Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972
Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với chủ đề: “50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo” đã được diễn ra vào ngày 6/9 tại Ninh Bình, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ngày 6/9, tại tỉnh Nình Bình đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) với chủ đề: “50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo”, do Bộ VHTTDL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành… Về phía khách mời quốc tế có Tổng Giám đốc Tổ chức UNESCO Audrey Azoulay…
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới được UNESCO thông qua ngày 16/11/1972. Đến nay, đã có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước.
Tham gia Công ước 1972 từ ngày 19/10/1987, 35 năm qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn thực hiện tốt các quy định của Công ước. Với nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, Việt Nam đã lựa chọn, lập hồ sơ 8 di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu và được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới. Kể từ khi tham gia đến nay, Việt Nam đã 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017.
Chỉ riêng năm 2019, các Di sản Thế giới ở Việt Nam đã đóng trên 18,2 triệu lượt khách đến thăm quan với tổng doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng, là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng, bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới.
Giai đoạn 2021 - 2025, hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO tiếp tục được củng cố thông qua việc hai bên đã ký Bản ghi nhớ nhằm nâng cao năng lực quản lý và tăng cường mạng lưới các Khu Di sản Thế giới, đảm bảo tính phù hợp và tiếp tục đóng góp cho các chiến lược phát triển quốc gia, cũng như các chiến lược phát triển của địa phương.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Việc tổ chức Lễ kỷ niệm với chủ đề “50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo”, thể hiện sự đồng hành một cách tích cực nhất về trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế”.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa biểu tượng, vừa kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 vừa kỷ niệm 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước này.
Theo Tổng Giám đốc UNESCO, chỉ riêng 5 năm qua, đơn vị đã dành hỗ trợ đối với ưu tiên của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý về di sản cũng như công tác kiểm kê các di sản phi vật thể. Sau 35 năm phê chuẩn Công ước, Việt Nam có tới 8 di sản được ghi danh, từ quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 1993 tới các di sản Tràng An, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, thành nhà Hồ và Hoàng thành Thăng Long Hà Nội...
Nói về những thách thức, bà Audrey Azoulay cho rằng, đầu tiên, việc dung hòa giữa phát triển với bảo tồn các di sản là vấn đề có tính quyết định tới việc gìn giữ địa cầu. Việt Nam là quốc gia từng đạt tốc độ phát triển kinh tế vào nhóm cao nhất thế giới trong vòng 20 năm qua, nhưng đồng thời cũng là một quốc gia thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo không hi sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển. Khu Di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững nhưng vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Đây chính là lý do khiến UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.
Vấn đề thứ 2, đó là biến đổi khí hậu, Tổng Giám đốc UNESCO chỉ rõ, sự gián đoạn của biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học không chỉ là mối đe dọa với môi trường sống trên trái đất mà còn đối với cả văn hóa. Theo nghiên cứu, cứ mỗi 5 khu di sản thế giới thì đã có 1 khu mà rủi ro về biến đổi khí hậu là một thực tế.
“Tất cả chúng ta cần phải hành động, và phải thật nhanh. Chúng ta phải tăng cường nỗ lực nếu muốn đạt được mục tiêu bảo vệ 30% hành tinh vào năm 2030... UNESCO muốn tăng cường hợp tác xây dựng năng lực cho các cán bộ quản lý các khu di sản, để có thể dự báo tốt hơn về hệ quả lâu dài của biến đổi khí hậu và giải quyết các tình huống khẩn cấp một cách hiệu quả hơn.
Bảo tồn di sản, điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng thế giới của chúng ta không bị sụp đổ thêm nữa. Đó là sự kết nối giữa quá khứ và tương lai của chúng ta. Chúng ta phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng mà chúng đáng có.
Chúng ta cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ví dụ ở Việt Nam, và như mô hình mẫu mực của Tràng An, đó chính là thông điệp tôi muốn truyền tải ngày hôm nay”, bà Audrey Azoulay nhấn mạnh.
Theo bà Audrey Azoulay, đây sẽ là thông điệp mà UNESCO sẽ bảo vệ tại Hội nghị Mondiacult năm 2022 tại Mexico với sự tham dự của 140 quốc gia, trong đó có Việt Nam.