Cuộc đua lãi suất vẫn nóng
Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động, trong khi đó các dự báo đưa ra cũng cho biết, xu hướng này sẽ tiếp tục từ nay đến cuối năm.
Hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất
Một số ngân hàng thương mại sẽ được cấp thêm “room” tín dụng để phục vụ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp cho vay sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm. Trong khi đó số liệu của Ngân hàng Nhà nước cung cấp tính đến giữa tháng 8 vừa qua đã dùng hết 9,62%. Như vậy để đáp ứng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế, các ngân hàng buộc phải cơ cấu lại nguồn tiền. Việc tăng lãi suất huy động cũng xuất phát một phần từ nguyên nhân đó.
Trong biểu lãi suất mới công bố, Ngân hàng ACB tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm thêm 0,1% ở nhiều kỳ hạn. Trước đó, ngân hàng này cũng đã nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn khác nhau, kể từ đầu tháng 7. Với lần điều chỉnh này, lãi suất kỳ hạn 6 tháng với hình thức gửi tiết kiệm online tại ACB đang dao động 5,7-5,9%/năm; kỳ hạn 7-8 tháng dao động từ 5,7-5,9%/năm.
Một ngân hàng lớn khác cũng nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động là MB. Theo đó, tại kỳ hạn 7-8 tháng, MB đã áp dụng mức lãi suất lên tới 5,3%/năm. Tại kỳ hạn dài trên 36 tháng, lãi suất tiền gửi của MB cũng tăng từ 0,2-0,4 điểm % lên 6,8%/năm.
Việc MB liên tục tăng lãi suất có thể là để đón đầu “room” tín dụng sắp được nới. Ngân hàng này được dự báo sẽ nhận được ưu tiên trong đợt nới chỉ tiêu tín dụng vài ngày tới, do tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Tại BacABank, tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng cũng được nâng lên mức trần 4%/năm. Ở kỳ hạn 6-7 tháng, lãi suất cũng tăng 0,15 điểm % lên 6,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1 điểm % lên 6,9%/năm. Kỳ hạn 13 tháng trở lên tăng 0,1 điểm % lên 7%/năm.
Giới chuyên gia cho rằng, lãi suất huy động có xu hướng tăng chủ yếu là do 2 yếu tố: Sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch và những tác động của lạm phát. Thứ nhất nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến cho nhu cầu về tín dụng quay trở lại, lãi suất cũng do vậy cũng đi lên. Chưa kể, nền kinh tế sau dịch bệnh đối diện nhiều khó khăn, lạm phát rình rập quay trở lại, nên ngân hàng phải đưa ra một mức lãi suất hấp dẫn hơn.
Và xu hướng tăng của lãi suất sẽ chưa dừng lại. Trong báo cáo cập nhật thị trường mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong tháng 8, các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm %. Cuộc đua tăng lãi suất để huy động tiền gửi có thêm sự tham gia của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh.
Áp lực bủa vây
Dự báo diễn biến lãi suất những tháng cuối năm, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, sẽ phụ thuộc vào nhiều ẩn số liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô và lạm phát.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, nền kinh tế đang ở trong giai đoạn kiểm soát lạm phát, và phải kiểm soát cả những kết quả để lại do thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thời gian trước dù các vấn đề để lại không nhiều như một số nước trên thế giới.
Cuối năm nhu cầu tín dụng tăng, ngân hàng đối diện với việc thiếu thanh khoản thì việc ngân hàng tăng lãi suất là điều dễ hiểu, chưa kể các ngân hàng cũng cạnh tranh hút khách bằng ưu thế tiền gửi cao.
Công ty chứng khoán SSI cũng đánh giá, thời gian tới, lãi suất huy động sẽ còn tăng khi hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được cấp. Bên cạnh đó, từ 1/10, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn sẽ phải giảm từ 37% xuống 34%, kéo theo việc các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn. Hai yếu tố này đẩy chi phí vốn bình quân của các ngân hàng cao hơn, kéo theo áp lực tăng lãi suất đầu ra.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, song cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để có những điều chỉnh hợp lý nhằm đạt được mục tiêu kép: Vừa kiểm soát lạm phát, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ nền kinh tế tận dụng cơ hội để phục hồi và bứt phá.