Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Giữ vững các thị trường trọng điểm
Mặc dù 4 tháng cuối năm sẽ có nhiều khó khăn thách thức nhưng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 50 tỷ USD, giữ vững các thị trường trọng điểm.
“Khai mở” nhiều thị trường
Báo cáo của Bộ NT&PTNT cho biết, 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông lâm thủy sản ước gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%. Đáng chú ý, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ).
“Thời gian qua Bộ đã rất nỗ lực trong việc khai mở thị trường xuất khẩu cho nông, lâm thủy sản, nhờ vậy nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông)” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 9,6 tỷ USD (chiếm 26,4% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD (chiếm 7,4%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Tập trung nguồn lực
Mặc dù xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, song theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước, chi phí vận chuyển tăng mạnh...
Bên cạnh đó, một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản nói chung, đặc biệt là đối với gỗ và đồ gỗ Việt Nam.
Với riêng ngành thủy sản, bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, (VASEP) nhận định, lạm phát toàn cầu bắt đầu phủ bóng lên xuất khẩu thủy sản Việt Nam theo đó những tháng cuối năm, ngành thủy sản gặp không ít thách thức.
“Mặc dù vẫn còn những khó khăn về nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nửa cuối năm không thể duy trì được tăng trưởng cao như nửa đầu năm, nhưng vẫn có thể lạc quan với con số xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD cho cả năm 2022 khi mà trong 7 tháng năm 2022, chúng ta đã xuất khẩu được gần 6,7 tỷ USD” - bà Lê Hằng nhận định.
Trước những khó khăn trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, toàn ngành đang tiếp tục tái cơ cấu, ngày càng đi vào chiều sâu. Đó là tư duy kinh tế nông nghiệp đã “bắt rễ” vào trong sản xuất. Điều đó được thể hiện ở việc trước đây người sản xuất mang ra thị trường những gì mình có, nay đang chuyển sang bán cái thị trường cần. Theo ông Tiến, để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng theo kế hoạch của cả năm, trong 4 tháng còn lại của năm 2022, sẽ phải tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp để gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học- công nghệ, phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi và cây trồng, phòng, chống để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt cần phải đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu các sản phẩm, xây dựng các chuỗi logistics... nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu và gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Liên quan đến thông tin Thái Lan và Việt Nam nhất trí hợp tác trong việc nâng giá gạo trên thị trường toàn cầu, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT khẳng định: Việt Nam tuân theo quy luật thị trường về giá lúa gạo, có trách nhiệm trong vấn đề an ninh lương thực không chỉ ở Việt Nam mà còn là trách nhiệm an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu. Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đảm bảo kế hoạch gieo trồng hơn 7,2 triệu ha, sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn thóc. Do đó, sản lượng xuất khẩu năm 2022 từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn gạo hoàn toàn đảm bảo. Tuy nhiên, giá cả sẽ phụ thuộc vào thị trường thế giới.