Phải chọn lọc các nhà đầu tư chất lượng
Trò chuyện với Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, chúng ta không khuyến khích kêu gọi các dự án thâm dụng năng lượng, thâm dụng lao động, đồng thời chúng ta cũng phải xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước lớn mạnh, trở thành đối tác làm ăn cùng với DN ngoại.
PV: Thưa ông, thời gian tới, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ được duy trì như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Việc thu hút vốn FDI đang được nhận xét có xu hướng lạc quan. Mặc dù xung đột Nga – Ukraine có làm ảnh hưởng đến lượng đầu tư nhưng gần đây có nhiều tín hiệu tốt trong thu hút vốn FDI. Nhưng theo quan điểm của tôi, việc Việt Nam tiếp cận đầu tư như thế nào mới quan trọng, trước đây là giải quyết vấn đề vốn và lao động nhưng giờ cần phải giải quyết về công nghệ phụ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nghị quyết 50 - NQ/TW 2019 định hướng chính sách nâng cao vốn đầu tư nước ngoài có đưa ra những chỉ tiêu, tiêu chí, số lượng tiến tới năm 2025 thu hút 30 – 40 tỷ USD trong một năm. Theo tôi mục tiêu thu hút con số này là không khó, song thay vào đó cần nâng cao chất lượng thu hút dự án, các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đã qua rồi thời thu hút vốn FDI bằng mọi giá, chúng ta phải đặt mục tiêu thu hút vốn FDI nhưng bao nhiêu phần trăm hàm lượng công nghệ cao, đào tạo được đội ngũ tay nghề chất lượng cao, hướng tới chuyển giao vận hành công nghệ. Chưa kể trong bối cảnh hiện nay quỹ đất sạch ở một số tỉnh như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... cũng không còn nhiều nên không ưu tiên các dự án tốn nhiều đất. Thời gian tới cần bổ sung thêm các tiêu chí chung để từ đó địa phương lựa chọn được tiêu chí phù hợp, chủ động thu hút vốn hiệu quả.
Hiện nay chúng ta cũng đang tham gia Hiệp định thuế tối thiểu toàn cầu, đây cũng là bộ lọc để thu hút vốn FDI từ những nước phát triển. Từ trước đến nay một số nguồn vốn từ Mỹ hay khối EU vào Việt Nam chưa trực tiếp, chủ yếu thông qua công ty thứ 3 để họ giảm được phần nào thuế. Do vậy, khi tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ chọn lọc được các nhà đầu tư chất lượng.
Ngoài việc tham gia Hiệp định thuế toàn cầu, cũng đã đến lúc chúng ta cần cắt giảm các ưu đãi với khối DN ngoại, để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho DN nội, thưa ông?
- Đúng vậy, câu chuyện thuế tối thiểu hay việc giảm dần các ưu đãi thuế, phí cho DN trong một thời gian nhất định đã đến lúc phải xem xét. Nhưng đây là bài toán khó, làm sao để giảm ưu đãi nhưng vẫn gia tăng được nguồn vốn FDI.
Thời gian tới chúng ta cũng không nên quá quan tâm đến số lượng mà cần quan tâm vốn thu hút là bao nhiêu và trọng tâm là vốn giải ngân và chất lượng vốn. Trong việc thu hút vốn FDI, theo tôi có hiện nay có một số rào cản. Thứ nhất đó là DN đầu tư FDI quan tâm logistics. Hiện logistics Việt Nam có tốt lên nhưng chưa thực sự đủ lực hấp dẫn.
Điểm thứ 2, thu hút FDI cần chú ý phân khúc cao hơn là đầu tư vào tài chính ngân hàng. Chúng ta cố gắng đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới, và đặt ra mục tiêu như vậy nhưng cách thu hút như thế nào mới là quan trọng khi việc giới hạn room nhà đầu tư nước ngoài bao năm nay đề xuất thay đổi song vẫn y nguyên.
Trong cơ cấu đầu tư ở Đông Nam Á là trên 17% ở mảng tài chính ngân hàng song ở Việt Nam, tỷ lệ này chỉ có 0,4%. Như vậy có nghĩa là vốn nước ngoài chạy vào Malaysia, Singapore. Dù giai đoạn này chúng ta thành công khi trở thành công xưởng chế tạo lắp ráp, hoặc cao hơn là sản xuất nhưng chúng ta cần phải cố gắng cao hơn nữa để trở thành trung tâm chuyển giao công nghê.
Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam không còn thế mạnh nhân công giá rẻ, năng suất lao động lại thấp. Như vậy có thể sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút vốn FDI thời gian tới. Ông bình luận gì về vấn đề này?
- Hướng thu hút FDI hiện đã khác trước rất nhiều. Chúng ta không hoan nghênh chào đón các dự án thâm dụng năng lượng và thâm dụng lao động. Thu hút FDI nhiều như vậy nhưng rõ ràng đời sống người lao động vẫn thấp, làm cả năm không đủ tiền đi du lịch, nghỉ dưỡng. Mục tiêu của chúng ta là hướng tới cuộc sống hoàn thiện cho người lao động, nên phải chú trọng đến các dự án cần lao động tay nghề cao, trả lương cao và phúc lợi xã hội tốt cho lao động. Muốn như vậy, chúng ta cũng phải đào tạo lao động tay nghề cao để cung ứng cho DN ngoại. Phải chủ động xây dựng những DN mạnh để hợp tác song hành với DN nước ngoài. Chẳng hạn như ở lĩnh vực DN công nghiệp phụ trợ, DN nội chưa ngang tầm thì cần phải nỗ lực nâng lên.
Để hoà nhập vào chuỗi cung ứng của DN FDI, chúng ta phải có loạt DN chất lượng cao để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài. Do chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu nên nhà đầu tư ngoại đã kéo DN từ bản địa hoặc từ quốc gia thứ 3 sang Việt Nam, hoặc thậm chí từ quốc gia khác nhảy vào chuỗi cung ứng của DN FDI đầu tư tại Việt Nam. Đây là điều rất bất lợi đối với chúng ta bởi sẽ dẫn đến hiệu quả thu hút FDI thấp.
Trân trọng cảm ơn ông!