Báo Cứu Quốc và bản Tuyên ngôn Độc lập
Cách đây đúng 77 năm, Báo Cứu Quốc, tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết có trách nhiệm và vinh dự đặc biệt là đăng toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại số báo 36 ra ngày 5/9/1945. Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại Ba Đình, Hà Nội, đã tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới về quyền độc lập, đánh dấu mốc son lịch sử - niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Và đó cũng là dấu mốc lịch sử của Báo Cứu Quốc- Giải Phóng- Đại Đoàn Kết- tờ báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hành trình 80 năm phát triển.
Báo Cứu Quốc số ra ngày 5/9/1945 đã đăng toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Báo cũng đăng lời Tuyên thệ của Chính phủ lâm thời và Lời thề của Quốc dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đó là những tài liệu vô cùng quý giá ở một thời điểm thiêng liêng của dân tộc và cách mạng; có giá trị lớn lao đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam và khoa học lịch sử, với lịch sử Đảng, lịch sử Nhà nước cách mạng Việt Nam và đối với nhiều ngành khoa học xã hội khác.
Ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc - cơ quan cổ động của Tổng bộ Việt Minh đã ra số đầu tiên, tại làng Xuân Kỳ, nay thuộc xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tờ báo được sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trường Chinh và từ năm 1944 là đồng chí Xuân Thủy. Kể từ đó cho tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong điều kiện hoạt động bí mật, thiếu thốn mọi bề nhưng Báo Cứu Quốc đã có đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa.
Báo Cứu Quốc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc. Tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Việt Minh. Cổ vũ, hướng dẫn xây dựng tổ chức Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc ở địa phương, cơ sở, nhà máy, xí nghiệp. Nêu gương các phong trào đấu tranh, tuyên truyền về các đội Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Giới thiệu bản Đề cương về văn hóa Việt Nam và hội văn hóa cứu quốc để tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa tham gia cách mạng. Khi Nhật đảo chính gạt Pháp khỏi Đông Dương, Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Báo Cứu Quốc động viên toàn dân tham gia sắm vũ khí đuổi thù chung, phá kho thóc của Nhật để cứu đói, hưởng ứng chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh. Đóng góp tài chính cho Việt Minh với phong trào Đồng tiền cứu nước. Hành động theo thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Lãnh tụ Hồ Chí Minh (18/8/1945) và nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng, Quốc dân đại hội Tân Trào.
Theo cuốn Lịch sử xây dựng và phát triển Báo Đại Đoàn Kết (1942-2012), từ đầu năm 1942 đến Tổng khởi nghĩa thành công tháng 8 năm 1945, Báo Cứu Quốc ra được 30 số (năm 1942-1943: 9 số, năm 1944: 9 số, năm 1945: 12 số). Chỉ với 30 số báo nhưng Cứu Quốc có quyền tự hào vì đã đóng góp vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, giành độc lập tự do cho cách mạng. Trong đấu tranh hoạt động bí mật, Báo Cứu Quốc phải chuyển địa điểm nhiều lần. Nhưng với sự đùm bọc của nhân dân, của các tổ chức Đảng và Mặt trận, với tư cách là người chiến sĩ cách mạng, những người làm Báo Cứu Quốc đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà mốc son chói lọi là Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Báo Cứu Quốc chuyển về nội thành Hà Nội đặt trụ sở tại số 114, phố Hàng Trống (nay là số 44 Lê Thái Tổ), đây cũng là trụ sở liên lạc của Tổng bộ Việt Minh. Bắt đầu từ ngày 24/8/1945, Báo Cứu Quốc xuất bản công khai tại Hà Nội, trong đó tích cực góp phần tuyên truyền ổn định tình hình chính trị, xã hội, chuẩn bị cho việc công bố danh sách Chính phủ lâm thời và ngày lễ Tuyên bố độc lập 2/9/1945.
Sau ngày lễ Độc lập, với trách nhiệm và cũng là niềm tự hào, Báo Cứu Quốc số ra ngày 5/9/1945 đã đăng toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Báo cũng đăng lời Tuyên thệ của Chính phủ lâm thời và Lời thề của Quốc dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đó là những tài liệu vô cùng quý giá ở một thời điểm thiêng liêng của dân tộc và cách mạng; có giá trị lớn lao đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam và khoa học lịch sử, với lịch sử Đảng, lịch sử Nhà nước cách mạng Việt Nam và đối với nhiều ngành khoa học xã hội khác.
Đất nước mới độc lập, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, quân Pháp đánh Sài Gòn ngày 23/9/1945 và mở rộng ra cả Nam Bộ. Các thế lực phản động trong nước ra sức chống phá hòng lật đổ chính quyền cách mạng. Đất nước lại rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, Đảng Cộng sản Đông Dương phải rút vào hoạt động bí mật (11/11/1945), lúc này Báo Cứu Quốc, tờ báo chính trị có uy tín tham gia vào việc tuyên truyền, hướng dẫn chủ trương, chính sách của Chính phủ, Mặt trận và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phần lớn các bài viết quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng, đối nội đối ngoại, đều được Báo Cứu Quốc đăng đầy đủ. Từ số 36 (5/9/1945) đến số 434 ngày 13/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 149 bài viết quan trọng, có ý nghĩa chỉ đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trên Báo Cứu Quốc.
Về xây dựng, củng cố chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh có các bài “Cách thức tổ chức các Ủy ban Nhân dân” đăng số 40; “Chính phủ là công bộc của dân” đăng số 46; “Sao cho được lòng dân” đăng số 66. Đặc biệt , Người có “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện, làng” đăng số 69, trong thư Người chỉ ra 6 căn bệnh trong bộ máy chính quyền: trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, cần phải kiên quyết sửa chữa.
Nhớ lại những ngày làm Báo Cứu Quốc, Nhà báo lão thành cách mạng Thái Duy, người duy nhất ở thời điểm này, từng làm việc ở cả 3 tờ báo Cứu Quốc- Giải Phóng- Đại Đoàn Kết, cho biết: “ Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Bác viết nhiều trên Báo Cứu Quốc. Tôi lấy ví dụ, trong “Thư gửi chính quyền cách mạng cả nước” lúc đó, Nhà nước ta mới thành lập có 17 ngày, Bác khen có 2 câu, còn lại 36 câu là chê. Bởi vì Nhà nước ta mới thành lập có 17 ngày mà từng này tội có khổ không “xe công ông cũng đi, bà cũng đi, các cô các cậu cũng đi. Xe công là xe của cả gia đình”. Rồi thành lập chính quyền, nơi nào cũng thành lập chính quyền nhưng chỉ dùng con cháu anh em, còn người tài giỏi không phải là họ hàng thì không dùng”.
Sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, chăm lo đời sống nhân dân, chống “giặc đói” “giặc dốt” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Những chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng đều được đăng trên Báo Cứu Quốc. Điều đó cho thấy rõ vai trò, vị trí của Báo Cứu Quốc và sự tín nhiệm của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cứu Quốc- một tờ báo cách mạng có bản lĩnh kiên cường và tinh thông về nghề.
Cứu Quốc có bản lĩnh kiên cường trước tiên là bởi những người sáng lập và trực tiếp làm Báo Cứu Quốc. Đứng đầu phải kể đến người sáng lập ra báo-Nhà cách mạng, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam- Nguyễn Ái Quốc, kế đó là đồng chí Trường Chinh- Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp là Tổng biên tập. Cùng làm Báo Cứu Quốc và nối tiếp nhau làm Tổng biên tập theo sự phân công đó là các nhà hoạt động cách mạng đồng thời là các cây viết tên tuổi như Lê Quang Đạo, Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê, Hồng Hà, Nguyễn Ngọc Kha...
Trước yêu cầu xây dựng một tờ báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đầu năm 1964, một đoàn cán bộ của Báo Cứu Quốc đã được điều vào miền Nam làm nòng cốt để xây dựng Báo Giải Phóng- Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đầu năm 1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết ngày nay.
Lịch sử của Báo Cứu Quốc- Giải Phóng- Đại Đoàn Kết đã gắn liền với lịch sử cách mạng và lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, báo luôn phấn đấu, nỗ lực phản ánh đầy đủ, chân thực đời sống xã hội qua từng giai đoạn lịch sử; kêu gọi, tập hợp quần chúng, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện những nhiệm vụ mà cách mạng đặt ra, đáp ứng sự tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước, sự tin yêu của những người làm công tác Mặt trận.