Học sinh đi muộn không được dự khai giảng: Cứng nhắc hay rèn ý thức kỷ luật?
Liên quan tới việc hàng chục học sinh không được vào trường dự khai giảng vì đi muộn, hiệu trưởng nhà trường lý giải đã làm đúng theo nội quy, quy chế của trường. Vụ việc này đang được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều.
Nhà trường có cứng nhắc?
Ngày 5/9, gần 23 triệu học sinh cả nước đã hân hoan đón năm học mới 2022 - 2023. Sau 2 năm phải khai giảng qua màn hình vi tính do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lễ khai giảng trực tiếp diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi và được các nhà trường tổ chức gọn nhẹ nhưng vẫn bảo đảm được không khí rộn ràng, trang nghiêm.
Theo ghi nhận, nhiều học sinh đến dự khai giảng từ rất sớm, có em còn đến sớm cả giờ đồng hồ. Trong khi đó, tại Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), hàng chục học sinh không được dự lễ khai giảng do đến muộn phải đứng ngoài cổng trường và sau đó ra về trong sự tiếc nuối.
Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiến Thành, nhà trường từ xưa đến nay đã có đầy đủ nội quy, quy chế. Theo đó, đến giờ quy định, nhà trường sẽ đóng cổng, không cho học sinh vào nữa.
Bà Lệ cho hay, trước ngày khai giảng, học sinh đã được thông báo cụ thể về thời gian. Khuôn viên trường chật hẹp nên trường không thể để học sinh, phụ huynh và kể cả giáo viên đi xe vào trong trường, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm trong lúc chào cờ.
Cũng theo bà Lệ, ngay sau khi nhận được phản ánh về sự việc, nhà trường đã họp rút kinh nghiệm nếu trong sự việc này nhà trường linh động hơn thì mọi việc sẽ tốt hơn. Nhà trường đã có báo cáo giải trình với UBND TP Thanh Hóa.
Một số phụ huynh cho rằng, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, buổi lễ khai giảng rất quan trọng với học sinh. Thay vì xử lý cứng nhắc, nhà trường nên châm chước cho các em.
Vụ việc này đang được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Về vấn đề này, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) nêu quan điểm đồng tình với cách xử lý của nhà trường.
Thầy Hiển cho rằng, ngày khai trường là ngày trọng đại, ngày lễ chung đối với cả thầy cô và học sinh. Ngày mở đầu cho một năm học mới cần tổ chức trang nghiêm, cẩn trọng. Thế nên, tuyệt đối không có việc học sinh đi muộn được vào trường, trừ trường hợp đặc biệt được thông báo trước.
“Ngày đầu tiên đi học đã đến muộn thì còn đâu kỷ luật. Nếu các em đến muộn, đi lại lộn xộn trong khi buổi lễ đang diễn ra sẽ làm mất đi không khí trang nghiêm. Tôi ủng hộ cách làm của nhà trường”, thầy Hiển cho hay.
Kỷ luật là giáo dục học sinh
Theo các chuyên gia giáo dục, học sinh trước khi học chữ cần rèn nền nếp, ý thức kỷ luật. Tuy nhiên, nhìn lại những vụ việc giáo viên xử lý học sinh vi phạm trong thời gian qua, đã có nhiều giáo viên bị phê bình, nhắc nhở, xử lý kỷ luật vì vi phạm các quy tắc ứng xử trong trường học. Ở một số vụ việc, nguyên nhân lại quy về lỗi của giáo viên do thiếu kỹ năng sư phạm, thiếu kỹ năng xử lý tình huống, vô cảm…
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, giáo viên hiện nay đang chịu nhiều áp lực vô hình. Nhiều vụ việc giáo viên xử lý học sinh thì bị phê phán, lên án, bêu riếu trên mạng xã hội. Thế nên có tình trạng giáo viên thu mình, sợ đụng vào học sinh. Trong khi đó, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra và chưa thể giải quyết được.
PGS.TS Lê Quý Đức nhắc lại nền giáo dục trước đây, cha ông ta dạy học trò bằng “roi vọt”, nghiêm khắc, kỷ luật nên không bao giờ có hiện tượng học trò phản ứng với thầy cô. Thời nay, học trò được đề cao nhân quyền. Theo chuyên gia này, việc chuyển từ nền giáo dục “roi vọt” sang giáo dục phát huy tính tự giác, kỷ luật tích cực cần có thời gian, không thực hiện ngay được.
Trở lại vụ việc học sinh Trường THPT Tô Hiến Thành đến muộn, không được vào dự lễ khai giảng, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, nhà trường xử lý như vậy với mục đích rèn ý thức kỷ luật học sinh. Tuy nhiên, với những nguyên nhân khách quan nhà trường nên có cách xử lý linh động hơn.
“Kỷ luật là giáo dục học sinh. Tôi đồng ý trường học phải có quy chế, nội quy để giáo dục con người, học trò, thấy giáo, giải quyết mâu thuẫn, những vấn đề xã hội đặt ra trong mối quan hệ này. Quy chế nào đưa ra cũng đáp ứng nhu cầu thực tế đó nhưng vẫn mang tính lý tưởng, mong muốn. Còn làm thế nào để thực hiện được còn nhiều điều phải bàn”, PGS.TS Lê Quý Đức nói.