Virus gây bệnh sốt Lassa 'sống lại'
Người dân ở thành phố Owo (Nigeria) nói rằng, họ sợ dịch sốt Lassa hơn sợ Covid-19, vì tỷ lệ tử vong cao. Nó khó phát hiện do quá ít triệu chứng, nhưng tiến triển bệnh lại rất nhanh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã lên tiếng cảnh báo về dịch sốt này.
Victory Ovuoreoyen, 48 tuổi, một tiểu thương, gần như không thể đi lại và lo sợ cho tính mạng của mình khi được đưa vào Trung tâm Y tế Liên bang ở thành phố Owo, Tây Nam Nigeria. Anh ta bị sốt, nôn mửa và tiêu chảy nặng. "Trước khi lâm bệnh, tôi không đủ sức để có thể đếm được xương của mình như thế này. Tôi đã giảm cân rất nhiều " - anh nói, chỉ tay vào xương đòn lộ rõ dưới chiếc áo sơ mi rộng màu mù tạt.
Các bác sĩ cho biết, Ovuoreoyen đã mắc bệnh sốt Lassa , một căn bệnh xuất huyết cấp tính tương tự như Ebola. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù 80% những người bị nhiễm virus Lassa không bị bệnh nặng, nhưng tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân phải nhập viện là 15%. Với thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, các triệu chứng nghiêm trọng có thể bắt đầu xuất hiện sau một tuần kể từ khi phát bệnh. Tuy nhiên, đến lúc đó có thể là đã quá muộn khi sốt Lassa làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu và giảm khả năng đông máu, gây chảy máu trong.
Từ đầu năm nay, thành phố Owo, cách thủ đô Abuja của Nigeria 300 km, đã được coi là tâm chấn của đợt bùng phát dịch sốt Lassa với hơn 160 người tử vong. Tới nay, tình hình có vẻ đã dịu bớt nhưng người dân cho biết họ sợ virus Lassa hơn nhiều so với virus SARS-CoV-2. Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm soát nhiễm trùng tại bệnh viện Nigeria cho biết, kể từ năm 2020 tới nay tỉnh Ondo ghi nhận 171 trường hợp tử vong do virus Lassa, so với 85 trường hợp thiệt mạng do Covid-19.
Virus nguy hiểm này bùng phát lần đầu tiên vào năm 1969 tại thị trấn Lassa, miền Bắc Nigeria, cách Owo khoảng 1.000 km. Sau đó nó đã trở thành bệnh đặc hữu ở 5 quốc gia Tây Phi. Theo CDC châu Phi, bệnh sốt Lassa lây nhiễm cho khoảng 100.000 đến 300.000 người ở châu Phi mỗi năm, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người. Đáng chú ý, sốt Lassa thường gây sảy thai, có thể truyền từ mẹ sang con và tồn tại trong sữa mẹ đến 6 tháng.
Tới nay, sốt Lassa đã lan tới 21/23 tỉnh thành của Nigeria, kể cả tại thủ đô Abuja. Đáng chú ý, theo Giám đốc CDC Nigeria, cho tới đầu tháng 9/2022, đã có ít nhất 15 nhân viên y tế nước này bị nhiễm virus Lassa, cùng khoảng 4.700 người khác được cho là có tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân bị mắc chứng sốt xuất huyết cấp tính. Hiện tỷ lệ tử vong trong số người nhiễm bệnh nặng có thể đã ở mức 22,1%.
CDC Nigeria dẫn lại thời điểm năm 2018, dịch sốt Lassa đã khiến 171 người tử vong ở 23 tỉnh, thành của đất nước, trong đó 633 trường hợp được xác nhận dương tính với Lassa và gần 3.500 trường hợp nghi nhiễm bệnh.
Dựa trên những nghiên cứa của WHO, CDC Nigeria cho rằng sốt Lassa là căn bệnh nhiễm một loại virus cùng họ với các virus như Marburg và Ebola. Sự lây lan dịch này thường thông qua sự bài tiết của loài gặm nhấm (nhất là chuột); qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất bài tiết hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bệnh.
Khoảng 80% số người bị nhiễm virus Lassa không có triệu chứng, số còn lại mắc triệu chứng không điển hình. Chính vì thế việc phát hiện, kiểm soát và điều trị là khó khăn. Bệnh nhân Lassa có thể sốt kéo dài thành từng cơn kiểu sốt rét. Khoảng 25% trường hợp có biến chứng điếc do tổn thương dây thần kinh số 8, một nửa số đó có thể hồi phục thính giác một phần sau khoảng 1-3 tháng.
“Do các triệu chứng của bệnh Lassa thường không điển hình nên việc chẩn đoán sớm bệnh rất khó khăn cũng như rất khó phân biệt với các bệnh sốt khác như sốt xuất huyết do Ebola, sốt rét, sốt thương hàn, sốt vàng. Vì thế không thể chủ quan cho dù bạn chỉ bị sốt nhẹ” - đại diện CDC Nigeria cảnh báo.
Còn theo WHO, virus gây ra sốt Lassa được coi là loại virus “sống lại” sau nhiều thập kỷ vắng bóng. Tuy rằng nó đã và đang được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn cần cảnh giác vì rất có thể nó sẽ tái tổ hợp để có được những phiên bản mới nhằm tránh những loại vaccine có sẵn.
Theo WHO, sốt Lassa là bệnh cấp tính do virus có nguồn gốc từ chuột. Đây là căn bệnh đặc hữu ở các quốc gia phía Tây châu Phi gồm Sierra Leone, Liberia, Guinea và Nigeria. Các triệu chứng của sốt Lassa thường xuất hiện từ 1 đến 3 tuần sau khi bệnh nhân tiếp xúc với virus. Triệu chứng sốt Lassa thường nhẹ và không được chẩn đoán trong khoảng 80% trường hợp người nhiễm bệnh. Nhưng ở 20% người bị nhiễm virus còn lại, bệnh có thể tiến triển thành các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm chảy máu nướu răng, mắt hoặc mũi; có thể bị suy hô hấp; mất thính giác; thậm chí có thể tử vong trong vòng hai tuần do suy đa cơ quan. Hiện Ribavirin là loại thuốc kháng virus được chỉ định để điều trị bệnh nhân mắc sốt Lassa.