Đắk Glong (Đắk Nông) nỗ lực xóa mù chữ

Thanh Nga 06/09/2022 10:16

Tình trạng dân di cư không ngừng đến Đắk Glong (Đăk Nông) được cho là nguyên nhân chính của tỷ lệ mù chữ cao ngất ngưởng ở đây. Ngành Giáo dục địa phương đang nỗ lực giảm tỷ lệ mù chữ trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, thách thức.

Lớp xóa mù ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong.
Lớp xóa mù ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong.

Đắk Glong là một trong những huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông. Huyện có 7/7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, giao thông cách trở. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn thiếu thốn; kinh tế - xã hội phát triển chậm, người dân sinh sống chủ yếu là phát nương làm rẫy, mặt bằng dân trí thấp.

Theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có 17.086 hộ với gần 74.000 nhân khẩu, trong đó hơn 55% số hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Số người mù chữ từ 15 đến 60 tuổi là 7.221 người, chiếm tỷ lệ 9,7%, riêng người mù chữ giai đoạn 1 (chưa biết chữ nào) là 4.575 người. Xã Quảng Hoà, Quảng Sơn, Đắk Măng, Đắk Som là những địa phương có số lượng người mù chữ cao. Trong đó, xã Quảng Sơn là địa phương có số lượng người mù chữ đứng đầu huyện với 2.005 người trong độ tuổi từ 15 đến 60, tập trung chủ yếu ở thôn Đắk S’Nao 1 và Đắk S’Nao 2.

Người dân hăng hái tham gia lớp xóa mù.
Người dân hăng hái tham gia lớp xóa mù.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Đắk Glong phụ trách công tác xóa mù, Công tác xoá mù chữ hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn như: Đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ phía Bắc vào ngày càng tăng, nhất là sau khi thành lập huyện; những người mù chữ đang trong độ tuổi lao động, hàng ngày phải lao động kiếm tiền; mặt khác, phần lớn là người dân tộc thiểu số, con cái nhiều nên ngại đi học; số người mù chữ nhiều mà kinh phí dành cho công tác xoá mù chữ còn hạn chế, kinh phí dành cho công tác xoá mù chữ mấy năm nay chưa có. Ngoài ra, do đời sống kinh tế khó khăn nên học sinh bỏ học nhiều; đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức còn hạn chế không muốn con cái học chữ mà phải đi làm có cái ăn trước mắt…

Trước thực trạng trên, UBND huyện Đắk Glong đã chỉ đạo Phòng GDĐT huyện đẩy mạnh công tác xóa mù.

Giáo viên huyện Đắk Glong tận tình hướng dẫn cho bà con học chữ.
Giáo viên huyện Đắk Glong tận tình hướng dẫn cho bà con học chữ.

Bà Đinh Thị Hằng cho biết: UBND huyện và Phòng GDĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các trường phối hợp với UBND các xã điều tra, rà soát, vận động người mù chữ đi học. Đồng thời vận động cán bộ, công chức, viên chức từ Phòng GDĐT đến các trường tự nguyện tham gia dạy lớp xoá mù chữ.

Theo kế hoạch, việc dạy và học chủ yếu vào các buổi tối từ thứ Hai đến Chủ nhật; riêng thứ Bảy và Chủ nhật dạy xen kẽ các buổi sáng, chiều. Có thể dạy buổi trưa, tuỳ vào nhu cầu của người dân. Năm 2022 dạy các lớp giai đoạn 1(lớp 1,2,3); giai đoạn 2 (lớp 4, lớp 5) sẽ thực hiện trong những năm tiếp theo.

Hiện tại, Phòng GDĐT huyện đã hoàn thành thống kê đối tượng, tham mưu bố trí kinh phí tổ chức được 10 lớp xóa mù từ kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia gồm 348 học viên. Mỗi lớp dao động từ 25-30 người, thời gian học dự kiến từ tháng 5 đến tháng 12/2022. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn mở được 7 lớp xóa mù theo hình thức xã hội hóa với 234 học viên.

Lễ tổng kết lớp xoá mù chữ tại huyện Đắk Glong.
Lễ tổng kết lớp xoá mù chữ tại huyện Đắk Glong.

Theo mục tiêu phấn đấu của UBND huyện Đắk Glong: Trong năm 2022, giảm khoảng 10% tổng số người mù chữ, kêu gọi xã hội hoá để mở các lớp dạy cho người mù chữ, mỗi xã mở 1 lớp theo hình thức xã hội hoá; đồng thời mở 10 lớp dạy theo kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu tỷ lệ người biết chữ trên địa bàn trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 84,5%. Trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số 80%; duy trì 7/7 xã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ mức độ 1.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, huyện Đắk Glong quyết tâm xóa mù chữ toàn diện cho 7.191 trường hợp. Để hoàn thành mục tiêu trên, địa phương cần khoảng 30 tỷ đồng phuc vụ công tác xóa mù chữ, gồm kinh phí chi trả chế độ giáo viên, hỗ trợ một số học viên khó khăn, tổ chức các lớp tập huấn, văn phòng phẩm, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập.

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, Đắk Glong là địa phương hàng năm có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào, nên số người thất học, mù chữ sẽ không ngừng tăng lên; số người mù chữ cao cũng là nguyên nhân của tình trạng đói nghèo, đồng thời cũng là áp lực về kinh phí xóa mù. Đây là bài toán nan giải mà địa phương rất cần sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên.

Thanh Nga