Tuyên chiến với hàng giả trên không gian mạng
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa xây dựng hệ thống phần mềm xác thực hàng chính hãng trên nền thiết bị di động với hệ thống phần mềm mã QRCode tĩnh và mã QRCode động. Phần mềm này sẽ chống mọi hình thức giả mạo, bảo vệ sản phẩm toàn diện...
Cùng với đó, phần mềm sẽ cảnh báo hàng giả tức thời cho doanh nghiệp và khách hàng bằng cách giới hạn lượt quét của tem chính hãng phân quyền quản lý rõ ràng giữa nhà máy sản xuất, nhà phân phối.
Ông Đỗ Đình Tấn - Phụ trách Phòng nghiệp vụ và vận hành, Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho hay, ứng dụng của hệ thống xác thực hàng chính hãng giúp người tiêu dùng có đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, doanh nghiệp minh bạch thông tin sản phẩm và giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tạo cơ hội lớn cho việc ứng dụng các công nghệ số.
Từ đó tạo ra sự tin cậy ở phía người dùng khi biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm mua qua hình thức thương mại điện tử. Ngoài ra, qua hệ thống truy xuất này, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng kết nối với nhau về các thông tin về quy trình bảo hành, các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp…
Đáng chú ý, công nghệ QRCode động trên hệ thống “truyxuat.gov.vn” được quản lý chặt chẽ, đảm bảo các tiêu chí về bảo mật, giới hạn số lần truy xuất, chống đoán trước; chống sao chép hình ảnh QRCode để in làm giả.
Trong những năm gần đây, thương mại điện tử, xu hướng mua sắm đa kênh có sự tăng trưởng mạnh và Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là rất khó khăn và cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2021, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Cũng theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Dự báo trong từ 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm từ 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), các hình thức gian lận trong mô hình thương mại truyền thống đã xuất hiện trên kênh thương mại điện tử. Điểm đặc biệt của thương mại điện tử là giúp quá trình mua sắm của người dân trở nên dễ dàng hơn. Bên bán và bên mua hầu như không cần tiếp xúc trực tiếp, không phụ thuộc khoảng cách địa lý và các phương thức thanh toán cũng đơn giản và thuận tiện hơn. Lợi dụng điều này, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng tăng.
Do vậy giới chuyên gia kỳ vọng, khi hệ thống xác thực hàng chính hãng được vận hành, người tiêu dùng sẽ có thêm phương thức kiểm tra chất lượng hàng hoá. Đặc biệt vấn đề hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất nhức nhối của thị trường nói chung cũng như trong thương mại điện tử nói riêng. Khi các sàn thương mại điện tử không kiểm soát chặt chẽ, xác minh các loại sản phẩm, hàng hóa đã xảy ra tình trạng hàng hóa đưa lên sàn bị trà trộn hàng giả, hàng nhái. Phía cơ quan quản lý cần cung cấp công cụ để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ được mình.