Những bàn tay thêu cờ Tổ quốc
Những lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển khơi, nơi miền biên viễn, rợp một màu đỏ trong những trận túc cầu của tuyển Việt Nam, phấp phới trên những con phố, rực rỡ tại những khu chung cư và đặc biệt trong rừng cờ tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945… Trong những lá cờ ấy có nhiều lá cờ được làm ra từ bàn tay của người dân làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Giữ hồn cho lá cờ Tổ quốc
Với mỗi người dân, dù ở bất cứ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn là đại diện cho niềm tự hào Việt Nam, khơi dậy hai tiếng quê hương trong mỗi người con đất Việt. Vào mỗi sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, hình ảnh lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên phố phường khiến lòng người cảm thấy hân hoan. Thân thuộc là vậy, thế nhưng, ít ai biết được chính xác về nơi sản xuất ra những lá cờ đỏ thắm ấy.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, ngoài vẻ đẹp mộc mạc, bình dị như bao làng quê khác, làng Từ Vân, là nơi tạo ra hàng triệu lá cờ Tổ quốc để rồi sau đó chắp cánh bay đi khắp mọi miền của đất nước. Trước những ngày lễ lớn, không khó để bắt gặp cảnh các gia đình mải miết với việc may cờ. Tiếng máy khâu dồn dập đã trở thành những âm thanh quen thuộc của làng quê rợp bóng cờ hoa này.
Theo các cụ cao niên trong làng, từ thế kỷ thứ 16, làng Từ Vân đã nổi tiếng bởi các sản phẩm về dệt, thêu. Trong số những người con của làng, không ít người đã mang nghề đi khắp nơi để lập nghiệp. Trong số ấy, có những người mang sản phẩm đến phố Hàng Bông, Hàng Gai của Hà Nội để mở bán. Tháng 8/1945, để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa, Ủy ban kháng chiến đã mời các nghệ nhân của làng Từ Vân thêu, làm cờ Tổ quốc.
“Đó là cụ, ông bà của chúng tôi. Sau đó những nghệ nhân này được tuyển vào Hợp tác xã Cờ đỏ nằm ở phố Hàng Bông. Đó là thời khắc lịch sử và cũng là dấu mốc khai sinh ra nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân chúng tôi” - bà Nguyễn Thị Thiết (71 tuổi, người làng Từ Vân) cho biết.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày Quốc khánh 2/9/1945, trong dòng người náo nức với rừng cờ phấp phới trên quảng trường Ba Đình có hàng vạn lá cờ được thêu dệt nên từ bàn tay tài hoa của những người thợ làng Từ Vân. Người làng nhớ lại, sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946) cả làng Từ Vân vẫn tiếp tục may cờ để đưa lên chiến khu cách mạng. Họ âm thầm thêu những ngôi sao năm cánh với tất cả tấm lòng của mình cùng niềm tin cách mạng chiến thắng.
77 năm đã trôi qua, những ký ức hào hùng về ngày lịch sử vẫn chảy mãi trong huyết quản của dân làng. Chính vì vậy, trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của thời gian, đến nay, làng Từ Vân vẫn còn giữ nguyên nghề truyền thống. Những đôi bàn tay vẫn ngày đêm miệt mài bên tấm vải đỏ, cần mẫn làm nên những lá cờ Tổ quốc. Thậm chí, trong làng có nhiều gia đình đã 4 đời gắn liền với nghề may cờ.
Ông Nguyễn Hồng Hưởng (chủ một cơ sở may ở làng Từ Vân) cho biết, làng xuất phát từ nghề thêu, nên dường như ai cũng làm nghề, tuy nhiên cơ sở sản xuất lớn chỉ có gia đình ông và 1 gia đình nữa. “Nghề này ở đây chủ yếu là cha truyền con nối, các thế hệ cứ thế nối tiếp nhau.
Vừa thoăn thoắt những mũi chỉ thêu màu vàng để dệt nên ngôi sao năm cánh trên lá cờ, chị Nguyễn Vân Anh - một nghệ nhân trẻ may cờ chia sẻ: “Tôi biết thêu từ nhỏ, cứ nhìn bố mẹ làm thế nào thì làm theo thế. Đến nay cũng gần 20 năm thêu và may cờ rồi. Trước đây thì thêu tay, nhưng khoảng 4 – 5 năm trở lại đây thì có máy, nên cũng đỡ tốn công sức và hiệu quả hơn nhiều. Giờ thêu tay chỉ khi khách đặt thì mới thêu thôi, chứ phần lớn là làm máy”.
Bà Nguyễn Thị Thiết, 71 tuổi cho biết, trước đây, để làm hoàn thiện được một lá cờ Tổ quốc phải mất cả tuần. Từ công đoạn chọn, cắt vải đến việc thêu. “Nhìn thì nhàn nhã thế thôi nhưng để cắt được 1 súc vải, cả chục lá cờ cần phải có bàn tay khỏe mạnh. Ngoài ra, việc thêu ngôi sao phải rất tỷ mỉ và đều tay. Chỉ sao nhãng một đường chỉ là phải tháo ra thêu lại” – bà Thiết chia sẻ.
Cháy mãi ngọn lửa truyền thống
Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc nên may cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải khéo léo, cẩn thận. Nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu… “Lá cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp. Để hoàn thành một lá cờ đạt tiêu chuẩn, phải qua 10 công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mỉ, chỉ cần một đường cắt lệch, là hỏng, phải loại bỏ” - bà Thiết cho biết.
Theo chia sẻ của chị Vân Anh, loại vải để thêu cờ thường đặt mua từ làng La Khê (Hà Đông) còn chỉ thêu được mua từ làng Triều Khúc (Thanh Trì). “Thêu tay rất kỳ công và tỉ mỉ. Lá cờ khi hoàn thành không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà sắc nét, chắc chắn hình ảnh ngôi sao vàng phải đẹp, nổi bật trên nền cờ đỏ. Ngày trước, bố tôi làm nghề này rồi truyền lại cho tôi. Tôi đã học nghề từ năm chưa đầy 10 tuổi, đến khi đi lấy chồng cũng mang nghề đi theo” – chị Vân Anh chia sẻ.
Vẫn đều tay với những đường kim, mũi chỉ, chị Vân Anh kể về làng nghề trong niềm hãnh diện “Mỗi năm, cứ đến dịp lễ, Tết, nhà nào cũng phải tăng nhân công để kịp tiến độ sản xuất phục vụ nhu cầu người dân, tổ chức. Khung cảnh làng lúc nào cũng nhộn nhịp, người già, người trẻ đều ríu rít vừa vui vừa tự hào”.
Điều chúng tôi cảm nhận rõ nét nhất ở đây là lá cờ Tổ quốc với mỗi người đã trở thành hình ảnh quen thuộc ngay từ khi lọt lòng. Từ khi sinh ra, những lá cờ đỏ sao vàng đã in sâu trong tâm trí họ. Với mong muốn truyền nghề lại cho thế hệ đi sau, nhiều gia đình đã dạy con làm quen với nghề từ khi còn nhỏ.
Nhiều năm trôi qua, những lá cờ được làm ra từ bàn tay của những người thợ Từ Vân vẫn bền bỉ, óng đẹp theo thời gian, tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là niềm tự hào và cũng chính là niềm tin nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân sẽ tồn tại mãi với thời gian.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, ngoài vẻ đẹp mộc mạc, bình dị như bao làng quê khác, làng Từ Vân, là nơi tạo ra hàng triệu lá cờ Tổ quốc để rồi sau đó chắp cánh bay đi khắp mọi miền của đất nước. Trước những ngày lễ lớn, không khó để bắt gặp cảnh các gia đình mải miết với việc may cờ. Văng vẳng trong tiếng máy khâu dồn dập đã trở thành những âm thanh quen thuộc của làng quê rợp bóng cờ hoa này.