Phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập

H.Vũ 06/09/2022 06:00

Ngày 5/9, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự và đánh trống khai giảng năm học mới 2022-2023. Điều đó một lần nữa khẳng định quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới giáo dục một cách toàn diện.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học mới 2022-2023 tại Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên. Ảnh: VTV

Phát triển con ngườitoàn diện cả năng lực và phẩm chất

Tới dự Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước và luôn quan tâm chăm lo cho giáo dục. Thành tựu đạt được là rất quan trọng, nhất là sau hơn 35 năm đổi mới. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhưng trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, các đoàn học sinh nước ta tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế luôn đạt những thành tích cao, góp phần khẳng định vị thế của nền giáo dục Việt Nam trên thế giới. Trong các thành tích đó, có đóng góp của thầy và trò Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên.

Chủ tịch nước mong muốn, các em học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên cũng như tất cả các em học sinh trong cả nước hãy thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nối tiếp các thế hệ cha anh, phấn đấu không ngừng học hỏi, tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại, bồi đắp trí tuệ, nhân cách, hoàn thiện bản thân, tự khẳng định mình để mai sau lập thân, lập nghiệp và cống hiến thật nhiều cho đất nước, để Việt Nam chúng ta vững bước tiến tới “đài vinh quang” và cùng “sánh vai với các cường quốc năm châu”, như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022-2023, Chủ tịch nước đề nghị, toàn ngành Giáo dục nước nhà đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bộ Giáo dục - Đào tạo tập trung chỉ đạo tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng vào phát triển con người toàn diện cả năng lực và phẩm chất, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực. Bên cạnh đó, phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách, bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng những thành quả tốt đẹp của nền giáo dục nước ta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Tiếp tục đổi mới giáo dục, xã hội hóa việc học tập

Tới dự lễ khai giảng của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo cần tập trung giải quyết từng bước những tồn tại, hạn chế và những bất cập phát sinh. Nhiệm vụ trước mắt cần sớm giải quyết được 3 thiếu, đó là thiếu giáo viên, thiếu lớp học, thiếu sách giáo khoa. Thực hiện tiêm vaccine đầy đủ, khoa học, hiệu quả để các cháu khỏe mạnh đến trường, cha mẹ yên tâm công tác, thầy cô yên tâm giảng dạy.

Về lâu dài, theo Thủ tướng, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo. Tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới giáo dục, trong đó tập trung đổi mới tư duy thiết kế chương trình học tập; xã hội hóa việc học tập; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, tăng cường chất lượng.

Thủ tướng đề nghị, Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chế độ, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, nâng cao thu nhập cho giáo viên, đảm bảo cân đối, hài hòa trong tổng thể chung của các ngành nghề khác và phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước. Đồng thời, quan tâm đầu tư vật chất, xây dựng các cơ sở giáo dục, nhất là ở các khu công nghiệp, vùng khó khăn. Dành sự quan tâm tới môi trường vệ sinh, an toàn học đường, chăm sóc các em học sinh là người khuyết tật, con thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, học sinh là người dân tộc để đường đến với con chữ của các em bớt gian nan, để các em tự tin vươn lên trong học tập, cuộc sống; nhất định không để cháu nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.

“Trong mỗi ngôi trường trên khắp cả nước ta hôm nay, từ thành thị, nông thôn đến những bản làng xa xôi, hải đảo đều rộn ràng tiếng cười, hội ngộ của các cháu và thầy cô với nhiều cảm xúc. Tất cả các cháu hãy cố gắng, hãy quyết tâm, hãy vượt qua mọi hoàn cảnh, hãy biết yêu thương, chia sẻ, hãy sống nhân ái, có ý thức trách nhiệm, hãy chinh phục tri thức, hãy có khát vọng để không phụ sự quan tâm, tin yêu của gia đình, thầy cô, để mai sau góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”- Thủ tướng nhấn mạnh và gửi lời thân ái tới toàn thể các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục trên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

H.Vũ