Phim Việt ra rạp: Loay hoay tìm lối đi
Sau khi các cụm rạp chiếu phim được mở cửa trở lại, phim Việt đã có sự “ra quân” rầm rộ với nhiều tác phẩm được dự đoán sẽ phá kỷ lục các phòng vé. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại hầu như chưa có bộ phim nào tạo được sự đột phá. Trong khi đó, các tác phẩm của nước ngoài lại đang chiếm ưu thế.
Gió đổi chiều
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 20 bộ phim Việt Nam ở đủ các thể loại từ tâm lý, tình cảm, hài hước, võ thuật… được công chiếu tại các cụm rạp trên cả nước. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng. Có thể nói, những thành công của phim Việt thời gian qua đã tạo ra những “cú hích” cho các nhà sản xuất, đơn vị phát hành trong nước mạnh dạn đầu tư cho các sản phẩm điện ảnh của mình. Đặc biệt, việc có đến 5 bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ đồng trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19 như một “liều thuốc tinh thần” khích lệ đoàn làm phim “vượt khó” để ra rạp.
Tuy nhiên, các bộ phim Việt ra rạp đến thời điểm hiện nay chỉ tăng về số lượng, còn chất lượng vẫn chưa được như kỳ vọng. Ngoài bộ phim “Em và Trịnh” đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, “Bẫy ngọt ngào” thu được gần 90 tỷ đồng, “Nghề siêu dễ” cán mốc doanh thu 72 tỷ đồng… còn lại những bộ phim khác không để lại ấn tượng gì trong khán giả.
Phần lớn các bộ phim Việt Nam chỉ ra rạp trong một thời gian ngắn rồi nhanh chóng xin rút vì không hút khách. Trong đó, không ít bộ phim đã được đầu tư kinh phí rất lớn. Theo thống kê từ chuyên trang phòng vé độc lập Box Office Vietnam, phim “578: Phát đạn của kẻ điên” (đạo diễn Lương Đình Dũng) mức đầu tư lên đến 60 tỷ đồng khi phát hành chỉ thu về hơn 3 tỷ đồng; phim “Kẻ thứ ba” (đạo diễn Park Hee Jun, nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ) đầu tư khoảng 33 tỷ đồng, thu về chưa đến 1 tỷ đồng; “Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác” (đạo diễn Hàm Trần) đầu tư gần 30 tỷ đồng, thu về gần 6,5 tỷ đồng… Trong khi đó, ở chiều ngược lại hầu hết các bộ phim nước ngoài khi công chiếu ở các rạp trong nước đều vượt mốc hơn 200 tỷ đồng.
Không chỉ “thất bại” về doanh thu, phim Việt còn đang đứng trước nguy cơ “thua ngay trên sân nhà”. Mới đây, trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh mùng 2/9, không có một bộ phim Việt Nam nào tạo được dấu ấn tại các phòng vé mà thay vào đó là “sức hút” đến từ các sản phẩm của nước ngoài. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của CGV cho biết, doanh thu 7 tháng đầu năm của đơn vị này mới đạt 60%, còn số lượng phim Việt giảm còn một nửa so với năm 2019 (trước dịch). Ông Hải cũng dự đoán, kịch bản tương tự sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm, khi chỉ có khoảng 5 đến 6 phim Việt được ra rạp.
Thay đổi chiến thuật
Rất nhiều lý giải cho sự thất bại của phim Việt Nam khi ra rạp, nhưng hơn cả đó là việc các đoàn làm phim vẫn đang chạy theo tư duy cũ, áp dụng các phương pháp thành công trước đó mà quên đi thị hiếu khán giả. Điểm lại, hầu hết phim ra rạp đều chỉ thuộc thể loại phim hài, hành động, kinh dị. Không ít bộ phim có tựa đề khó hiểu với mục đích giật gân câu khách. Điều này phần nào phản ánh sự lúng túng của các nhà làm phim trong việc tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm. Khi chưa tự tin vào năng lực, họ buộc phải khai thác các yếu tố khác như mời người nổi tiếng diễn xuất, đặt tựa đề gây tò mò, tạo nên các cảnh quay gây tranh cãi. Trong khi đó, bối cảnh đời sống có rất nhiều chất liệu hay tạo nên sự rung động và đồng cảm mạnh mẽ cần được khai thác ở nhiều thể loại phim để mang đến cho khán giả sự tiếp nhận phong phú.
Không những vậy, rất nhiều nhà làm phim thừa nhận, thành công của một bộ phim ngoài câu chuyện chất lượng, thì việc chọn đúng thời điểm phát hành có tác động không nhỏ. Chính vì thế, hiện cả nhà rạp lẫn nhà sản xuất đều đang trong tâm lý hồi hộp, thấp thỏm vì sợ những “đứa con tinh thần” của mình có nguy cơ “chết yểu” như những bộ phim đi trước. Bởi theo thông tin từ các đơn vị sản xuất, hiện trung bình số tiền cơ bản đầu tư cho một bộ phim từ 20 đến 25 tỷ đồng đã là một “canh bạc” đầy rủi ro. Để hòa vốn, nhà sản xuất phải có doanh thu khoảng 50 đến 55 tỷ, do phải chi trả phần thuê rạp, chi phí quảng bá, marketing… không dưới 30 tỷ. Điều này trở thành một áp lực không nhỏ cho các nhà đầu tư...
Theo đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, thị hiếu khán giả trong nước vẫn luôn là một ẩn số khó đoán. Các công thức đặt ra như kịch bản hài nhảm, ngôi sao phòng vé… một thời đã không còn tác dụng. Khán giả phim Việt ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng phim, kịch bản, diễn xuất của diễn viên... tất cả phải là một tổng thể hài hòa, chạm đến cảm xúc khán giả.
Đồng quan điểm, chuyên gia truyền thông Hằng Nguyễn cho rằng, nhìn vào “bức tranh” điện ảnh Việt từ đầu năm đến nay, nhà sản xuất, nhà phát hành hoàn toàn có thể rút ra bài học khi xây dựng chiến lược phát hành từ nay đến cuối năm. Đối chiếu doanh thu giữa các phim Việt và phim ngoại thời gian qua có thể thấy, khán giả hiện tại không hề thờ ơ với rạp chiếu phim, chỉ là số ít lựa chọn xem phim Việt. Bà Hằng Nguyễn cũng cho rằng, phim Việt thất thế trên sân nhà không phải là điều gì bất ngờ. Tất cả chúng ta đều hiểu, thành công của bộ phim phụ thuộc vào chất lượng, nhưng thời điểm phát hành cũng là yếu tố quan trọng không kém. Thị trường thời gian qua đang bộc lộ điểm yếu của các nhà làm phim Việt. “Thực tế cho thấy, việc chọn ngày phát hành phim ở thời điểm hiện tại vẫn đang là bài toán khó đối với các đơn vị sản xuất phim Việt. Công thức phim trăm tỷ bị phá vỡ hoàn toàn. Điều đó buộc nhà sản xuất, nhà phát hành phải khôn ngoan hơn khi lựa chọn đề tài và thời điểm phát hành” - bà Hằng Nguyễn nêu quan điểm.