Cửa ngõ Thủ đô lại tắc nghẽn
Kết thúc kỳ nghỉ lễ 2-9 kéo dài 4 ngày, nhiều tuyến đường của Thủ đô lại tắc nghẽn khi lượng phương tiện giao thông và dòng người đổ về thành phố tăng lên đột biến.
Người dân đổ dồn về thành phố
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ (chiều 4/9), người dân từ các điểm du lịch, các tỉnh trở lại thành phố tăng lên chóng mặt khiến nhiều tuyến đường và các bến xe xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. Lo ngại ùn tắc, nhiều người đã lựa chọn lên thành phố sớm. Tuy nhiên, đến cuối ngày, lượng phương tiện đổ về cửa ngõ phía Nam TP Hà Nội vẫn tăng cao, khiến các tuyến đường Giải Phóng, Quốc lộ 1A, đường Vành đai 3… bị ùn tắc nghiêm trọng.
Tại các bến xe lớn của Hà Nội như bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm… hầu hết các xe cập bến đều chở tối đa lượng hành khách có thể. Xuống xe ai cũng tay xách, nách mang. Sau chuyến đi dài lại thêm cảnh ùn tắc nên nhiều người thấy mệt mỏi.
Chị Nguyễn Thu Thủy (quê Nghệ An) cho biết: “Dù rất muốn về thăm người thân và gia đình vào kỳ nghỉ lễ nhưng mỗi lần trở lại Hà Nội quá vất vả. Các bến xe luôn trong cảnh đông đúc, tắc nghẽn. Hôm nay, dù đã ra sớm để tránh giờ cao điểm nhưng tình hình cũng không được cải thiện là bao”.
Sẵn sàng ứng trực
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Mạnh Hà, Trưởng ca điều hành Bến xe Giáp Bát cho biết, do đợt nghỉ lễ kéo dài, lượng hành khách đến bến xe tăng lên đột biến trong ngày nghỉ lễ cuối cùng. Đến khoảng 16h chiều ngày 4/9, các phương tiện vào bến để trả khách bắt đầu tăng lên, số lượng khách lượt về cũng tương tự như lượt đi. Theo ước tính, đến hết ngày 4/9, lượng hành khách có thể lên đến trên dưới 20.000 người với gần 600 xe.
Cũng theo ông Hà, cho đến chiều ngày 4/9, Ban quản lý đã bố trí lực lượng điều hành, tập trung trả khách ở sân để đảm bảo xe vào nhanh nhất, hướng dẫn xe vào khu vực xếp khách theo hợp đồng đã ký. Đến 17h chiều 4/9, tình hình giao thông và trật tự xung quanh bến xe vẫn ổn định.
Ngoài ra, bến xe Giáp Bát cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng như Cảnh sát trật tự, Công an phường Giáp Bát và lực lượng Thanh tra giao thông trong công tác đảm bảo an ninh trật tự khu vực trong và ngoài bến, đảm bảo các xe phục vụ hành khách an toàn và thuận tiện nhất.
Đại úy Đinh Văn Sơn- Phó Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Cục Cảnh sát giao thông) thông tin, bắt đầu từ 13h chiều cùng ngày 4/9 trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình lượng phương tiện tham gia giao thông bắt đầu tăng lên. Đơn vị đã bố trí trực 100% quân số, đồng thời hướng dẫn phân luồng giao thông, tăng cường công tác tuần tra lưu động, ứng trực tại các nút giao như Mai Sơn, Cao Bồ, Liêm Tuyền, Vạn Điểm,... Theo Đại úy Sơn, các phương tiện lưu thông khá chậm. Lực lượng CSGT cũng được bố trí tăng cường công tác tuần tra lưu động, kịp thời xử lý các vụ va chạm, tránh gây ùn tắc.
Còn Thượng tá Nguyễn Chí Công - Phó trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, phương án đón người dân về Thủ đô lao động và học tập trong ngày 4/9 đã nằm trong kế hoạch bảo đảm không để học sinh không tham gia khai giảng năm học mới vì lý do ùn tắc và tai nạn giao thông.Theo dự kiến, từ chiều và đến hết đêm mùng 4 rạng sáng 5/9, lượng người và phương tiện sẽ gia tăng, Phòng CSGT thành phố đã bố trí các tổ công tác ứng trực tại các khu vực cửa ngõ Thủ đô, sẵn sàng làm việc xuyên đêm.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 1/9 đến 4/9), trên cả nước đã xảy ra 79 vụ tai nạn làm chết 48 người và 51 người bị thương. Cảnh sát giao thông các địa phương đã xử lý 41.214 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 60 tỷ đồng; tạm giữ 941 ôtô, 12.700 xe máy đồng thời tước 6.298 giấy phép lái xe.
Trên các tuyến cao tốc, các đội tuần tra kiểm soát thuộc Cục Cảnh sát giao thông đã lập 296 biên bản vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng, tước 140 bằng lái và tạm giữ 19 phương tiện. Ngoài ra, 1.593 trường hợp vi phạm bị phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát.
Với các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn, Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 8.800 lái xe có nồng độ cồn, phạt tiền gần 40 tỷ đồng. Trong đó, 2.909 trường hợp vi phạm kịch khung (trên 0,4 mg/l khí thở) và 147 trường hợp không chấp hành kiểm tra.
Ngoài ra, 7.979 trường hợp vi phạm về tốc độ cũng bị xử lý. Trong đó, 3.266 tài xế điều khiển xe quá tốc độ 10-20 km/h, 396 trường hợp vi phạm 20-25 km/h và quá tốc độ trên 35 km/h là 18 trường hợp.