Những nỗ lực trong cải cách hành chính tại Nghệ An
Mặc dù trong thời gian qua, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An (TTHCC) luôn chú trọng nâng cao hiệu quả dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) nhằm giúp các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, dường như người dân vẫn đang “chuộng” gửi, nhận hồ sơ theo cách trực tiếp, chứ chưa thấy sự tiện lợi, hiệu quả của việc gửi hồ sơ trực tuyến, nhất là thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Nhìn từ con số
Ngày 5/8/2019, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2996 thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An, là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả của 1.326 thủ tục hành chính, thuộc thẩm quyền quản lý của 18 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và 3 cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương gồm Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Công ty Điện lực Nghệ An.
Nhiệm vụ cải cách hành chính luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An và các cấp xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đây là mục tiêu để tỉnh Nghệ An thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh với mục đích phục vụ tốt hơn đối với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, nhằm thực hiện thống nhất các thủ tục hành chính; tạo thuận lợi, tiếp cận theo hướng văn minh, hiện đại; tích hợp các nguồn lực về cơ sở vật chất, con người, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Sau khi đi vào hoạt động tháng 10/2021, Trung tâm đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An. Nhờ đó, đã duy trì sự hiệu quả, tính công khai, minh bạch trong tiếp nhận các thủ tục hành chính đảm bảo theo đúng quy định, góp phần tạo sự chuyển biến trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Nhờ vậy, trong năm 2021 Trung tâm đã tiếp nhận TTHC 147.189 hồ sơ. Trong đó, số kỳ trước chuyển sang là 3.153 hồ sơ; Tiếp nhận mới: 111.432 hồ sơ; Tiếp nhận trực tuyến là 32.604 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 22,63%). Trên cơ sơ đó, số hồ sơ đã được giải quyết là 141.524 hồ sơ. Trong đó, kết quả trước và đúng hạn: 138.553 (chiếm tỷ lệ 97,90%); kết quả trả quá hạn: 2.971 hồ sơ trả quá hạn (chiếm tỷ lệ 2.10%); Hồ sơ đang giải quyết: 3.949 (có 62 hồ sơ quá thời hạn giải quyết). Đặc biệt, kết quả hồ sơ thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích: 31.666 lượt, bao gồm dịch vụ nộp và trả kết quả tại nhà.
Hồ sơ có tần suất thực hiện nhiều tập trung ở một số đơn vị như: Sở Tư pháp 35.252 hồ sơ, Sở Giao thông Vận tải 27.754 hồ sơ, Bảo hiểm xã hội 23.538 hồ sơ, Sở Công Thương 18.033 hồ sơ, Sở Kế hoạch và đầu tư 12.878 hồ sơ. Tuy nhiên, cũng có một số Sở có số lượng hồ sơ phát sinh ít như: Sở Ngoại vụ 16 hồ sơ; Điện lực tỉnh 53 hồ sơ; Sở Du lịch 73 hồ sơ.
Nộp trực tuyến vẫn còn hạn chế
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, ngoài những thuận lợi nói trên. Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ qua kênh trực tuyến vẫn còn hạn chế. Không những vậy, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, trình độ, phương tiện máy móc của người dân còn hạn chế. Và đặc biệt, người dân vẫn còn tâm lí muốn thực hiện hình thức giao dịch trực tiếp. Tương tự đối với việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, mặc dù được khuyến khích, tuyên truyền rộng rãi và được người dân đón nhận tuy nhiên tỷ lệ còn chưa cao.
Qua số liệu theo dõi, cho thấy số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trong năm 2021 là 32.604/147.189 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 22,63%). Trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến (trong đó giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích) vẫn khá thấp, dao động từ 18 - 20% trong tổng số hồ sơ được tiếp nhận từng tháng.
Cụ thể, tháng 1/2022 số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 4.460 hồ sơ (đạt 29,11%). Trong đó, số lượt sử dụng dịch vụ bưu chính công ích: 3.911 lượt; Tháng 2/2022 tổng số hồ sơ tiếp nhận là 15.212 hồ sơ. Số hồ sơ nộp trực tuyến: 2.162 hồ sơ, đạt 18,5%. Số lượt sử dụng dịch vụ bưu chính công ích: 4.451 lượt. Tháng 3/2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 24.566 hồ sơ. Số hồ sơ nộp trực tuyến: 3.356 hồ sơ, đạt 17,5%. Số lượt sử dụng dịch vụ bưu chính công ích: 10.019 lượt. Các tháng 4 và tháng 5/2022, số hồ sơ nộp trực tuyến cũng dao động từ 21 - 22% trong tống số hồ sơ mà Trung tâm tiếp nhận.
Dịch vụ bưu chính công ích - lợi cho dân
Dù hơn gần 2 năm đi vào hoạt động, nhưng nhìn chung việc người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn còn khiêm tốn, thậm chí là chưa phát huy hết tiềm năng. Bởi vậy, Trung tâm đã đề xuất các kiến nghị với UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích, đơn giản hóa các thủ tục giao dịch trực tuyến để nhằm giảm thời gian, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp.
Để rõ hơn những tiện lợi mà dịch vụ công trực tuyến mang lại, trong thời gian qua, PV Báo Đại Đoàn Kết đã tiếp cận, ghi nhận cảm nhận của người dân khi làm thủ tục hồ sơ tại Trung tâm và những người tham gia dịch vụ bưu chính công ích.
Dậy sớm từ 5h sáng, đón xe khách xuống thành phố, anh Phan Văn Tiến (36 tuổi) trú tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) có mặt tại Trung tâm gần 8h sáng. Mặc dù trước lúc đi, anh Tiến có nhờ người thân sống ở thành phố qua xếp hàng lấy số, nhưng vì theo quy định việc phát số phải “chính chủ” nên việc nhờ bất thành. Khi Trung tâm để lấy số, lúc này, số phiếu thứ tự đã lên tới 540. Biết là phải qua buổi chiều mới đến lượt mình, nên sau khi hoàn thành viết “hồ sơ tư pháp” anh Tiến về nhà người thân nghỉ ngơi, chờ đợi. “Xuống tận Trung tâm, mới “thấm” việc đi làm thủ tục qua kênh trực tiếp không chỉ tốn nhiều kinh phí hơn, đi lại vất vả mà việc chờ đợi đến lượt cũng đã đau đầu. Mặc dù, nắm được có dịch vụ khai, nộp hồ sơ theo dịch vụ bưu chính công ích, nhưng nghĩ rằng làm trực tiếp nhanh hơn, không những vậy “sai đâu sửa đó” ngay tại quầy, nhưng không nghĩ là mất thời gian đến vậy”, anh Tiến cho biết.
Điều đáng nói, khi dịch Covid-19 lắng xuống, nhu cầu làm lý lịch rất lớn, mặc dù Trung tâm đã triển khai tạo điều kiện và tăng cường nhân lực tiếp nhận, chủ động, quyết liệt trong tham mưu xử lý, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân, doanh nghiệp rất lớn nên khi người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục trực tiếp vẫn phải chờ đợi.
Theo anh Võ Quang Thành (22 tuổi) trú tại xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ cho biết, việc trực tiếp xuống Trung tâm là để được hướng dẫn cụ thể, xử lý luôn nếu có vướng mắc. Nhưng do người làm thủ tục khá đông nên không nhanh như dự kiến. Dù được cán bộ Trung tâm hướng dẫn rất nhiệt tình, nhưng vẫn tốn nhiều thời gian. Nếu biết sớm hơn, tôi gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích ngay tại bưu điện xã để đỡ vất vả đi lại.
Không chỉ anh Thành, anh Tiến mà trong quá trình ghi nhận người dân đến làm việc, chúng tôi còn bắt gặp nhiều người từ các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu… di chuyển vài chặng xe, mới đến được TP Vinh để nộp hồ sơ làm lý lịch tư pháp, cấp đổi giấy phép lái xe… rất vất vả. Do không nắm hết quy định, thiếu giấy tờ… nên có nhiều người đã phải quay về nhà, thậm chí thuê nhà nghỉ lại, chi phí đội lên gấp đôi.
Tuy nhiên, cũng đã có không ít người, qua nắm bắt hiểu rõ về dịch vụ bưu chính công ích nên đã không vất vả hành trình từ các huyện xa xôi làm các thủ tục cần thiết. Còn số dao động từ 3.000 - 4.000 lượt sử dụng dịch vụ bưu chính công ích mỗi tháng đã nói lên điều đó. Đơn cử như chị Lang Thị Mai, trú tại xã thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, sau khi ra bưu điện văn hóa xã, được nhân viên hướng dẫn cụ thể, chỉ hơn 2 giờ đồng hồ, mọi thủ tục làm lý lịch tư pháp để xuất khẩu đã hoàn thành.
“Qua tìm hiểu, tôi được biết có dịch vụ bưu chính công ích ngay tại điểm bưu điện xã, tôi ra đó được cán bộ ở đây hướng dẫn, sau đó cán bộ xã chứng nhận, bộ hồ sơ lý lịch tư pháp của tôi hoàn thành rất nhanh, các chi phí, lệ phí theo quy định, đặc biệt không phải vất vả xuống TP Vinh chen nhau làm hồ sơ. Rất thuận lợi”, chị Mai chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công Nghệ An cho biết, kể từ ngày đi vào hoạt động, Trung tâm luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ, thực hiện thống nhất các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, tiếp cận theo hướng văn minh, hiện đại, tích hợp các nguồn lực về cơ sở vật chất, con người, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, chúng tôi luôn trăn trở, mong muốn người dân tham gia sử dụng nộp hồ sơ theo các hình thức khác thuận lợi hơn, nhất là dịch vụ bưu chính công ích nhằm giảm tải áp lực tại Trung tâm, vừa giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và công sức góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách hành chính" - ông Mỹ nói.