Lập biên bản vì không cho con tiêm vaccine Covid-19: Đừng cứng nhắc!
Quan điểm của các luật sư cho rằng, việc lập biên bản xử phạt người dân đối với hành vi không đồng ý cho con tiêm chủng vaccine Covid-19 tại TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) là chưa phù hợp.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP hà Nội cho biết: Theo điểm a, khoản 2, Điều 9 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
“Như vậy, điều kiện cần để xử phạt trong trường hợp không chấp hành việc tiêm vaccine theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay chưa có quy định cụ thể việc bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em mà chỉ dừng lại ở việc kêu gọi.
Thực ra, chúng ta cũng không nên quan trọng hoá việc lập biên bản bởi về vản chất, biên bản chỉ là một văn bản nhằm ghi nhận lại sự việc phụ huynh từ chối cho con em mình đi tiêm vaccine mà thôi. Văn bản này không có giá trị về việc xử phạt mà chỉ làm chứng cho việc chính quyền đã dùng mọi cách nhưng người dân vẫn từ chối tiêm vaccine cho con, nếu có vấn đề gì xảy ra thì người dân phải chịu trách nhiệm”, Luật sư Nghĩa cho biết.
Còn Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội nêu quan điểm: “Tính đến thời điểm hiện tại, TP Móng Cái chưa được xem là vùng dịch nên việc áp dụng quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 9, Văn bản hợp nhất 01/2022/VBHN -BYT, lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế để xử phạt người dân đối với hành vi không đồng ý cho con tiêm chủng trong trường hợp này là không đúng. Bởi loại vaccine này không phải là loại bắt buộc tiêm chủng, việc tiêm phòng được thực hiện theo cơ chế khuyến khích, vận động người dân. Do đó, cơ quan nhà nước không thể ép buộc người dân phải tiêm phòng vaccine Covid-19”.
Luật sư Tiền cho biết thêm, thay vì áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc, hành chính hóa việc tiêm chủng một cách máy móc, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine phòng chống dịch Covid 19. Trước là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân, sau là để bảo đảm an toàn cho cả cộng đồng.
Nếu việc người dân không tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm có thể sẽ dẫn đến hậu quả gia đình có người mắc Covid-19 hoặc làm lây lan dịch bệnh thì họ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã đưa tin, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế với một số phụ huynh do không cho con em mình đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đầy đủ.
Theo đó, ngày 4/9/2022, UBND phường Trần Phú (TP Móng Cái) đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với anh K. (38 tuổi, ở tại phường Trần Phú, TP Móng Cái) vì đã có các hành vi vi phạm hành chính: Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, anh K. đã không cho con của mình được tiêm vaccine phòng Covid-19. Đồng thời, UBND phường Trần Phú cũng yêu cầu gia đình đến Trung tâm y tế thành phố để được tư vấn, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.