Nỗ lực để mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng

H. Hương – Y.Thanh (thực hiện) 04/09/2022 08:00

Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đang tăng tốc, nhờ khu vực chế biến chế tạo đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Dự báo GDP tăng trưởng mạnh, lên mức 7,5% trong năm 2022, lạm phát tăng trung bình dưới 4%. Với các dư địa tăng trưởng sẵn có, giới chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý và Chính phủ cần tiếp tục triển khai các nguồn lực để giảm thiểu tác động xã hội bất lợi và phòng ngừa những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng.

Các doanh nghiệp nỗ lực vào guồng để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: Quang Vinh

Xung quanh những mục tiêu về con số tăng trưởng, Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trò chuyện cùng các chuyên gia kinh tế: PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, TS Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, TS Tô Hoài Nam – Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).

Kinh tế đang trên đà phục hồi

Các ông đánh giá như thế nào về đà phục hồi của nền kinh tế trong 8 tháng vừa qua?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Đà phục hồi của DN trong thời gian qua rất tốt, với số liệu đến tháng 8 cho thấy, các DN đã gần như hồi phục trở lại với đà tăng trưởng tương đương trước khi xảy ra khủng hoảng dịch Covid-19. Bởi vậy, về vấn đề này, không cần quá lo lắng. Dữ liệu thăm dò trong cộng đồng DN công nghiệp, chế biến, chế tạo cho thấy, 85% DN được khảo sát nói rằng quý III tăng trưởng tốt hơn trong quý II. Như vậy có nghĩa là mức độ này tốt hơn năm 2019.

Thứ hai nhìn thấy là chúng ta giữ ổn định được đồng VNĐ, đồng VNĐ tăng giá tự nhiên tốt hơn đồng bảng Anh, đồng Euro. Như vậy nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy được sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và họ sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Bằng chứng là giải ngân FDI tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, họ đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tốt.

Thứ ba, tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đạt 16, 1%, và tăng trưởng nhập khẩu là 13,6%. Như vậy tăng trưởng xuất nhập khẩu đang tốt, mặc dù tháng 7 tăng trưởng xuất khẩu có chậm hơn so với 6 tháng đầu năm nhưng lý do chính là các quốc gia tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhu cầu tiêu dùng của thế giới giảm sút. Thời gian tới, các DN tiếp tục mở rộng xuất nhập khẩu là điều hoàn toàn có thể kỳ vọng.

Tiếp nữa, khu vực dịch vụ tăng trưởng mấy trăm phần trăm so với năm ngoái dù lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chưa được như năm 2019 nhưng đây cũng là lực đẩy thúc GDP tăng. Cuối cùng là, tiêu dùng đã tăng gần trở lại với mức năm 2029. Tất cả các dữ liệu nói trên cho thấy đà hồi phục rất tốt.

TS Tô Hoài Nam: Việt Nam bước vào năm 2022 trong bối cảnh đại bộ phận DN đều bị tổn thương do phải chịu sự tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, "sức khỏe" của cả DN lẫn người lao động đã bị "bào mòn".

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam và sức bật của cộng đồng DN Việt Nam vẫn là điểm sáng, thể hiện sức bền bỉ, dẻo dai, khả năng thích ứng linh hoạt trước những tác động của đại dịch Covid-19.

8 tháng đầu năm 2022 cũng là 8 tháng đầu của quá trình Việt Nam phục hồi kinh tế, đồng thời cũng là thời điểm thế giới tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu, theo xu hướng không tập trung, không phụ thuộc vào một quốc gia nhất định, để hạn chế rủi ro khủng hoảng thiếu hụt hàng hóa.

8 tháng đầu năm với những kết quả cụ thể đạt được trong sự tăng trưởng của nhiều chỉ số kinh tế, có thể đánh giá một cách chung nhất là phần lớn các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam đều có bước tăng trưởng và trở lại hoạt động bình thường, phần lớn đều đạt ở mức phục hồi 80-90% trong "điều kiện bình thường mới".

Theo nghiên cứu khảo sát của VINASME, các DN nhỏ và vừa đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong thời gian qua đều là những DN dám hành động quyết liệt. Trong thời gian tới, các DN nhỏ và vừa cần tiếp tục hành động mạnh mẽ, khi cần phải dám tranh luận để đòi quyền được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ mà Nhà nước đã ban hành.

TS Cấn Văn Lực: Trong bối cảnh DN, người dân và cả nước đang nỗ lực phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch Covid-19 dù môi trường quốc tế vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức, các gói chính sách hỗ trợ theo kế hoạch chung và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành từ đầu năm đang dần lan tỏa vào cuộc sống.

Nhờ các chính sách kiểm soát dịch bệnh linh hoạt, chính sách tài khóa với giảm, giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, ổn định chi phí đầu vào cho DN (như giảm thuế, phí đối với xăng dầu) đã giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm tăng 8,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức 7,9% của cùng kỳ năm 2021 và dần tiệm cận mức 9,4% của cùng kỳ năm 2019, mức trước đại dịch. Tiêu dùng trong nước phục hồi nhờ môi trường vĩ mô được duy trì ổn định và các chính sách giảm thuế (giảm thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường…).

“Thế giới quay cuồng đối phó với dịch bệnh, khủng hoảng dẫn đến đứt gãy nguồn cung, lạm phát giá cả tăng cao, chính trị - xã hội bất ổn. Trong khi ở Việt Nam, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chúng ta duy trì tốt các chuỗi cung ứng, giá cả cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục có những bước tăng trưởng, ngân sách thu cao, xuất nhập khẩu các tháng đầu năm được 450 tỷ USD. Khả năng năm nay, nước ta sẽ là 1 trong 10 nước có cán cân thương mại tốt nhất thế giới” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Tăng trưởng kinh tế phục hồi khá, đặc biệt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 – 2023 được đẩy nhanh đã và đang tạo cơ hội cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Đối với chương trình hồi phục phát triển kinh tế, chúng ta đã có những chính sách như giảm thuế VAT 2%, từ đó kéo theo 70- 80% hàng hóa được giảm giá, dẫn tới tiêu dùng gia tăng. Giá hàng hóa giảm sẽ giảm sức ép lạm phát. Chúng ta cũng đã thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% cho 11 ngành trong năm 2022, và đây là một trong những điều làm cho hoạt động huy động vốn của DN giảm, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó chúng ta cũng thực hiện các gói hỗ trợ cho an sinh xã hội và đạt được kết quả tương đối tốt.

Gói kích thích đầu tư công đang có vấn đề nhưng với sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành thì thời gian còn lại của năm 2022, hy vọng chúng ta đẩy mạnh được tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Thực sự đây là bài toán khó nhưng đầu tư công là “vốn mồi lớn” của nền kinh tế, khi dòng vốn này được khơi thông sẽ hút được một lượng lao động và nhân công lớn, tạo tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế.

Thực ra tôi cũng đã nói nhiều lần rằng, chúng ta không cần gói hỗ trợ nào nữa chỉ cần thực hiện các chính sách năm 2021 bao gồm các chính sách miễn, giảm thuế, chính sách tài khóa hiệu quả thì tăng trưởng của năm nay sẽ vẫn rất tốt.

“Các ngành đang phục hồi mạnh như du lịch, dịch vụ đang rất khó vì thiếu hụt nhân lực. Làn sóng dịch chuyển FDI toàn cầu sau dịch Covid-19 cũng đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn nhân lực để nắm bắt làn sóng này. Để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, cần có giải pháp lớn của Chính phủ, trong đó rất cần sự than gia của DN để bảo đảm thực hiện mô hình kết nối Nhà nước – Nhà trường – DN trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực. Đề nghị tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực mà DN vẫn còn gặp nhiều phiền hà như đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường…” - Chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công.

Tăng trưởng kinh tế vượt mức 7,5%?

Các ông có khuyến nghị gì để DN giữ được đà phục hồi và có thể tăng cường mở rộng đầu tư hơn nữa?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết cộng đồng DN vẫn chú ý đến phòng, chống dịch bệnh. Thời điểm chuyển mùa có nhiều biến động thời tiết và các loại dịch bệnh vẫn có thể quay lại, thậm chí dịch Covid-19 cũng có thể quay lại bất kỳ lúc nào, do vậy các DN cần nâng cao ý thức cảnh giác với các dịch bệnh nói chung. Thực tế cho thấy, nhiều DN đang có tư tưởng chủ quan, lơ là với dịch bệnh.

Chúng ta cố gắng đưa giá cả mặt hàng về mức chấp nhận được, cố gắng giữ ổn định cán cân vĩ mô. Tôi cho rằng, nếu không giữ được ổn định lãi suất cho vay sẽ khó ổn định và tăng trưởng.

Về phía các DN, cần liên doanh, liên kết với nhau tạo thành chuỗi sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng sức cạnh tranh. Đồng thời DN cũng phải đẩy mạnh số hóa trên cơ sở đó góp phần tạo liên kết bền vững, giảm chi phí thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh.

DN cũng cần tìm cách mở rộng đầu tư tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã ký kết. Làm các thủ tục đảm bảo yêu cầu để hưởng ưu đãi từ FTAs. Thời gian gần đây một số quốc gia có tốc độ tăng trưởng suy giảm, tốc độ nhập khẩu giảm sút, người dân tiêu dùng thắt lưng buộc bụng thì DN phải mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm thị trường. Ở đây vai trò của hiệp hội, ngành hàng rất quan trọng để giúp DN mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu, không phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường nào thì chúng ta mới đạt tăng trưởng cao, đương nhiên kèm theo đó, Chính phủ cũng phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Ông Tô Hoài Nam: Thứ nhất, Chính phủ cần xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu cho ổn định kinh tế vĩ mô và việc làm; khuyến khích mọi hình thức tạo việc làm là bài toán an sinh xã hội cho hàng chục triệu lao động và gia đình. Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng, không thể xem nhẹ, do dự hay chậm trễ. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh doanh, trong đó tăng cường tư pháp và thực thi pháp luật được coi là biện pháp trung tâm của cải cách môi trường pháp lý kinh doanh. Bởi lẽ, kinh doanh và kinh tế thị trường đòi hỏi sự chắc chắn của pháp luật.

Theo tôi, các gói kích thích kinh tế để ngăn chặn suy giảm là rất cần, nhưng không nhất thiết phải "một mũi tên trúng nhiều mục tiêu". Có thể trong một số gói phải thiết kế cẩn trọng hơn với phương châm "một mũi tên chỉ cần trúng một mục tiêu" sẽ an toàn hơn.

Để hỗ trợ DN thời gian tới, nhà quản lý cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, thực hiện việc cấp bù lãi suất để thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các DN nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo, chuỗi liên kết…

Thứ hai, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023. Đồng thời cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho DN nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi, qua đó hỗ trợ kịp thời DN trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

Thứ ba, nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho DN nhỏ và vừa và 5,2 triệu hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ các đối tượng này thích ứng với môi trường kinh doanh số. Thứ tư, thực hiện hỗ trợ qua hình thức mua sắm công đối với gói thầu xây dựng dưới 5 tỷ đồng và mua sắm hàng hóa dịch vụ dưới 3 tỷ đồng sử dụng ngân sách phải dành cho các nhà thầu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Đối với những gói thầu đòi hỏi năng lực khoa học công nghệ quá cao hoặc giá gói thầu xây dựng trên 5 tỷ đồng và mua sắm hàng hóa dịch vụ trên 3 tỷ đồng, thì ưu tiên các nhà thầu có sử dụng nhà thầu phụ là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Đồng thời, triển khai nhanh chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quy định. Nếu được hỗ trợ đầy đủ, khu vực này sẽ khởi nguồn cho đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, cũng chính là phương án khả thi nhất cho Việt Nam có thể đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ từ các viện, trường vào thực tế.

Cũng cần tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước mạnh dạn đầu tư thành lập các khu, cụm vườn ươm khởi nghiệp...

Tôi nghĩ phải tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên hai phương diện ban hành chính sách pháp luật và thực thi.

TS Cấn Văn Lực: Mặc dù Chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội và Chính phủ ban hành khá sớm, từ tháng 1/2022, nhưng một số cấu phần còn chậm. Cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng (quy mô 113 nghìn tỷ đồng) được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phục hồi kinh tế, song đến nay vẫn chưa thể triển khai với nhiều nguyên nhân như giá nguyên vật liệu (sắt, thép, xi măng…) tăng cao ảnh hưởng tới khâu dự toán đầu tư; công tác chuẩn bị đầu tư của bộ, ngành, địa phương còn chậm; quy trình, thủ tục cần thực hiện theo luật đầu tư công.

Ngoài ra, việc triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn vướng mắc do hướng dẫn thực hiện chưa chi tiết hoặc chậm trễ trong triển khai tại các địa phương. Tổng số lao động dự kiến hỗ trợ tiền thuê nhà khoảng 3,4 triệu người với quy mô 6.600 tỷ đồng, nhưng tới nay sau hơn 3 tháng các địa phương mới hỗ trợ được khoảng 1,2 triệu lao động, với tổng giá trị giải ngân gần 1.000 tỷ đồng (đạt khoảng 15%).

Rõ ràng khâu triển khai đang có khúc mắc. Trong thời gian tới, cần đặc biệt chú trọng khâu này nhằm nâng cao hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như làm giảm rủi ro “lệch pha” chính sách.

Ngoài ra, cần tiếp tục phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, giữ ở mức khoảng 4% trong năm nay. Cùng với đó là ổn định tỷ giá, lãi suất cũng là để ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra.

DN cũng cần tìm cách mở rộng đầu tư tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã ký kết.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ nâng mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 lên 7%, cao hơn 0,5% ngưỡng mục tiêu cao mà Quốc hội giao và Chính phủ đề ra?

TS Cấn Văn Lực: Tăng trưởng GDP cả năm 2022 được dự báo sẽ ở mức 6,8 – 7,1%. Thậm chí, trong kịch bản tích cực tăng trưởng GDP có thể đạt 7,3-7,6% nếu Chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện tốt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến sự Nga – Ukraine và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến trình cải cách và chuyển đổi số.

Với kịch bản tiêu cực, nếu rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, dịch bệnh bùng phát trở lại, Chương trình phục hồi chậm triển khai, các động lực tăng trưởng không được thúc đẩy mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam năm 2022 dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 6,3 – 6,6%.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thời gian còn lại của năm nếu giá xăng dầu và giá nguồn cung nguyên vật liệu diễn biến như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao và các DN Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các FTAs, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7,0% - 7,5%.

Còn trường hợp giá dầu thô hạ xuống thấp hơn, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng… thì tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8% - 8,4%.

Riêng về mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội, tôi vẫn nhấn mạnh rằng cần phòng ngừa biến chủng mới của dịch Covid-19. Đây là tiền đề để ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Đồng thời Chính phủ phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn!

Gần 92% DN cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý III/2022; 85% DN chế biến, chế tạo dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý II/2022.

Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, số DN gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130.000 DN, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số DN rút lui khỏi thị trường; Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37 % so với cùng kỳ năm 2021. H.Hương

H. Hương – Y.Thanh (thực hiện)