Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay: Việt Nam không hi sinh di sản cho phát triển
Ngày 6/9, tại tỉnh Nình Bình diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) với chủ đề: “50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo”.
Lễ kỷ niệm do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức. Tham dự Lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.
Công ước về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới được UNESCO thông qua ngày 16/11/1972. Đến nay, đã có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước. Tham gia Công ước 1972 từ ngày 19/10/1987, 35 năm qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn thực hiện tốt các quy định của Công ước. Với nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, Việt Nam đã lựa chọn, lập hồ sơ 8 di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu và được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới. Kể từ khi tham gia đến nay, Việt Nam đã 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013-2017.
Tại Lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa biểu tượng, vừa kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 vừa kỷ niệm 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước này. Theo bà Azoulay, 5 năm qua, UNESCO dành hỗ trợ đối với ưu tiên của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý về di sản cũng như công tác kiểm kê các di sản phi vật thể. Sau 35 năm phê chuẩn Công ước, Việt Nam có tới 8 di sản được ghi danh, công nhận là di sản văn hóa thế giới... Bà Azoulay cho rằng, đầu tiên, việc dung hòa giữa phát triển với bảo tồn các di sản là vấn đề có tính quyết định tới việc gìn giữ địa cầu. Việt Nam là quốc gia thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo không hi sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển. Khu Di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững nhưng vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Đây chính là lý do khiến UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.