Ngành sư phạm tăng sức hút: Điểm chuẩn sẽ biến động thế nào?
Mùa tuyển sinh năm 2021 chứng kiến sự quay trở lại vị trí top đầu của ngành đào tạo giáo viên. Trong điều kiện thực tế các địa phương còn thiếu giáo viên cục bộ, mùa tuyển sinh năm nay, điểm chuẩn ngành sư phạm sẽ biến động như thế nào?
Tăng sức hút với người học
Nếu như các năm trước, có trường lấy điểm chuẩn ngành sư phạm chỉ bằng điểm sàn thì năm 2021, điểm chuẩn vào ngành học này đã tăng lên đến 7 - 8 điểm, mức tăng cao nhất sau nhiều năm.
Trong số 265 mã ngành tuyển sinh có điểm chuẩn tăng 5 điểm trở lên của mùa tuyển sinh năm 2021, nhóm ngành sư phạm vươn lên bất ngờ ở vị trí thứ hai với 64 ngành.
Trong đó, điểm chuẩn trúng tuyến vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cao không kém các trường kinh tế đang "hot" nhất. Điểm trúng tuyển ngành Sư phạm tiếng Anh lên đến 28,53; các ngành sư phạm Toán (dạy bằng tiếng Anh) và Giáo dục chính trị lên đến 28,25. Với mức điểm này, thí sinh dù đạt điểm 2 môn 9 và 1 môn 10 vẫn nằm ngoài cuộc đua. Hay như ngành Sư phạm Công nghệ của Trường Đại học Sư phạm 2 cũng có điểm chuẩn là 32,5/40 - tăng tới 7,5 điểm so với năm 2020.
Nhìn lại những mùa tuyển sinh trước, đã có thời điểm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, thậm chí một số trường sư phạm phải tuyển “vớt” nhóm “cùng sào” mà vẫn không đủ người học.
TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm 2 cho rằng, nguyên nhân chính của thực trạng thí sinh kém mặn mà với ngành sư phạm là bởi nhiều địa phương không có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên, do đó sinh viên ra trường gặp nhiều khó khăn về việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo, đồng thời, mức thu nhập của giáo viên chưa thực sự hấp dẫn so với các ngành nghề khác.
Tuy nhiên, từ năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Cụ thể: Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, ngoài ra còn hỗ trợ 3,63 triêu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong học tập tại trường. Đặc biệt ngày 18/7/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW, trong đó xác định bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên giai đoạn từ năm 2022 đến 2026 là 65.980 viên chức. Riêng năm học 2022 - 2023, tạm giao 27.850 chỉ tiêu biên chế cho các địa phương.
“Có thể nói, những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đã có sự tác động rất lớn đến việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh. Trong 2 năm trở lại đây, nhiều thí sinh đã lựa chọn vào các trường sư phạm, đặc biệt là các trường đại học sư phạm chủ chốt, có truyền thống và uy tín trong đào tạo giáo viên. Trong bối cảnh chung đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã không gặp khó khăn trong việc tuyển sinh từ 2 năm trở lại đây”, TS Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, riêng đối với ngành Sư phạm Lịch sử của trường, ngoài những tác động tích cực chung nói trên, còn phải nói đến việc ngày 3/8/2022, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT, trong đó xác định môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT) với thời lượng là 52 tiết/năm học.
Với sự điều chỉnh này, năm nay, ngành Sư phạm Lịch sử tăng sức hút với người học hơn, số thí sinh đăng ký xét tuyển ngành học này rất đông. Đây là tín hiệu vui cho mùa tuyển sinh năm 2022.
Điểm chuẩn năm nay có tăng?
Thời điểm này, việc đăng ký và nộp lệ phí xét tuyển của thí sinh đã hoàn tất. Theo quy định, trước 17h ngày 17/9, các cơ sở đại học sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển và kết quả xét tuyển năm 2022. Trong khi thực tế, chỉ tiêu vào các trường Sư phạm năm nay có giảm, điểm chuẩn vào ngành đào tạo có tăng mạnh trong mùa tuyển sinh năm nay?
Năm 2022, Bộ GDĐT tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho nhóm ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, các ngành sư phạm trình độ đại học có điểm sàn là 19; riêng ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật là 18.
Với mức sàn bằng năm ngoái, một số chuyên gia dự báo điểm chuẩn các ngành Sư phạm năm nay có thể ở mức tương đương hoặc tăng nhẹ tại một số ngành.
Trường Đại học Hồng Đức là một trường trực thuộc địa phương nên những năm gần đây, đặc biệt từ khi triển khai Nghị định 116, tỉnh Thanh Hoá rất quan tâm và đặt hàng, giao nhiệm vụ cho nhà trường trong đào tạo giáo viên. Vì vậy, theo PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, nguồn tuyển sinh của nhà trường trong những năm qua đã rất tốt. Sinh viên năm thứ nhất đã được lấy chế độ.
Điểm chuẩn của trường năm 2020, đặc biệt là năm 2021 khá cao, từ 22 điểm trở lên tùy theo từng ngành. Theo nhận định của PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền, điểm chuẩn năm nay có thể tương đương hoặc cao hơn năm ngoái một chút.
Trong khi ngành đào tạo giáo viên đang quay lại vị trí top đầu, thu hút nhiều thí sinh lựa chọn thì câu chuyện lương giáo viên tiếng Anh tiểu học mới ra trường chỉ hơn 3 triệu trong khi giờ định mức là 23 tiết/tuần đang nóng trong mùa tựu trường.
Lương thấp là một trong những nguyên nhân khiến nhiều giáo viên phải nghỉ việc, tìm hướng đi khác để mưu sinh. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng giáo viên nghỉ việc để họ yên tâm với nghề là bài toán đặt ra trong năm học mới.