Thời tiết cực đoan lan rộng

Thanh Đức 06/09/2022 09:10

“Chúng ta đang tiến gần đến mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 3 độ C. Thế giới đã không nhận ra rằng tình trạng mất đa dạng sinh học và mất cân bằng hệ sinh thái sẽ ảnh hưởng đến sự sống trên trái đất”- Giáo sư Tommy Koh, nhà môi trường học và nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore, nhận xét khi mà nhiều quốc gia đang phải chịu đựng những trận mưa lũ hoặc hạn hán đều ở mức kỷ lục.

Giáo sư Koh - người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trái đất năm 1992 và cũng là người nhận giải thưởng "Nhà vô địch của trái đất" năm 2006 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đã tỏ rõ sự bức xúc khi nói về nhiệt độ trái đất vẫn tăng lên, làm đảo lộn cuộc sống của nhân loại - trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo The Straits Times, mới đây.

Ông Koh cho rằng thế giới đang tiến gần đến mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và nếu điều này xảy ra sẽ là thảm họa. Ông Koh cũng cho rằng nhiều chính phủ đã không nỗ lực ngăn chặn “những bước tiến tai hại của biến đổi khí hậu”.

Biển báo nhiệt độ 46 độ C tại Bilbao (Tây Ban Nha) trong một ngày nắng gắt. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) cho rằng tới năm 2026 nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, do mức độ phát thải khí nhà kính cao kỷ lục. Con số trên được rút ra từ việc phân tích 120 dự báo khí hậu khác nhau, nên mức độ tin cậy cao.

Nhà nghiên cứu tại Met Office, giáo sư Leon Hermanson, cho rằng mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C đang trở nên khó khăn hơn, khi mà lượng khí thải carbon đạt mức cao nhất từng được ghi nhận, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Điều này khiến việc đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (đã được 197 quốc gia thông qua vào năm 2015) nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và tốt nhất dưới 1,5 độ C là khó khả thi.

Còn theo Tổng thư ký WMO, Petteri Taalas, mức tăng 1,5 độ C “không phải là con số ngẫu nhiên mà là chỉ số về ngưỡng mà các tác động khí hậu sẽ gây hại cho con người và toàn bộ hành tinh. Các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng, hỏa hoạn, hạn hán và lũ lụt là những tác động có khả năng xảy ra nhiều hơn khi trái đất nóng lên”.

Trong lúc trái đất tiếp tục nóng lên thì các nhà khoa học môi trường lại bày tỏ lo ngại khi hiện tượng La Nina đã diễn ra 3 năm liên tiếp trong mùa hè, thay vì theo quy luật chỉ kéo dài 2 năm.

Báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Australia (ARC) đưa ra ngày 3/9 mới đây nhấn mạnh, trong trường hợp La Nina diễn ra vào mùa xuân 2023, thì cũng có nghĩa là trái đất gia tăng lụt lội. Tiến sĩ Zoe Gillett (thuộc ARC) cho biết, thời tiết duy trì trạng thái La Nina 3 năm liên tiếp chỉ xảy ra vào năm 1950. Khi đó, mưa bão xảy ra ở hầu hết các vùng trên trái đất. Bà Gillett còn cho rằng tình hình hiện nay rất khó hiểu và có thể sẽ trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ rệt, thời tiết cũng cực đoan hơn rất nhiều so với năm 1950.

“Đa số mô hình dự báo khí hậu cho thấy chúng ta sẽ chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan do La Nina gây ra tăng gần gấp đôi so với thế kỷ trước, trong bối cảnh trái đất ngày càng nóng lên. Chúng ta sẽ phải chịu tác động của các hiện tượng El Nino và La Nina thường xuyên hơn” - nhận xét của bà Gillett.

Ngày 4/9, Trung tâm báo bão quốc gia (NHC) thuộc Cục Thời tiết quốc gia Mỹ cho biết, theo dõi diễn biến thời tiết từ tháng 3 đến nay, hoàn toàn có thể kết luận năm 2022 là năm nhiều thảm họa thiên nhiên. Châu Âu là lãnh thổ đã phải đi qua một mùa hè “không tìm thấy trong lịch sử” khi nhiệt độ nhiều quốc gia lên tới 47 độ C trong ngày cao điểm. Nhiều cánh rừng của châu Mỹ bốc cháy cũng vì nhiệt độ cao kéo dài nhiều ngày. Đặc biệt, các hình thái thời tiết “kỳ lạ” thuộc về châu Á, khi mà những đợt nắng nóng kéo dài (có thời điểm lên tới 51 độ C tại Pakistan) chưa kịp dứt thì lại phải hứng chịu những trận mưa lớn, gây lũ lụt.

“Điều đó được ghi nhận ở Pakistan, Bangladesh, miền nam Trung Quốc và Ấn Độ. Khiến hàng triệu người mất nhà cửa; hoa màu bị tàn phá” - NHC nhận xét và cảnh báo mùa thu tới châu Âu có thể phải chịu nhiều đợt mưa lớn; châu Á và Bắc Mỹ có thể sẽ phải đương đầu với những trận bão chưa thể nói trước về sự tàn phá.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã chỉ ra những tác động đã được đo đếm cụ thể của việc trái đất nóng lên đối với tình trạng tuyệt chủng các loài, sự sụp đổ của hệ sinh thái, các bệnh liên quan đến muỗi, hiện tượng nắng nóng chết người, thiếu nước và giảm năng suất mùa màng. Trong một báo cáo của IPCC đã chỉ ra tác động của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra, trong đó cho thấy nhiệt độ trái đất chắc chắn sẽ tăng quá ngưỡng 1,5 độ C. Cụ thể, nhiệt độ bề mặt trái đất đã tăng 1,1 độ C kể từ thế kỷ 19 đến nay.

Theo ông Mohamed Adow - người đứng đầu cơ quan nghiên cứu Power Shift Africa, báo cáo của IPCC sẽ giúp mọi người hiểu về mức độ nghiêm trọng của những hậu quả khi không cắt giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính; khi mà cuộc khủng hoảng khí hậu là không thể tránh khỏi thì con người buộc phải chủ động thích ứng để vượt qua.

Thanh Đức