Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Điền Bắc 06/09/2022 16:15

Sáng ngày 6/9, tại xã Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên), tỉnh Nghệ An trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902 - 6/9/2022). Người Cộng sản kiên trung, suốt đời vì lý tưởng cách mạng. Tham dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh TBT Lê Hồng Phong là dịp để chúng ta tri ân công lao, đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng thời tuyên truyền, giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.

Cuộc đời của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, trọn đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân. Những đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả, đạo đức trong sáng của ông sống mãi trong lòng Nhân dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (Ảnh Thành Cường).

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, ông Thái Thanh Quý nhấn mạnh "Đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Lịch sử mãi khắc ghi công lao to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam".

Do đó, học tập, noi gương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, trước hết là học tập về lòng yêu nước thiết tha, khát vọng cháy bỏng, ý chí đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân; học về tinh thần vượt lên mọi hoàn cảnh để tiếp thu tri thức văn hoá nhân loại, tiếp nhận lý luận cách mạng, nỗ lực nắm bắt chuyên môn, kỹ thuật quân sự hiện đại; học tập về ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần phê bình và tự phê bình của Đảng; học tập, rèn luyện về ý chí kiên trung, bất khuất của người cộng sản.

TBT Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Sinh ra ở vùng quê cách mạng, chứng kiến cảnh đất nước lầm than, Nhân dân bị bóc lột, TBT Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.

Chương trình văn nghệ tái hiện hình ảnh TBT Lê Hồng Phong khi bị giam cầm (Ảnh Thành Cường)

Sau nhiều năm hoạt động cách mạng oanh liệt, sôi nổi, đến năm 1940, TBT Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai tại quê hương, rồi đưa vào giam ở Khám Lớn (Sài Gòn) và bị kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo.

Tại đây, sau nhiều tháng ngày bị tra tấn dã man, sức khỏe suy kiệt, TBT Lê Hồng Phong trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/9/1942. Trước khi hy sinh, TBT Lê Hồng Phong nhắn lại: “Nhờ các đồng chí, báo cáo với Đảng rằng, tới phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Tấm gương hy sinh bất khuất của đồng chí Lê Hồng Phong đã truyền thêm niềm tin mãnh liệt, ý chí kiên cường cho đồng chí, đồng đội tiếp tục đấu tranh cho đến ngày cách mạng toàn thắng.

Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên.

Trước đó, vào chiều 5/9, tại thành phố Vinh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung làm sâu sắc hơn những 4 nội dung cơ bản gồm: Đồng chí Lê Hồng Phong - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam; Người chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên trung; Người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực và đồng chí Lê Hồng Phong - Người con ưu tú của quê hương Nghệ An.

Từ sự phân tích những hoạt động và cống hiến to lớn của TBT Lê Hồng Phong, các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định: TBT Lê Hồng Phong là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Điền Bắc