Những hệ lụy chồng lấn địa giới hành chính giữa Quảng Nam và Kon Tum – Bài 1: Về nơi chồng lấn địa giới hành chính
Để đến được vùng chồng lấn địa giới hành chính (ĐGHC) giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, từ TP Tam Kỳ, chúng tôi đi bằng xe máy vượt quãng đường núi rừng quanh co, dốc đèo hơn 150 km để tới trung tâm xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Thế nhưng để đến được với bà con đang sinh sống nơi vùng chồng lấn ĐGHC, từ trung tâm xã Trà Vinh chúng tôi tiếp tục đi vào con đường đất dài gần 10km, rộng khoảng 2m với dốc đá dựng đứng, nhiều chỗ đường sình lầy, sạt lở phải xuống xe để đi bộ mới có thể qua được. Mất hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được thôn 3, xã Trà Vinh là nơi chồng lấn ĐGHC với xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Từ xa, chúng tôi đã thấy những ngôi nhà đơn sơ của bà con đồng bào Ca Dong tựa với nhau trên những dãy núi rừng xanh thẳm. Phải đi qua một cây cầu treo bằng dây sắt có chiều dài hơn 10m, rộng gần 1m, dưới cầu được lót những tấm ván gỗ nối với nhau làm nền rất sơ sài để bắc qua suối Nước Meo mới đến được chỗ sinh sống của bà con.
Theo ghi nhận, cả vùng đất này còn rất hoang sơ, chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng như đường bê tông hay thảm nhựa, cầu cống, điện, nước, trạm y tế, nhà văn hóa; không có sóng điện thoại...
Trong căn nhà đơn sơ trên lưng chừng núi, ông Đinh Thái Dương (43 tuổi), trú thôn 3 cho biết, cuộc sống của người dân ở đây rất khó khăn, do đường sá đi lại quá vất vả và xa chợ. Hầu hết thức ăn hàng ngày người dân tự cung tự cấp. Gạo được sản xuất từ lúa rẫy cộng với khoai sắn và bắp. Hàng ngày bà con đi bắt ốc, cá... dưới khe, suối và rau rừng trên núi để làm nguồn thức ăn cho cả gia đình, lâu lâu mới ra trung tâm xã hay xuống chợ ở Trà Mai cách hàng chục ki lô mét mới mua được lương thực, mắm muối về dự trữ.
“Người dân ở đây nuôi được vài con heo, gà, vịt chỉ để làm thịt vào những ngày lễ, Tết ở địa phương hay cưới hỏi hoặc có bà con xa, khách quý tới thăm. Lâu lâu mổ 1 con heo cả làng chia sẻ với nhau. Đa số trẻ em ở thôn đều thiếu chất dinh dưỡng chậm phát triển thể chất hơn so với các trẻ em ở dưới đồng bằng” - ông Dương nói.
Qua trao đổi với nhiều hộ dân được biết, việc làm kinh tế như chăn nuôi hoặc trồng cây ăn trái do ít có nguồn vốn để đầu tư trồng trọt và thiếu kiến thức về chuyên môn kỹ thuật nên hầu như cả thôn 3 người dân chủ yếu lao động thủ công, làm ăn manh mún. Nơi đây đa số là hộ nghèo, nên người dân rất mong được Nhà nước hỗ trợ tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư làm ăn để cải thiện kinh tế.
“Ở đây ruộng của bà con chủ yếu là ruộng bậc thang, quanh đồi núi, nước tưới phụ thuộc vào nguồn nước mưa, khe, suối. Cái khó khăn nhất là không có chợ nên không thể giao thương buôn bán với bên ngoài được. Muốn bán con gà hoặc khoai sắn phải cõng vượt đường rừng gần 8km xuống trung tâm xã Trà Vinh, từ trung tâm xã đi hơn 30km xuống xã Trà Mai, huyện Nam Trà My mới có được hàng hóa để mua sắm, vì khoảng cách đi lại quá xa nên nhiều người không muốn đi” - ông Dương nói.
Còn bà Hồ Thị Hạnh (41 tuổi), trú thôn 3 cho biết: “Người dân ở đây trồng lúa đỏ, ngô, khoai, sắn nhưng kém phát triển vì đất ít chất dinh dưỡng, chỉ làm bằng thủ công nên năng suất rất thấp. Như gia đình tôi có 5 nhân khẩu, cuộc sống hết sức khó khăn, nguồn cung cấp lương thực cho cả gia đình chỉ trông vào 2 sào nương rẫy. Thế nhưng cũng vô cùng vất vả, vì để đến được nơi canh tác lúa phải đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ”.
Tương tự, chị Đinh Thị Lan (32 tuổi), trú thôn 3 chia sẻ: “Công việc hàng ngày của tôi là vào rừng bẻ búp măng hoặc bắt ốc, cá dưới suối Nước Meo đem về cho cả gia đình làm nguồn thực phẩm. Ngoài ra, hôm nào có người ở xã khác kêu đi phát rẫy thuê thì tôi đi làm cho họ để kiếm tiền trang trải cuộc sống”.
Ông Nguyễn Công Tạ - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh cho biết: “Xã Trà Vinh có gần 500 hộ dân, với hơn 2.000 nhân khẩu sinh sống ổn định từ bao đời nay. Riêng thôn 3, xã Trà Vinh có 238 hộ, đa số là người Ca Dong, với 1.034 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn là hơn 200 hộ, chiếm hơn 70%”.
Theo quan sát của chúng tôi, nhà người dân ở đây hầu hết là nền đất, tường nhà được làm bằng các tấm ván gỗ hở khe. Một số nhà thì lót mành tre dưới nền đất để ngồi, mỗi nhà có một bếp lửa đốt bằng củi để sưởi ấm vào mùa đông và nấu ăn hàng ngày. Về đất canh tác lúa, khoai, sắn, bà con khai hoang trồng ở rìa các sườn núi cao, nguồn nước tưới hoa màu chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, khe, suối dẫn đến năng suất rất thấp. Nơi đây bà con không có công trình nước sạch để sử dụng mà phải kéo đường ống nhựa từ khe, suối cách nhà khoảng hơn 5km về để sinh hoạt.
Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Công Tạ - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh thừa nhận: “Có đến 70% dân số nơi đây thuộc hộ nghèo. Về diện tích đất nhà ở, đất sản xuất... ở thôn 3, chính quyền xã đo đạc sơ bộ được khoảng hơn 3.000ha”.
Báo cáo của UBND xã Trà Vinh cũng cho rằng: “Ở thôn 3 xã Trà Vinh không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không có điện, không có thông tin liên lạc, không có đường giao thông, không có thủy lợi để phát triển sản xuất, trường học được xây dựng tạm bợ”.
Ông Trần Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh khẳng định, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến đời sống của bà con, hàng năm trước mùa mưa bão và đầu năm mới, chính quyền xã đều có hỗ trợ cho người dân ở thôn 3. Hàng tháng, chính quyền xã tổ chức phiên chợ ở trung tâm xã để các hộ dân trao đổi, mua bán nông sản cho thương lái để có thêm nguồn thu nhập. Bà con còn trồng cây quế để lấy hạt quế và vỏ quế bán cho thương lái thu mua ở trung tâm xã, trung bình 1kg vỏ quế thương lái thu mua hơn 70.000 đồng. “Hiện nay trung bình mỗi hộ dân trồng được từ 0,5ha đến 1ha cây quế, ngoài ra, sau khi làm hết mùa màng, nương rẫy thì người dân đi làm thuê ở các địa phương khác nên cũng có thêm thu nhập” - ông Thương nói.
Thực tế, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, cái khó khăn lớn nhất là không được đầu tư cơ sở hạ tầng. Họ vẫn mong sớm có đường, điện, trạm y tế và nhiều vấn đề khác liên quan đến cuộc sống để có thể an cư lạc nghiệp, phát triển kinh tế.
(Còn nữa)