Bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa

NGHĨA TOÀN 06/09/2022 09:07

Tại Việt Nam, các bệnh lý về tim mạch đang cướp đi khoảng 200.000 sinh mạng người mỗi năm và cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh - theo những thống kê được công bố từ Hội Tim mạch Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, số người mắc những bệnh lý về tim mạch đang ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa.

Tầm soát bệnh tim mạch tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Ảnh: BVCC

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lý tim thường gặp là tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, thiếu máu cơ tim do tổn thương động mạch vành, các bệnh lý về động mạch chủ hoặc động mạch ngoại biên. Bên cạnh đó, còn có bệnh lý hở van tim, tim bẩm sinh. Các tình trạng như suy tim, rối loạn nhịp tim cũng là tình trạng phổ biến có thể gây ra tử vong do bệnh tim mạch. Các bệnh lý tim mạch nguy hiểm thường gặp trong trường hợp cấp cứu như nhồi máu cơ tim cấp, phình tắc động mạch chủ hoặc các trường hợp gây tắc mạch gồm đột quỵ não, tai biến mạch máu não, xuất huyết não.

Thống kê từ WHO cho biết, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, chiếm tới 31% số ca tử vong. Nguy hiểm hơn nữa, với tính chất diễn biến âm thầm, bệnh tim mạch thường được ví như “sát thủ thầm lặng”.

Thí dụ như bệnh lý tăng huyết áp thường không có triệu chứng cụ thể, chỉ khi đo huyết áp người bệnh mới thấy chỉ số huyết áp tăng cao. Điều này khiến người bệnh chủ quan trong điều trị và theo dõi tình trạng bệnh. Do đó, người bệnh thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và khiến bệnh có nhiều biến chứng, tăng nguy cơ tử vong.

Trong khi đó, tần suất người dân mắc các bệnh lý về tim mạch đến khám, điều trị ngày càng cao và trẻ hóa. Theo PGS. TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam, thực tế bệnh tim mạch gia tăng hàng năm rất nhanh chóng. Nếu năm 1980, thống kê cho thấy có khoảng 10% bệnh nhân mắc tăng huyết áp, nhưng đến năm 2009 tăng lên 27% ở người lớn. Viện tim mạch Việt Nam cũng ghi nhận những thống kê tương tự, đơn cử như tại phòng Tim mạch can thiệp, khoảng 10 năm trước đây, can thiệp khoảng 300 ca bệnh nhân bị bệnh động mạch vành/năm thì tới nay đơn vị can thiệp khoảng 3.500 ca/năm. Con số này cho thấy tốc độ gia tăng số người mắc bệnh gấp hơn 10 lần trong vòng 10 năm qua.

“Bên cạnh đó, mô hình bệnh tim không lây nhiễm bị trẻ hóa bởi lối sống hiện đại hóa. Trước đây, các bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên... thường chỉ gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, có thể chưa đến 40 và gần đây nhất chúng tôi liên tục can thiệp những trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở tuổi trên dưới 30 trong đó có ca mới 28 tuổi” - bác sĩ Hùng thông tin.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, theo bác sĩ Hùng, phần lớn là do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ… dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các biến cố tim mạch.

Sự thay đổi chế độ ăn uống trong đời sống công nghiệp cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch. Các loại thức ăn nhanh vốn chứa nhiều acid béo có hại và cholesterol xấu, dễ gây ra các bệnh mạch vành. Chế độ ăn hàng ngày giàu đạm và chất béo động vật, nghèo chất xơ rau củ quả và đạm thực vật cũng gây bệnh tim mạch. Thói quen ăn uống không lành mạnh dẫn đến mỡ máu cao.

Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể bị căng thẳng lớn. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi. Lối sống gấp gáp, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến người trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều.

Đáng nói, khi một người mắc bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khi còn trẻ tuổi như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch... thì đều ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung cũng như chất lượng sống hay hoạt động hàng ngày. Những trường hợp này đều cần phải có chế độ luyện tập, sinh hoạt, ăn uống, dùng thuốc đều đặn, phù hợp để nâng cao chất lượng sống, tránh nguy cơ tàn tật và ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Để phòng tránh bệnh tim mạch, Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã đưa ra những lời khuyên sau đây: Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn; Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng của bạn cũng tăng lên; Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác.

Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở; Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc; Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI)…

NGHĨA TOÀN