“Ế” chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ: Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, từ phía ngành giáo dục và chính các trường đang tham gia đào tạo sau đại học (ĐH) cần có những giải pháp đổi mới để thu hút người học.
Số lượng song hành cùng chất lượng
Theo Bộ Giáo dục đào tạo (GDĐT), thống kê 2 năm gần đây, tuyển sinh đào tạo sau ĐH ở trong nước đã giảm đáng kể. Cụ thể, trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021, tổng chỉ tiêu đào tạo bậc tiến sĩ (TS) được giao cho các trường là 10.167, nhưng các trường chỉ tuyển được 3.009 người, còn thừa 7.158 chỉ tiêu. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH, bảo đảm số lượng phải luôn đồng hành với chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo, Bộ GDĐT cho biết đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong đào tạo sau ĐH trên tinh thần thực hiện tự chủ ĐH và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo theo Luật Giáo dục ĐH và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.
Cụ thể, Bộ GDĐT đã rà soát và ban hành các văn bản liên quan đến đào tạo sau ĐH, bao gồm: Quy định về điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, TS; Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, thạc sĩ, TS; Chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH; Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ TS; Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ.
Đại diện Bộ GDĐT nhấn mạnh, những văn bản này nhằm đẩy mạnh tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo đối với chất lượng đào tạo sau ĐH, tăng cường công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng và công tác kiểm tra giám sát của các bên liên quan.
Đến nay, Bộ GDĐT đã có công văn chỉ đạo các cơ sở đào tạo tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH. Trong đó, tập trung vào những nội dung như kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; tăng cường kiểm định các chương trình đào tạo sau ĐH; định kỳ rà soát, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu.
Bộ GDĐT nhấn mạnh, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về đào tạo sau ĐH tại các cơ sở đào tạo và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.
Chủ động thu hút người học
Về giải pháp thu hút người học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có những thay đổi trong năm 2022. PGS. TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay, việc tuyển sinh của trường có rất nhiều điểm mới có lợi cho người học. Trong đó, ở bậc sau ĐH, có rất nhiều diện được tuyển thẳng. Cụ thể, đối với tuyển sinh đào tạo TS, nhà trường sẽ xét tuyển thông qua hồ sơ đánh giá chuyên môn.
Một điểm mới được triển khai năm nay đó là quy định người dự tuyển TS cần có đề cương nghiên cứu và thư giới thiệu của ít nhất 1 nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị TS khoa học, TS đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực chuyên môn mà người dự tuyển dự định nghiên cứu.
Đây cũng là cách nhiều trường ĐH trên thế giới đang áp dụng khi đào tạo TS chú trọng đến yếu tố nghiên cứu khoa học. Theo PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trung bình hàng năm trường này có khoảng 75 nghiên cứu sinh bảo vệ, mỗi nghiên cứu sinh có 5 đến 6 công trình công bố. Tỷ lệ công bố trên các tạp chí ISI/Scopus đạt trên 35%, tỷ lệ bảo vệ thành công đạt trên 70 %. Nhiều nghiên cứu sinh khi bảo vệ có trên 2 bài báo ISI, đăng bài trên tạp chí Q1 có chỉ số IF>3. Những dấu hiệu tích cực này cho thấy, chất lượng nghiên cứu đã dần tiệm cận chất lượng của các trường ĐH danh tiếng trong khu vực và thế giới.
“Cơ sở giáo dục ĐH đưa ra những yêu cầu, quy định phù hợp nhằm thu hút người học tài năng. Đồng thời hỗ trợ người học, chủ động trong tuyển sinh, xây dựng và triển khai chương trình đào tạo phù hợp, dựa trên thế mạnh của cơ sở giáo dục đại học. Cần xây dựng đội ngũ chuyên gia, giảng dạy, hướng dẫn tốt nhất, chủ động lựa chọn chuyên gia đánh giá luận án phù hợp nhằm nâng cao chất lượng luận án, công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Cơ sở giáo dục đại học xem xét từng trường hợp người học, từng lĩnh vực để xây dựng kế hoạch học tập, nghiên cứu phù hợp, nhằm nâng cao tỷ lệ thành công cho người học” - PGS. TS Nguyễn Phong Điền đề xuất.
GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam:
Đổi mới để thu hút người học
Khác với bậc ĐH có tình trạng thí sinh học hết cấp 3 rồi thi ĐH dù có thể chưa xác định được rõ sở thích, sở trường của bản thân, cứ thi đỗ ĐH đã. Đến bậc học thạc sĩ, sự lựa chọn của thí sinh đã có phần rõ ràng hơn về mặt mục tiêu, ngành học được lựa chọn. Còn ở bậc đào tạo TS, người học đã phải xác định rất rõ định hướng nghiên cứu của bản thân trước khi đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh, yêu cầu công việc đòi hỏi phải có bằng TS... Như vậy, đối tượng đã thu hẹp lại rất nhiều nên việc đặt ra chỉ tiêu đào tạo của nhà trường và thực tế nhu cầu xã hội có thể không khớp nhau là điều bình thường.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, về phía các trường cần có những đổi mới về chương trình đào tạo, không chỉ là về mặt thời gian mà quan trọng là theo hướng nghiên cứu sáng tạo hay nghiên cứu hàn lâm, linh động hơn với từng đối tượng người học phần lớn đã đi làm…
Hiện nhiều trường ĐH trên thế giới đã áp dụng việc trả lương cho nghiên cứu sinh như là một nghề, thay vì việc người học phải bỏ tiền, tất nhiên đi kèm theo đó là nhiều điều kiện, yêu cầu khác. Muốn làm được vậy, nhà trường phải có cơ chế và tăng cường tìm kiếm các nguồn lực từ bên ngoài để thu hút các học viên sau ĐH, nhất là các chế độ học bổng.