/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 764 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống của người dân, sản xuất của doanh nghiệp, các hoạt động vì người nghèo và vận động ủng hộ chương trình an sinh xã hội được Ủy ban MTTQ các cấp triển khai có hiệu quả.
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên và Kho bạc Nhà nước, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được đạt 583 tỷ đồng. Từ các nguồn lực tiếp nhận được, đã phân bổ, hỗ trợ các tỉnh, thành phố và chi mua vaccine phòng Covid-19; phân bổ 32.515 phần quà đại đoàn kết và túi quà an sinh, giúp đỡ hộ gia đình, cá nhân khó khăn khi phải giãn cách xã hội; hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch với số tiền 1.453,7 tỷ đồng; Quỹ vaccine đã chi 690 triệu đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cũng trong 6 tháng qua, Ủy ban MTTQ 4 cấp đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 3.534 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Mặt trận các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 17.766 căn nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ trên 279.000 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ gần 74.000 lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ gần 90.000 lượt người nghèo về phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng hàng trăm công trình dân sinh. Quỹ cứu trợ Trung ương đã phân bổ 17,8 tỷ đồng cho các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, sự cố nghiêm trọng, đảm bảo nguồn Quỹ sử dụng kịp thời, đúng mục đích.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả trên tinh thần bám sát chủ trương mới ban hành năm 2021 tại Chỉ thị số 03 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 28 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết năm 2021 và Hội thảo “Kết nối cung - cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp với một số bộ, ngành để chuẩn bị tổ chức ký kết Chương trình phối hợp về đẩy mạnh Cuộc vận động.
Tại các địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm của địa phương, phối hợp tổ chức các hội chợ, các điểm bán hàng bình ổn giá, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.
Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” được triển khai gắn kết với các phong trào thi đua, cuộc vận động của các tổ chức thành viên, ở cơ quan, đơn vị, địa phương; tiếp tục phát huy, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tuyển chọn, giới thiệu các công trình sáng tạo khoa học tiêu biểu trong nhân dân.
2. Không chỉ triển khai hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, MTTQ các cấp cũng để lại những điểm nhấn quan trọng khi công tác tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngày càng thực chất, hiệu quả.
Với sự chủ động, hệ thống MTTQ các cấp từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt triển khai các nội dung giám sát và phản biện xã hội theo kế hoạch năm. Đến hết tháng 6/2022, UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì thực hiện 5 nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực, vụ việc có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân như: Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên; Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); Giám sát việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Tại các địa phương, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để giám sát các chuyên đề liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Trong 6 tháng qua, MTTQ các cấp đã tổ chức giám sát 7.728 cuộc, kiến nghị 13.345 nội dung; đã có 12.756 phúc đáp của cơ quan có thẩm quyền về kết quả xử lý, giải quyết, trả lời.
Cùng với những con số ấn tượng trong công tác giám sát, hoạt động phản biện xã hội cũng được MTTQ các cấp thực hiện đồng bộ với nhiều chuyển biến tích cực. Ở Trung ương, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hoàn thành 2 trong 4 nội dung theo kế hoạch phản biện xã hội năm 2022; tổ chức góp ý nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Theo báo cáo của 59/63 tỉnh, thành phố, Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức phản biện xã hội 1.450 cuộc, đã kiến nghị 28.435 nội dung; đã có 22.583 phúc đáp của cơ quan có thẩm quyền về kết quả tiếp thu ý kiến phản biện.
Việc tham gia xây dựng, hoàn thiện Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” của Bộ Chính trị; xây dựng Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” được triển khai tích cực, chủ động.
3. Năm 2022 cũng ghi dấu ấn nổi bật trong hoạt động của MTTQ Việt Nam khi công tác kiện toàn tổ chức - cán bộ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu tình hình mới và công tác kiểm tra, rà soát, thực hiện công tác tổ chức cán bộ được triển khai nghiêm túc, bảo đảm quy định của pháp luật. Song song với đó, việc đề xuất hoàn thiện cơ chế làm việc và các điều kiện đảm bảo hoạt động của Mặt trận tiếp tục được quan tâm, chú trọng.
Với những giải pháp căn cơ, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị về “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam” góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam tương xứng với vị trí pháp lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới.
Cùng với đó, công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, phối hợp với chính quyền tiếp tục được tăng cường. Ở cấp Trung ương, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp với Chủ tịch nước năm 2021; phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết quy chế phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2021; phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai xây dựng Nghị quyết liên tịch ban hành Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (thay thế Nghị quyết liên tịch số 19/2008/NQLT/CP-UBTƯMTTQ Việt Nam ngày 22/8/2008).
Đặc biệt, công tác phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, nhất là 5 tổ chức chính trị - xã hội, 9 tổ chức xã hội có Đảng đoàn được tăng cường theo hướng nêu cao vai trò chủ trì của Mặt trận và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nổi bật như trong công tác tham gia phòng, chống Covid-19; trong giám sát, phản biện xã hội; thông tin, tuyên truyền về các sự kiện chính trị, các phong trào thi đua, các cuộc vận động...
4. Những tháng cuối năm 2022, đất nước ta tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng hành của người dân. Để hoàn thành nhiệm vụ công tác đặt ra, trên cơ sở 9 nhiệm vụ trọng tâm được thống nhất tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba, khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua phục hồi phát triển kinh tế để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước năm 2022.
Trong những tháng cuối năm, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng yêu cầu hệ thống Mặt trận cần xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thật tốt các hoạt động trong Tháng cao điểm Vì người nghèo; xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) theo hướng thiết thực, hiệu quả và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó, các tổ chức thành viên và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch để vận động chăm lo Tết Nguyên đán cho đoàn viên, hội viên và một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến lưu ý, cùng với việc tập trung hoàn thành các nội dung giám sát và phản biện xã hội theo kế hoạch năm 2022, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần tổ chức tốt việc xây dựng kế hoạch năm 2023, đề xuất những nội dung cần hiệp thương phối hợp thống nhất hành động, nhất là đề xuất những nội dung triển khai các chương trình giám sát và phản biện xã hội.
Nhấn mạnh tới việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, giải pháp căn cơ nhất phải bắt đầu từ tổ chức bộ máy. Trên tinh thần này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ động đề xuất chủ trương xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức, bộ máy, biên chế của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam để trình Bộ Chính trị phê duyệt.
Theo người đứng đầu Mặt trận, trong quá trình hoàn thiện Đề án quan trọng này phải đảm bảo nguyên tắc vừa có tính kế thừa, vừa có tính đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác Mặt trận trong tình hình mới, đồng thời khắc phục triệt để những bất cập, chưa phù hợp trong giai đoạn vừa qua.
Nội dung của Đề án cũng mong muốn thực hiện đúng Cương lĩnh chính trị mà Đảng đã xác định, trong điều 9 Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam, Điều lệ Mặt trận để MTTQ Việt Nam thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân.