Đơn đặt hàng mới trong nước và nước ngoài đều tăng
Trong khi các nhà sản xuất trong nước lo lắng đơn hàng sụt giảm thì khảo sát mới đây về chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global thực hiện lại cho thấy kết quả ngược lại.
Theo dữ liệu tháng 8 cho thấy, tăng trưởng trong ngành sản xuất của Việt Nam đạt tốc độ nhanh hơn trong bối cảnh nhu cầu cải thiện, cùng với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới.
Báo cáo cũng cho rằng, hiệu suất hoạt động của người bán hàng đã cải thiện lần đầu tiên trong 33 tháng.
Cụ thể, PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,7 điểm trong tháng 8, tăng so với 51,2 điểm của tháng 7 và báo hiệu sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất vào thời điểm giữa quý 3 của năm. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã cải thiện trong 11 tháng liên tiếp.
Các nhà sản xuất thông tin, số lượng đơn đặt hàng mới tăng từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài. Cũng giống như sản lượng, tổng số lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng mạnh hơn so với tháng 7.
Các thành viên nhóm khảo sát cho biết số lượng khách hàng tăng, nhu cầu cải thiện và giá cả cạnh tranh là những nhân tố góp phần vào tăng trưởng lần này.
Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nói: “Động lực tăng trưởng đã mạnh lên trong ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 8 khi chỉ số PMI mới nhất cho thấy những lực cản mà các công ty đã phải đối mặt trong những năm gần đây đã nhẹ bớt".
Theo vị này, điểm ấn tượng nhất trong tháng 8 là tốc độ tăng chi phí đầu vào tiếp tục giảm mạnh, và chi phí chỉ tăng nhẹ trong kỳ khảo sát này. Điều này đã giúp các công ty có thể hạn chế mức tăng giá đầu ra, từ đó thúc đẩy thêm nhu cầu.
"Khi những lực cản đối với nguồn cung đã giảm, các công ty có thể tập trung vào việc tăng số lượng đơn đặt hàng mới và mở rộng sản xuất trong thời gian còn lại của năm 2022”, ông Andrew Harker nói.
Dựa vào thực tế cho thấy, kết quả khảo sát trên của S&P Global được xem là khá ngược với những gì mà các doanh nghiệp thông tin. Theo doanh nghiệp ngành chế biến đồ gỗ, dệt may, da giày…, gần đây đơn hàng sụt giảm mạnh do các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu,... lạm phát tăng cao, tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều.