Đầu tư cho giáo dục phải xứng tầm
Năm học 2022-2023 là năm học đặc biệt của ngành giáo dục khi một số nơi còn thiếu trường, thiếu giáo viên. Tới tận phút chót, nhiều trường còn thiếu sách giáo khoa lớp 10. Những khó khăn trở ngại đang tác động trực tiếp tới cả người dạy và người học. GS.TS. NGND Đặng Thị Kim Chi - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Khoa học, giáo dục và môi trường, UBTƯ MTTQ Việt Nam nói về những trăn trở trước thềm năm học mới.
PV: Thưa bà, là một nhà giáo, bà có cảm nhận như thế nào về năm học 2022-2023 khi một số nơi vẫn còn thiếu trường, thiếu giáo viên?
GS.TS. NGND Đặng Thị Kim Chi: Tôi rất bất ngờ về việc thiếu trường, thiếu sách giáo khoa, thiếu giáo viên. Đây là việc rất đáng buồn. Phải chăng cơ chế thị trường đã lan cả vào trong ngành giáo dục? Bởi đầu năm học đã được dự tính từ trước nhưng vẫn còn thiếu sách. Việc thiếu sách khiến nhiều nơi đang trở nên lúng túng.
Trước kia, sách giáo khoa có thể để lại cho năm học sau. Bây giờ mỗi tỉnh, mỗi trường được quyết định lựa chọn sách giáo khoa nên sách giáo khoa năm sau không dùng lại được của năm trước. Giá sách giáo khoa năm nay lại tăng giá, cao hơn các năm trước nên gây khó khăn cho phụ huynh học sinh. Việc vừa thiếu trường học, vừa thiếu giáo viên, lại thiếu sách càng khiến các em có hoàn cảnh khó khăn khó có điều kiện được đến trường.
Ngay ở Hà Nội cũng có cuộc “cạnh tranh” vào các trường vì không đủ giáo viên, không đủ lớp...
Thực tế đó cho thấy dường như sự đầu tư cho giáo dục của chúng ta chưa tương xứng?
- Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tôi cho rằng nền giáo dục của chúng ta không yếu kém. Các em học tốt, nhiều em giành được giải thưởng ở các cuộc thi quốc tế. Bản thân tôi giảng dạy nhiều năm tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi thấy các em học sinh càng ngày càng thông minh hơn.
Chúng ta cần phải thống nhất về yêu cầu đào tạo, chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo. Ở các nước có chuẩn để chọn đầu vào các trường, các cấp. Anh muốn học ở nhà hay ở trường đều phải trải qua những kỳ thi rất chuẩn mực. Chúng ta chưa thể theo được như họ.
Những năm trước nghiên cứu khoa học được thụ hưởng từ ngân sách Nhà nước. Tức là ngân sách từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp xuống các trường chi phí cho đào tạo, phòng thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Bây giờ chuyển sang cơ chế tự chủ. Như vậy đương nhiên học phí tăng lên, bởi không tăng thì không đủ tiền cho thiết bị, thí nghiệm, hóa chất, hay các chương trình đào tạo.
Khi đầu tư của Nhà nước có hạn thì xã hội hóa là con đường duy nhất để đủ nguồn lực, thưa bà?
- Có xã hội hóa thì tốt hơn. Nhưng việc xã hội hóa đầu tư các thiết bị của ngành y tế để chuẩn đoán và điều trị bệnh, đã cho chúng ta bài học đắt giá. Tôi không muốn ngành giáo dục đi vào vết xe đổ đó. Vì vậy, quan trọng nhất phải đảm bảo đủ trường, đủ giáo viên thì công tác giảng dạy mới được đảm bảo. Phải nắm được nhu cầu học sinh năm tới tham gia các cấp, các lớp như thế nào để bố trí phân bổ. Tại sao các năm trước không có vấn đề này mà bây giờ lại xảy ra tình trạng đó? Phải chăng do chúng ta xã hội hóa một cách không kiểm soát? Có tình trạng giáo viên giỏi, bác sĩ giỏi nghỉ việc để đi sang trường tư, bệnh viện tư?
Theo tôi cách làm mới, cải tiến mới, đầu tư mới ban đầu cũng bị chệch choạc, nhưng nó phải dần đi vào đúng quỹ đạo. Đó là mục đích vì dân, tất cả vì thế hệ trẻ.
Qua đây, có lẽ chúng ta cần nhìn nhận sâu sắc hơn chế độ cho nghề giáo, thưa bà?
- Các giáo viên nghỉ việc sang trường tư do lương quá thấp. Nhiều em học trò của tôi cũng chia sẻ, phải nghỉ việc vì lương làm trong khối nhà nước không đủ chi cho con em học hành nên phải ra ngoài làm. Lương của nhà nước không theo kịp với sự biến chuyển của xã hội, để đáp ứng yêu cầu cho người làm công ăn lương tại khu vực nhà nước. Rất nhiều vấn đề tham nhũng cũng xuất hiện do lương quá thấp...
Tuy nhiên, việc giáo viên nghỉ việc trường công ra trường tư công tác cũng có mặt tích cực, sẽ khiến các trường tư phải đua nhau, tạo điều kiện, chất lượng tốt để thu hút giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Tức là có cạnh tranh, và khi có cạnh tranh thì các trường phải đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, mặt khác, nó sẽ làm cho các trường công yếu dần và mất đi tính ưu việt của xã hội, đó là quyền được học hành của con trẻ, khi mà những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể theo học được tại trường công lập ở nơi mình sinh sống, buộc phải học nơi khác...
Giáo dục là quốc sách hàng đầu thì việc đầu tư phải xứng tầm, thưa bà?
- Đầu tiên cần quan tâm tới giáo viên. Để khắc phục được việc thiếu giáo viên, nguyên nhân vẫn là vấn đề về lương. Lương của người học đại học ra trường chỉ được 4-5 triệu đồng/tháng. Vì vậy họ phải làm thêm, không có thời gian đầu tư cho công tác giảng dạy... Do đó, rất cần phải cải thiện về lương. Thứ nữa là vấn đề chất lượng trường, sách giáo khoa. Thiếu trường, thiếu giáo viên, học sinh sẽ không có chỗ học. Tất cả các em học sinh đều có quyền được đi học, không phân biệt giàu hay nghèo. Có nhiều em học sinh nhà có hoàn cảnh khó khăn nhưng học rất giỏi. Nếu những em đó được hỗ trợ và quan tâm thì sẽ là những học sinh xuất sắc, là những tài năng của tương lai.
Trân trọng cảm ơn bà!