Việt Nam trước cơ hội giàu và mạnh từ biển

Ái Châu (thực hiện) 03/09/2022 09:00

Ngày 2/9/2022 đánh dấu 77 năm nước Việt Nam độc lập ra đời - một chặng đường vinh quang trong những chặng đường vinh quang của lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Để gìn giữ thành quả đó, người Việt Nam hôm nay nhất định phải có lý tưởng kiến tạo nền hòa bình đời đời bền vững cho đất nước mình và cho thế giới, để cùng phát triển. Trong đó, trọng tâm không thể thiếu là một chiến lược phát triển kinh tế biển mà ở đó mọi tầng lớp người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ có lý tưởng phát triển đất nước đều có thể nhìn thấy tương lai của mình để tham gia, đóng góp” - ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa (ATC) chia sẻ với Đại Đoàn Kết.

Ông Nguyễn Văn Tưởng trò chuyện cùng cựu Thủ tướng Isarel Ehud Barak và Phu nhân khi tới thăm Công ty Trầm Hương Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa.

PV: Thưa ông, điều gì thôi thúc một doanh nhân như ông dành tâm huyết lớn đến vậy cho các vấn đề phát triển của đất nước và của thế hệ trẻ? Có phải vì ông từng là một người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Tưởng: Tôi không thấy có sự tách bạch nào giữa sự nghiệp của riêng tôi với sự nghiệp của quốc gia, dân tộc và tôi nghĩ rằng cũng không nên có sự tách bạch giữa sự nghiệp cá nhân của bất cứ ai trong chúng ta với tương lai của đất nước. Nếu đất nước của chúng ta có thể vươn tới vị thế xứng tầm, thì mọi tài nguyên, năng lực của chúng ta cũng đều bị lãng phí.

Đúng là việc từng là một người lính khiến tôi có điều kiện để hiểu những gian nan, hào hùng nhưng rất tuyệt vời của đất nước và con người Việt Nam. Nhờ hiểu, tôi luôn yêu thương và mong mỏi những điều tốt đẹp nhất cho đất nước mình.

Việt Nam khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ trong suốt chiều dài lịch sử, có 7 miền khí hậu với những vùng đồng bằng rộng lớn, hàng triệu ki-lô-mét vuông diện tích mặt nước, hệ động, thực vật đa dạng, phong phú. Vậy, vì lý do nào chúng ta lại không có một lý tưởng “khởi nghiệp” mang tầm thế giới. Đừng nghĩ bao giờ chúng ta mới bằng Israel, mà chúng ta là một mô hình khác biệt. Chúng ta không chạy theo, không sao chép mà tạo ra đường đi của riêng mình - con đường nối liền đất và biển của chúng ta. Trong đó, trọng tâm không thể thiếu là một chiến lược phát triển kinh tế biển mà ở đó mọi thành phần, mọi tầng lớp người Việt Nam có lý tưởng phát triển đất nước đều có thể tham gia và đóng góp sức mình.

Tôi tin rằng trải nghiệm trong quân đội là một trải nghiệm rất đáng giá của tuổi trẻ và các bạn trẻ nên có ít nhiều những trải nghiệm như vậy, kể cả khi đất nước đang trong thời bình. Hãy nhìn sang một quốc gia phát triển như Israel, vì sao họ lại áp dụng chính sách quốc phòng rất đặc biệt - yêu cầu cả nam giới và nữ giới đủ tiêu chuẩn sẽ được gọi nhập ngũ ở tuổi 18. Các bạn trẻ sẽ phục vụ trong quân đội từ 24 - 32 tháng tùy từng ngành, lĩnh vực và điều kiện của bản thân. Khoảng thời gian rèn luyện và trưởng thành ở quân đội sẽ giúp các bạn trẻ hiểu được những đặc điểm mang tính thực tiễn, bản chất cũng như chiến lược của đất nước, để có lý tưởng trưởng thành thực sự nghiêm túc, chín chắn, không xa rời định hướng chung của đất nước và xã hội.

Đó là điều mà nếu chúng ta trưởng thành ở môi trường xã hội thông thường sẽ khó có thể đạt được. Kỷ luật quân đội, quan hệ đồng đội, sự tiếp cận gần và chân thực với các vấn đề thiết yếu của đất nước, không bị ảnh hưởng bởi các thông tin không có chọn lọc đầy rẫy ngoài kia - đó là điều chỉ có quân đội mới mang lại được.

Cựu Thủ tướng Isarel Ehud Barak và Phu nhân được chào đón khi tới thăm Công ty Trầm Hương Khánh Hòa.

Thưa ông, nói đến Isarel là nhắc đến một quốc gia có nhiều điều đặc biệt, không chỉ về chính sách quốc phòng mà còn về các sáng kiến khởi nghiệp trở thành nguồn cảm hứng cho toàn cầu. Vừa qua trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak và phu nhân đã tới thăm Trầm Hương Khánh Hòa. Tiếp xúc với một nhà lãnh đạo tài ba như vậy, ông có cảm nhận như thế nào về hình ảnh đất nước, con người Israel?

- Chúng ta đã quen gọi Israel là “quốc gia khởi nghiệp”. Nhưng “khởi nghiệp” ở đây không nên hiểu đơn giản là sáng tạo các ý tưởng kinh doanh hay mô hình doanh nghiệp. “Khởi nghiệp” ở đây thực chất là một cảm hứng về một cuộc cách mạng mang tính lý tưởng của người Israel. Trong cuộc cách mạng đó, họ quyết tâm định hình một quốc gia với những con người đề cao giá trị của văn minh, trí tuệ và chất xám. Văn minh, trí tuệ và chất xám sẽ giúp họ kiến tạo ra những sáng kiến trong nhiều lĩnh vực để dẫn đầu. Chúng ta, khi ngưỡng mộ và muốn học hỏi ở họ, mà chỉ học ở khâu “khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp” thì chưa đủ và sẽ dẫn tới việc khởi nghiệp về số lượng chứ không có chất lượng.

Tôi tin nhiều người dù chưa từng đến Israel hay gặp một người Israel nào, nhưng lại dễ dàng nhận định về Israel với những mỹ từ như: quốc gia khởi nghiệp, quốc gia giàu có, sở hữu trí tuệ đẳng cấp thế giới và nguồn lực tài chính đáng gờm. Lý do là gì? Lý do là bởi họ xây dựng rất thành công hình ảnh về một “quốc gia khởi nghiệp” với những bà mẹ có thể dạy con trở thành tỷ phú trong nhiều cuốn sách nuôi con kiểu Do Thái. Nhìn vào họ, ta muốn học theo họ, muốn trở thành họ, muốn làm bạn với họ dù chưa biết rõ họ là ai. Tôi đánh giá đó là chiến lược thành công và đó mới là điều chúng ta cần học, chứ không phải chỉ học hỏi bề nổi của tảng băng để rồi đổ xô đi khởi nghiệp.

Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa trao tặng chiếc quạt Trầm Hương cho cựu Thủ tướng Isarel Ehud Barak. Đây là một sản vật được chọn làm tặng phẩm cho các đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị các quan chức cao cấp APEC năm 2017 tại Việt Nam.

Vậy cụ thể hơn, chúng ta cần học hỏi họ như thế nào thưa ông?

- Cái chúng ta có trong tay, thực chất hơn họ ở điểm xuất phát rất nhiều. Cái chúng ta cần học hỏi là cách chúng ta đánh giá và nhìn nhận về cái ta có. Ngay bây giờ, tôi sẽ thử thay đổi cách nhìn đi một chút trong một các vấn đề sau và để xem chúng ta có hướng đi mới lạ như thế nào nhé!

Thứ nhất, chúng ta - Việt Nam - về cơ bản cũng chính là một “quốc gia khởi nghiệp” mang lại nguồn cảm hứng cho thế giới, không hề thua kém Israel. Từ một dân tộc thuộc địa, chúng ta đã biến những điều không thể thành có thể. Quá trình giành độc lập, thống nhất đất nước, làm chủ bầu trời, đất đai, biển khơi của ta chính là một cuộc “khởi nghiệp” thành công chưa từng có. Thiên nhiên chúng ta giàu đẹp nhưng trước đây không trọn vẹn thuộc về chúng ta. Con người chúng ta tài giỏi nhưng trước đây phải chịu đau thương, lệ thuộc. Hôm nay, chúng ta độc lập - tự do - hạnh phúc, chúng ta giàu mạnh - văn minh, chúng ta nhìn thẳng vào những kẻ thù trong quá khứ và bắt tay làm bạn. Đó là tư thế của một quốc gia thành công, một quốc gia làm chủ.

Thứ hai, vậy khi chúng ta đã làm chủ, chúng ta cần thể hiện tư thế một chủ nhân thực sự của tương lai đất nước. Nếu anh sở hữu một căn nhà, anh có bao giờ để nó lem luốc, bẩn thỉu? Nếu anh sở hữu một mảnh đất, anh có bao giờ để nó phơi nắng phơi mưa mà cũ mòn đổ nát? Anh sẽ sửa sang, sẽ dọn dẹp, sẽ trang hoàng, sẽ sống thật ra dáng một ông chủ và làm giàu trên mảnh đất của chính anh. Tôi chưa thấy điều này nhiều ở thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay. Nhiều người trong số họ lên rừng vẫn chỉ để ngắm cảnh, ra biển vẫn chỉ để dạo chơi rồi về nhà mà chưa có lý tưởng rằng: Đây cũng là nhà tôi, là quê hương tôi, tôi nên làm gì cho quê hương tôi, cho biển, cho rừng của tôi.

Thứ ba, hình ảnh đất nước bắt đầu từ con người chúng ta, từ lý tưởng của chúng ta. Những đứa trẻ Israel lớn lên, sẵn sàng làm bánh đem bán ở sảnh siêu thị để tự kiếm tiền tiết kiệm chân chính và tạo mối quan hệ xã hội. Và rồi chúng lớn lên trở thành những doanh nhân, sắc bén, tài tình lúc nào không hay. Họ đi khắp thế giới và có sẵn trong lòng sự tự tin: tôi là người Israel, đương nhiên tôi là một doanh nhân tài ba.

Giới trẻ chúng ta cần làm gì để mỗi khi bắt tay với bạn bè thế giới, họ sẽ nói: “Bạn là người Việt Nam - chắc chắn chỉ có bạn mới có thể giúp tôi có được trải nghiệm về biển hàng đầu thế giới. Tôi tin bạn, hãy chỉ cho tôi”; hay: “Đất nước tôi cũng có biển, nhưng làm sao để chúng tôi được thế giới ngưỡng mộ như Việt Nam các bạn”.

Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là rất đúng, rất trúng và mang lại nhiều cảm hứng để tin tưởng và kỳ vọng vào một lớp người sẽ ra biển khởi nghiệp, xây dựng trên vùng biển của nước nhà một xã hội của người Việt Nam - văn minh, hiện đại, phát triển, mang bản sắc Việt Nam. Đây là hành động được hun đúc bởi lý tưởng khẳng định chủ quyền và vị thế kinh tế trên biển của đội ngũ lãnh đạo mà nếu chúng ta không trân trọng, nắm lấy thời cơ thì sẽ rất đáng tiếc.

Liệu chúng ta có đang kỳ vọng quá lớn và lý tưởng hóa không, thưa ông? Vì sao ông tự tin là thay đổi lý tưởng, thay đổi cách nhìn nhận sẽ giúp chúng ta thay đổi được tình hình phát triển?

- Đương nhiên chỉ mình lý tưởng sẽ chẳng thể đổi thay được tất cả, quan trọng nhất vẫn phải là hành động. Nhưng lý tưởng phải là ngọn lửa đầu tiên. Israel không có tài nguyên. Một nửa diện tích Israel là sa mạc, biển là biển chết - nơi cá không thể sống. Họ cũng có một lịch sử đau thương, thậm chí còn bị lưu đày khỏi quê hương của chính mình. Thế nhưng, họ không quên, không đánh mất đi bản sắc của mình và đã lật lại ván bài lịch sử. Họ xác định lý tưởng của mình là quốc gia là khởi nghiệp và thực hiện nó với quyết tâm mãnh liệt. Bà mẹ dạy con làm giàu, dạy con tự lập và không ngại kinh doanh từ bé. Những đứa trẻ cũng luôn kiên định với ước mơ làm giàu, coi việc chinh phục những đỉnh cao của giàu có như là một đam mê thay vì áp lực. Họ làm chủ đồng tiền chứ không để đồng tiền làm chủ họ.

Việt Nam chúng ta khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ trong suốt chiều dài lịch sử, có 7 miền khí hậu với những vùng đồng bằng rộng lớn, hàng triệu ki-lô-mét vuông diện tích mặt nước, hệ động, thực vật đa dạng, phong phú. Vậy, vì lý do nào chúng ta lại không có một lý tưởng “khởi nghiệp” mang tầm thế giới. Đừng nghĩ bao giờ chúng ta mới bằng Israel, mà chúng ta là một mô hình khác biệt. Chúng ta không chạy theo, không sao chép mà chúng ta tạo ra đường đi của riêng mình - con đường nối liền đất và biển của chúng ta. Trong đó, trọng tâm không thể thiếu là một chiến lược phát triển kinh tế biển mà ở đó mọi thành phần, mọi tầng lớp người Việt Nam có lý tưởng phát triển đất nước đều có thể tham gia và đóng góp sức mình.

Mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát triển ngư nghiệp để xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước. Ông nhận định thế nào về quyết sách này?

- Trên hết, tôi thấy đây là một Nghị quyết rất đúng, rất trúng và mang lại nhiều cảm hứng để tin tưởng và kỳ vọng vào một lớp người sẽ ra biển khởi nghiệp, xây dựng trên vùng biển của nước nhà một xã hội của người Việt Nam - văn minh, hiện đại, phát triển, mang bản sắc Việt Nam. Đây là hành động được hun đúc bởi lý tưởng khẳng định chủ quyền và vị thế kinh tế trên biển của đội ngũ lãnh đạo mà nếu chúng ta không trân trọng, nắm lấy thời cơ thì sẽ rất đáng tiếc.

Bình minh trên đảo Trường Sa.

Trường Sa được chọn trong Nghị quyết là một dấu mốc của lịch sử. Tôi cho rằng, tư duy này đã có trong Đảng từ lâu rồi, bây giờ mới trở thành Nghị quyết. Với Nghị quyết này Đảng ta đã xác định và xác lập tâm thế cho người Việt là đi ra biển để làm giàu cho gia đình, cho quê hương, đất nước.

Nhưng để tất cả người dân Việt Nam thấy quyền lợi của họ, tương lai của họ trong Nghị quyết đó và thực sự bắt tay vào cuộc, tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước nên thành lập ngay một Ban chuyên trách về biển - với nhiệm vụ quy hoạch và gắn kết mọi thành phần xã hội vào công cuộc phát triển kinh tế biển. Chúng ta có rất nhiều nguồn lực về biển nhưng rải rác ở nhiều tỉnh thành ven biển. Trong những năm qua, tình trạng mỗi tỉnh một định hướng, không đồng nhất, dẫn đến chồng chéo, cạnh tranh lẫn nhau đã không còn xa lạ. Cùng với đó, cần thành lập một Bộ chuyên trách về biển. Bộ này là một “nhạc trưởng” có nhiệm vụ tổ chức, điều hòa các nguồn lực biển tại các địa phương, chấm dứt tình trạng kinh doanh, làm kinh tế biển theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, không có trách nhiệm với môi trường và hình ảnh quốc gia.

Và khi đã đưa trí tuệ và con người Việt Nam ra khẳng định vị thế trên biển, chúng ta cần luôn nhớ bài học từ Israel. Đó là: cần định hình từ đầu những phẩm chất của xã hội con người trên biển mà chúng ta ước mơ xây dựng. Những người con Việt Nam trên biển phải là những người có tài, có đức, có lý tưởng tốt đẹp, có tinh thần đoàn kết, tương trợ và có trách nhiệm - thể hiện ở hành động, lời nói, thói quen lao động, tư duy kinh tế, năng lực tài chính, năng lực giao lưu xã hội. Họ sẽ đại diện cho hình ảnh của Việt Nam vươn đến tầng lớp tinh hoa, chiến lược của các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, họ phải sở hữu những phẩm chất có thể đại diện cho nhân cách Việt Nam - một dân tộc yêu hòa bình và sẵn sàng phát triển, trở thành một quốc gia có tầm cỡ và uy tín trên thế giới. Một quốc gia biển sẽ hình thành như thế.

Nghị quyết 09 cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển. Tiềm năng của Khánh Hòa về biển đã quá rõ ràng và bản thân tỉnh Khánh Hòa cũng có rất nhiều nỗ lực trong những năm vừa qua. Nhưng để đạt đến mục tiêu phát huy cao độ những tiềm năng và lợi thế, Khánh Hòa rõ ràng cần tìm ra hướng đi đột phá hơn. Ông có đề xuất gì cho Khánh Hòa không, thưa ông?

- Theo tôi, Khánh Hòa còn rất nhiều việc phải làm. Nhân dân và doanh nghiệp Khánh Hòa cũng vậy. Đầu tiên, chúng ta phải có một đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản. Nhất là Đại học Nha Trang. Trước tiên cần trả lại tên cho Đại học Nha Trang là Đại học Thủy sản. Nhìn vào danh sách đào tạo của trường, tôi cảm thấy rất đáng tiếc vì nhà trường hầu như không chú trọng đào tạo ngành chiến lược cho biển mà lại đào tạo những ngành “trên bờ”. Việc trả lại đúng tên Đại học Thủy sản để tất cả cùng nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc phát triển kinh tế biển.

Thứ hai, để có nhân sự, cần có chính sách mời gọi con em chúng ta đang theo học ngành nghề về biển ở các nước trên thế giới trở về phục vụ đất nước. Không gì tuyệt vời hơn là người Việt Nam trên toàn cầu sẽ đóng góp những ý tưởng cụ thể về khởi nghiệp trên biển. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa nên tổ chức góp ý về xây dựng kinh tế biển để nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp ý tưởng. Những ý tưởng đó được gửi tới một Hội đồng mà trong đó có đầy đủ thành phần như trí thức, doanh nhân, tôn giáo, dân tộc… để tiếp nhận nguồn lực trí tuệ càng sớm, càng tốt.

Thứ ba, việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) rất quan trọng. Nói như kinh nghiệm mà cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak đã chia sẻ, trong nhiều trường hợp, việc đầu tư trực tiếp nước ngoài mang lại công nghệ tối tân và thu hút tốt trí tuệ, năng lực từ nhiều nơi trên thế giới. Việt Nam cũng vậy, vấn đề là chúng ta cần có luật đầu tư riêng có tính đặc thù trên biển, dưới sự giám sát, kiểm tra và điều hành của Bộ chuyên trách về biển như tôi đã đề nghị.

Theo ông, việc phát triển kinh tế biển và vươn xa tới việc kiến tạo một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội tại Trường Sa có làm nảy sinh bất cứ nguy cơ nào về an ninh quốc gia không? Chúng ta cần làm thế nào để phòng tránh các nguy cơ này?

- Tôi luôn tin tưởng, việc đưa người Việt Nam, những tinh hoa của Việt Nam hiện diện trên biển là cách hiệu quả nhất để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta không thể bảo vệ khi coi việc đó là việc của cảnh sát biển, của hải quân, của ngư dân. Đó là việc của tất cả chúng ta.

Việc phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền hoàn toàn có thể song hành, chúng ta không nên lo ngại hai điều đó sẽ làm nảy sinh nguy cơ. Một dân tộc tự chủ, tự cường, bảo vệ mình để luôn đứng vững trước các nguy cơ mới là một dân tộc đủ sức để bảo vệ và lan tỏa hòa bình.

Nhìn lại đất nước Israel, về bản chất, họ là một quốc gia sở hữu nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới. Ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia này có tới khoảng 150 công ty và được định hướng phát triển dựa trên hai mục tiêu chính: Một là tự chủ, đủ khả năng sản xuất mọi trang bị cần thiết cho quân đội và hai là chú trọng mua sắm các loại vũ trang từ các nhà cung cấp nước ngoài tuy nhiên vẫn duy trì khả năng nâng cấp, bảo dưỡng, cập nhật tiến bộ từ công nghệ quốc phòng. Họ phát triển nhưng để tự chủ và tự chủ để phát triển.

Để thích ứng và chủ động hơn trước các nguy cơ về an ninh có thể nảy sinh, tôi nghĩ rằng chúng ta nên tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tầng lớp quân nhân có thể trở thành những doanh nhân. Họ sẽ trở thành những nhân tố rất bền vững trong một xã hội Việt Nam trên biển, để đảm bảo một cộng đồng bền vững trước các thách thức về an ninh.

Chúng ta đã có một cuộc trò chuyện dài về các vấn đề của đất nước. Vậy với Trầm Hương Khánh Hòa thì sao thưa ông? Trong thời gian vừa qua, cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak và nhiều chính khách, học giả nổi tiếng trên thế giới đã tìm đến với Trầm Hương Khánh Hòa. Có được những “nhân duyên” như vậy phải chăng vì ông vốn là một người bạn chí tình của Liên minh lãnh đạo thế giới?

- Tôi nghĩ rằng đó là nhân duyên của Trầm Hương thì đúng hơn. Trầm Hương có sức hút đặc biệt để lôi kéo các chính khách, chuyên gia, các nhà khoa học không chỉ ở Israel, Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông tìm đến Trầm Hương Khánh Hòa. Trầm Hương là một trong những sản vật cao quý, linh thiêng bậc nhất mà trời đất đã ban tặng cho con người. Và điều may mắn là Khánh Hòa lại sở hữu loại Trầm Hương tốt nhất thế giới - hương thơm cao quý, linh thiêng, đại diện cho tinh hoa của người Việt. Hương thơm của Trầm Hương cũng là đại diện cho khát vọng của người Việt - một dân tộc yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho thế giới. Chính điều đó trở thành nền tảng để tôi trở thành một thành viên tích cực của Liên minh Lãnh đạo thế giới.

Trầm Hương đã mở đường để tôi có thể kết nối với những huyền thoại như cựu Thủ tướng Israel, để được truyền cảm hứng, được nhìn lại chính mình và nhìn thấy tương lai cho bản thân, cho đất nước. Thông qua những cuộc gặp gỡ như vậy, tôi hy vọng có thể kết nối, tạo ra một mạng lưới những người bạn quốc tế hiểu, tôn trọng và yêu thương những khát vọng tốt đẹp của Việt Nam. Họ cũng sẽ là cầu nối mang đến những sáng kiến, những giá trị tốt đẹp mà doanh nghiệp Việt Nam, nhân dân Việt Nam cần quan tâm. Tầng lớp doanh nhân và những thế hệ người Việt Nam trong tương lai sẽ vừa thừa hưởng tinh hoa của dân tộc vừa lĩnh hội tinh hoa của thế giới, để góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường. Đó là mong muốn lớn nhất và động lực lớn nhất của tôi trong bất cứ “nhân duyên” nào.

Trân trọng cảm ơn ông!

Những người con Việt Nam trên biển phải là những người có tài, có đức, có lý tưởng tốt đẹp, có tinh thần đoàn kết, tương trợ và có trách nhiệm - thể hiện ở hành động, lời nói, thói quen lao động, tư duy kinh tế, năng lực tài chính, năng lực giao lưu xã hội. Họ sẽ đại diện cho hình ảnh của Việt Nam vươn đến tầng lớp tinh hoa, chiến lược của các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, họ phải sở hữu những phẩm chất có thể đại diện cho nhân cách Việt Nam - một dân tộc yêu hòa bình và sẵn sàng phát triển, trở thành một quốc gia có tầm cỡ và uy tín trên thế giới. Một quốc gia biển sẽ hình thành như thế.

Ái Châu (thực hiện)